Tổng Bí thư: Hạn chế tối đa tình trạng bỏ trốn khi xử lý tham nhũng

06:50, 29/12/2016
|

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp của BCĐ TƯ về PCTN, Tổng Bí thư yêu cầu phải hạn chế tối đa tình trạng bỏ trốn, bỏ chạy, tăng cường thêm khâu thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 28/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng họp Phiên thứ 11. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp.

Báo cáo tại phiên họp nêu rõ, trong năm 2016, với quyết tâm cao và sự chỉ đạo tập trung, sâu sát, quyết liệt, cụ thể, kịp thời, đổi mới của Thường trực Ban Chỉ đạo và Ban Chỉ đạo, vừa chỉ đạo định hướng chủ trương xử lý, vừa chỉ đạo cụ thể từng nội dung công việc, gắn với trách nhiệm của các cơ quan chức năng và người có thẩm quyền, thường xuyên đôn đốc giải quyết công việc đến cùng của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo; cùng với sự nỗ lực cố gắng lớn của các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan chức năng khác, nên tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp và xử lý các vụ việc nổi cộm có những chuyển biến rõ rệt. Nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận bức xúc đã được xử lý đúng tiến độ, nghiêm minh theo quy định của pháp luật như vụ án Phạm Công Danh, vụ án Hà Văn Thắm, vụ án Lê Dũng, vụ án Phạm Ngọc Ngoạn, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (phần điều tra lại).

Năm 2016, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã truy tố, xét xử sơ thẩm 8 vụ/121 bị cáo; xét xử phúc thẩm 6 vụ/55 bị cáo. Các vụ án thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc đã truy tố, xét xử sơ thẩm 3 vụ/10 bị cáo; xét xử phúc thẩm 2 vụ/3 bị cáo.

Ban Chỉ đạo đã thành lập 7 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại 14 tỉnh. Qua kiểm tra, giám sát, các Đoàn công tác đã kiến nghị 42 vấn đề về cơ chế, chính sách, pháp luật; kiến nghị đôn đốc theo dõi, chỉ đạo xử lý 87 vụ việc, vụ án.

Điểm mới trong năm 2016 là Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính kiểm tra chuyên đề phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong các lĩnh vực thuế, hải quan.

Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Ban Nội chính Trung ương – Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, tập trung giúp Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định trong lĩnh vực kiểm tra, giám sát của Đảng có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng.

Ban chỉ đạo đã ban hành kế hoạch số 19 ngày 10/5/2016 triển khai thực hiện chỉ thị số 50, ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Đến nay, hầu hết các nội dung đã và đang được các cơ quan chức năng triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch; 63/63 tỉnh ủy, thành ủy đã ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện; đã lựa chọn, đưa vào diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý 436 vụ việc, vụ án.

Sự phối hợp giữa các cơ quan của Đảng với các cơ quan nhà nước nói chung, giữa cơ quan kiểm tra, giám sát của Đảng với cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra nói riêng được tăng cường, chặt chẽ, kịp thời hiệu quả hơn.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo biểu dương Ban Nội chính trung ương - Cơ quan thường trực của của Ban Chỉ đạo đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, chủ động sáng tạo trong tham mưu, đề xuất, phục vụ các hoạt động của Ban Chỉ đạo. Tổng Bí thư nêu rõ, năm 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, khối lượng công việc lớn; nhiều thành viên Ban Chỉ đạo mới được bổ sung. Tuy nhiên Ban Chỉ đạo đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Các thành viên Ban Chỉ đạo sâu sát, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ.

“Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Song song với việc thực hiện nhiệm vụ, Ban Chỉ đạo tiếp tục phải kiện toàn cho nhiệm kỳ mới. Tính chất công việc của chúng ta rất phức tạp, một đòi hỏi mới trong cán bộ đảng viên và nhân dân đối với công tác đấu tranh chống tiêu cực nói chung và chống tham nhũng lãng phí nói riêng. Điểm thuận lợi trong năm 2016 là sau Đại hội, sau bầu cử Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, sau những việc làm trong thời gian vừa qua, chúng ta đang có khí thế mới, đang có sự đồng thuận của cả xã hội, không khí làm việc cũng khác trước. Đồng thời cũng đòi hỏi chúng ta phải trách nhiệm lớn hơn, nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, cũng như các cơ quan khác, Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng đã rất cố gắng, thực hiện chương trình nhiệm vụ đề ra vào cuối năm ngoái, cho năm nay và có những chuyển biến rất rõ rệt, tích cực. Một vấn đề nữa mà chúng ta làm được trong năm 2016 là các cơ quan đều vào cuộc, tương đối đều tay, chưa được hoàn toàn nhưng khá mạnh mẽ”, Tổng Bí thư nêu rõ.

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, cùng với việc khẩn trương kiện toàn về tổ chức, Ban Chỉ đạo đã tích cực, chủ động, sáng tạo, đổi mới phương thức hoạt động, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác. Hầu hết những nội dung quan trọng trong Chương trình công tác trọng tâm của Ban Chỉ đạo được thực hiện nghiêm túc và hoàn thành theo kế hoạch; tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp và xử lý các vụ việc nổi cộm có những chuyển biến rõ rệt.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động của Ban Chỉ đạo, trong đó có việc điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt kéo dài, một số đối tượng đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra do có liên quan đến các sai phạm về kinh tế, tham nhũng đã bỏ trốn ra nước ngoài gây bức xúc và hoài nghi trong nhân dân, tiến độ Triển khai thực hiện một số nhiệm vụ theo Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị còn chậm…

Về nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2017, cơ bản nhất trí với 7 nhóm nhiệm vụ công tác trọng tâm với 12 nhiệm vụ cụ thể được nêu trong báo cáo, Tổng Bí thư nhấn mạnh, trọng tâm vẫn là lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý tham nhũng.

“Muốn làm tốt chúng ta phải tiếp tục có quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa và hành động quyết liệt hơn nữa; chú ý thêm một số vụ án lớn, nghiêm trọng; chú ý thêm một số khâu ở địa phương, cơ sở; chú ý thêm một số lĩnh vực như: tài nguyên môi trường (nhất là đất đai và khoáng sản), thuế và hải quan, khu vực tư nhân, khu vực đầu tư nước ngoài. Cố gắng hạn chế tối đa tình trạng bỏ trốn, bỏ chạy, tăng cường thêm khâu thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu. Ở địa phương, cơ sở, sắp tới cần đặt ra phương hướng kiểm tra như thế nào để cơ sở phải mạnh lên. Mấy năm vừa rồi công tác kiểm tra đã cho thấy tác dụng tốt, nhưng chuyển biến vẫn chưa mạnh”, Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận đặc biệt quan tâm, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thanh tra, kiểm toán, xử lý các dự án đầu tư lớn thua lỗ, kéo dài, không hoạt động được và khẩn trương điều tra khi có dấu hiệu tội phạm.

Theo VOV


Ý kiến bạn đọc