Kiên quyết xử lý chủ hồ chứa xả lũ không đúng quy trình

20:01, 16/12/2016
|

(VnMedia) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu có biện pháp tăng cường quản lý, giám sát việc vận hành điều tiết, xả lũ các hồ chứa; xây dựng chế tài xử lý các chủ hồ chứa vi phạm quy trình vận hành xả lũ…

Kết luận tại Hội nghị giao ban trực tuyến đánh giá, rút kinh nghiệm công tác ứng phó với mưa lũ ở khu vực miền Trung, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu có biện pháp tăng cường quản lý, giám sát việc vận hành điều tiết, xả lũ các hồ chứa…

Theo đó, trước tình hình thiệt hại lớn do mưa lũ khiến 65 người chết và mất tích, gần 200.000 ngôi nhà bị ngập, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt bị sạt lở, chia cắt, ách tắc nhiều đoạn, tổng thiệt hại vật chất trên 7.000 tỷ đồng..., Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ phối hợp với các địa phương rà soát điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh bất cập (nếu có) của Quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, hạn chế tác động tiêu cực, thiệt hại do xả lũ; Có biện pháp tăng cường quản lý, giám sát việc vận hành điều tiết, xả lũ các hồ chứa.

Bộ Công Thương được yêu cầu chỉ đạo việc vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện và hệ thống lưới điện, khắc phục nhanh các sự cố, bảo đảm cung ứng điện cho người dân; đồng thời bảo đảm các hàng hóa thiết yếu, không để lợi dụng thiên tai tăng giá bất thường.

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo các lực lượng đóng chân trên địa bàn sãn sàng hỗ trợ địa phương triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn khi có yêu cầu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính ưu tiên bố trí nguồn lực để đẩy nhanh xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa làm cơ sở điều chỉnh, bổ sung phương án ứng phó với mưa, lũ, xử lý tình huống xả lũ khẩn cấp, vỡ đập.

xả lũ
Đảm bảo thông tin xả lũ kịp thời tới người dân

Đảm bảo thông tin xả lũ kịp thời tới người dân

Về lâu dài, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kỹ năng phòng tránh, ứng phó thiên tai; nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh thực hiện đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng nhằm nâng cao trách nhiệm, chủ động của người dân, doanh nghiệp.

UBND cấp tỉnh chỉ đạo xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể giữa chính quyền địa phương với từng chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện, quy định rõ trách nhiệm trong thông tin, vận hành, giám sát điều tiết, xả lũ phù hợp với các quy định pháp luật và Quy trình vận hành, đảm bảo thông tin xả lũ kịp thời tới người dân.

Xây dựng chế tài, kiên quyết xử lý đối với các chủ hồ chứa nước, các cá nhân vi phạm các quy định về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành xả lũ (bao gồm cả việc thông tin về xả lũ, không lắp đặt đầy đủ trang thiết bị cần thiết theo quy định) dẫn tới thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và nhà nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan chuyên môn sớm nghiên cứu, đánh giá thực trạng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, nhất là về chất lượng rừng liên quan đến phòng chống thiên tai; có kế hoạch trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần khắc phục tình trạng lũ lụt khi mưa, hạn hán trong mùa khô; chủ trì phối hợp với các cơ quan rà soát quy hoạch thoát lũ ở các vùng, các địa phương gắn với hệ thống cơ sở hạ tầng và điều kiện mưa lũ hiện nay, từ đó xây dựng Đề án tổng thể đề xuất các giải pháp bảo đảm thoát lũ, hạn chế thiệt hại tại những khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt.

Hỗ trợ hộ nghèo xây nhà ở phòng, tránh bão lụt

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan chủ động rà soát các công trình hạ tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, có biện pháp xử lý các công trình gây cản trở thoát lũ; phối hợp với các địa phương rà soát bố trí, sắp xếp lại dân cư vùng thường xuyên bị ngập lụt, hạn chế thiệt hại do thiên tai và tạo điều kiện quy hoạch lại sản xuất; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt khu vực miền Trung.

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn phối hợp với các địa phương rà soát lại hệ thống các trung tâm, trạm tìm kiếm cứu nạn để kiến nghị bổ sung, điều chỉnh phù hợp đáp ứng nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, nhất là tại khu vực miền Trung; đầu tư, mua sắm phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch và phù hợp nhu cầu thực tế của địa phương, nhất là phương tiện phục vụ sơ tán người (xuồng cao su) khi xảy ra mưa lũ.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc