Hà Nội: Giám đốc Sở đối thoại vụ 'vỡ trận' bến Mỹ Đình

22:12, 31/12/2016
|

Nếu các doanh nghiệp (DN) phản đối và cho rằng việc điều chuyển xe khách không đúng với quy hoạch có thể kiện Sở Giao thông.

DN đòi đối thoại với Chủ tịch HN

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đối thoại với các DN, cá nhân phản đối kế hoạch điều chỉnh luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh giữa các bến xe trên địa bàn TP.

Mở đầu cuộc họp, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT HN cho biết, theo định hướng quy hoạch, Hà Nội đã xây dựng phương án điều chuyển trình Bộ GTVT và đã được chấp thuận vào ngày 30/12.

DN vận tải yêu cầu đối thoại với Chủ tịch Nguyễn Đức Chung
DN vận tải yêu cầu đối thoại với Chủ tịch Nguyễn Đức Chung

Theo đó, sẽ tiến hành điều chỉnh 691 lốt với 20.396 chuyến/tháng (trung bình 680 chuyến/ngày), tập trung chủ yếu vào 3 bến xe lớn: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm.

Sở GTVT Hà Nội cũng đã gửi thông báo đến các Sở đối lưu cũng như các hiệp hội, DN vận tải liên quan. Thời gian thực hiện điều chỉnh chính thức bắt đầu từ 0h ngày 2/1/2017.

Tuy nhiên, phương án này bị các DN ở bến xe Mỹ Đình phản đối.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải tỉnh Ninh Bình cho rằng, việc điều chỉnh này khiến 50 lốt xe tuyến Mỹ Đình - Ninh Bình có nguy cơ phá sản. Bởi, hành khách có nhu cầu đi lại khu vực ở Cầu Giấy, Từ Liêm nhưng chỉ được phục vụ tới Nước Ngầm, điều này gây khó khăn cho người dân. Trong khi hiện nay, nhiều xe dù “núp bóng” xe hợp đồng đón trả khách lại không bị xử lý.

Đồng quan điểm, đại diện công ty vận tải Xuân Hải (tuyến Thanh Hoá - Mỹ Đình) cho rằng, các DN mất nhiều năm xây dựng thương hiệu thì lại điều chuyển sang bến Nước Ngầm, phải xây dựng lại từ đầu. Việc này sẽ dẫn đến nguy cơ phá sản cho các DN.

“Chúng tôi đề nghị được đối thoại với Chủ tịch TP Hà Nội để lắng nghe giải đáp thắc mắc của DN”, đại diện DN vận tải Xuân Hải kiến nghị.

Đại diện Công ty Vận tải Ninh Bình cũng phát biểu, theo QĐ 2288 của Bộ GTVT, việc sắp xếp luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh tại Hà Nội có để cập việc giữ ổn định tần suất hoạt động tại các bến đến năm 2020. Do vậy, DN đã mạnh dạn đầu tư phương tiện để kinh doanh, nay lại thay đổi giữa chừng là vô lý và không quan tâm đến lợi ích của người dân cũng như DN.

Cũng theo các DN vận tải, việc Hà Nội cho rằng các xe khách đi trên vành đai 3 là xuyên tâm thành phố là không đúng, vì các xe đi đường trên cao không ảnh hưởng đến việc ùn tắc…

DN có thể kiện Sở Giao thông

Chia sẻ với những khó khăn của DN, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng giải thích rõ, đường vành đai 3 trước đây nay đã trở thành đường nội đô với lượng phương tiện tăng nhanh. Điều này đồng nghĩa với việc giao thông ngày càng ùn tắc.

Ông Viện cũng nói thêm, Thủ tướng và Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã yêu cầu HN và TP.HCM có giải pháp chống ùn tắc giao thông trong dịp Tết. Do vậy việc điều chuyển các xe khách chạy xuyên được Hà Nội thực hiện ngay trước Tết, góp phần giảm áp lực ùn tắc giao thông trong dịp Tết.

Ông Viện chỉ đạo tại cuộc họp đối thoại với các DN vận tải phải điều chuyển
Ông Viện chỉ đạo tại cuộc họp đối thoại với các DN vận tải phải điều chuyển

Xung quanh việc các DN cho rằng, việc điều chuyển xe khách khỏi bến Mỹ Đình không đúng với quy hoạch của Bộ GTVT, ông Viện nói rõ, nếu việc điều chuyển sai các DN có thể kiện Sở.

Ông Viện giải thích, Quyết định 2288 có nói đến tính ổn định hoạt động tại các bến xe đến năm 2020, tuy nhiên cũng tại đây nêu rõ, được phép điều chỉnh quy hoạch 6 tháng một lần, nên việc điều chuyển là hoàn toàn phù hợp.

Giám đốc Sở Giao thông HN cũng phê bình các DN vận tải bỏ rơi khách ở bến Mỹ Đình trong dịp Tết Dương lịch.

Ông nói, các DN vận tải cứ nói là phục vụ vì người dân, nhưng trong 2 ngày 30 - 31/12, nhiều DN đã từ chối phục vụ, bỏ rơi hành khách tại bến Mỹ Đình. Đây là việc làm vi phạm pháp luật và các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm.

“Các DN cam kết phục vụ nhân dân nhưng lại để hành khách bơ vơ ngay trên tuyến mình phục vụ thì cần phải xem lại việc này đã vì lợi ích của người dân hay chưa”, ông Viện thẳng thắn.

Theo vietnamnet.vn


Ý kiến bạn đọc