Hà Nội còn 41 điểm ùn tắc giao thông

13:17, 26/12/2016
|

(VnMedia) - Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Chính phủ, Hà Nội đã giảm số điểm ùn tắc giao thông từ 124 điểm (năm 2010) xuống còn 78 điểm (2011); 67 điểm (2012); 49 điểm (2013); 46 điểm (2014); 44 điểm (2015) và hiện nay chỉ còn  và hiện chỉ còn 41 điểm..

Ùn tắc giao thông giảm mạnh

Ngày 26/12, Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ-CP ngày 31/7/2008 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Báo cáo tổng kết do Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Hùng trình bày tại Hội nghị cho biết, kết quả thực hiện cho thấy, giai đoạn 2008 – 2016, Thành phố đã triển khai, hoàn thành và đưa vào sử dụng 10 cầu vượt kết cấu thép lắp ghép tại các nút giao, đồng thời tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cầu vượt nút giao Cổ Linh – Vĩnh Tuy để hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2016.

Thành phố cũng đã hoàn thành dứt điểm và đưa vào khai thác hơn 80 công trình giao thông quan trọng, với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, góp phần quan trọng giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.

Hoàn thành và đưa vào khai thác 20 bến, bãi đỗ xe, tiếp tục triển khai 16 bến, bãi đỗ xe điểm đỗ xe cao tầng bằng thép lắp ghép tự động và nhiều điểm đỗ xe, trông giữ xe; cải tạo nâng cấp 22 bến khách ngang sông;

Hoàn thành trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông tại 54 Trần Hưng Đạo và tiếp tục đầu tư thực hiện trung tâm điều khiển tại bến xe Kim Mã.

Thành phố cũng phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải giải phóng mặt bằng để hoàn thành các dự án giao thông quan trọng như Cầu Nhật Tân; đường Nhật Tân – Nội Bài; vành đai III trên cao; nhà ga hành khách T2 – Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài; tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông…

Với những nỗ lực nói trên, sau 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 16 của Chính phủ, bộ mặt giao thông Thủ đô đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét. Đặc biệt, ùn tắc giao thông giảm hàng năm, từ 124 điểm (năm 2010) xuống còn 78 điểm (2011); 67 điểm (2012); 49 điểm (2013); 46 điểm (2014); 44 điểm (2015) và hiện chỉ còn 41 điểm.

Trương Hòa Bình
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tuy nhiên, báo cáo của UBND Thành phố cũng chỉ rõ những vấn đề còn tồn tại trong vấn đề giao thông của Thủ đô như: Nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải còn hạn chế, nhiều công trình có trong kế hoạch không được bố trí vốn nên việc triển khai còn chậm; mạng lưới đường giao thông vẫn chưa hoàn thiện, nhiều tuyến đường vành đai chưa hoàn chỉnh và khép kín, một số tuyến đường trong đô thị, các tuyến đường quốc lộ hướng tâm chưa hoàn thành do đó chưa khai thác hết năng lực thông qua của kết cấu hạ tầng giao thông đã được đầ tư; diện tích đất dành cho giao thông còn thấp…

Tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, đặc biệt vào các dịp cuối năm; vận tải hành khách bằng đường sắt đô thị và xe buýt nhanh vẫn đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng; việc triển khai các dự án đầu tư bến, bãi đỗ xe còn chậm, mạng lới phân bổ bến bãi còn chưa phù hợp; xuất hiện nhiều điểm đỗ trái phép…

Về nguyên nhân của những tồn tại, UBND Thành phố thẳng thắn thừa nhận công tác chỉ đạo, phối hợp điều hành giữa các cấp ngành có lúc, có nơi còn chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ, chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao; năng lực quản lý chỉ đạo điều hành của một số chủ đầu tư còn hạn chế; ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành giao thông chưa phát huy hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm trên các lĩnh vực chưa kịp thời, chưa kiên quyết; chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe; sự gia tăng phương tiện cá nhân quá nhanh; công tác di dời các trường đại học, cao đẳng, bệnh viện ra các khu quy hoạch của TP còn chậm…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sáng nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã thay mặt Chính phủ biểu dương và ghi nhận những nỗ lực của Thành ủy, HĐND và UBND thành phố Hà Nội trong việc thực hiện các giải pháp để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, công tác giảm ùn tắc giao thông và TNGT trên Hà Nội và TP.HCM và các đô thị lớn còn diễn biến phức tạp. Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Hà Nội tập trung, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 16 của Chính phủ; quan tâm quy hoạch hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh xã hội hóa, ứng dụng CNTT vào điều hành giao thông, phát triển giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố phía Bắc tạo hành lang ATGT thông suốt theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt, cần gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp, các Sở, ban ngành địa phương nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác đảm bảo ATGT.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung

Huy động các lực lượng vào giờ cao điểm chống ùn tắc

Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, những năm gầy đây, Hà Nội phát triển kinh tế ở mức cao, cùng với đó việc phát triển đô thị, phương tiện giao thông lớn, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị.

Trong khi đó, hạ tầng giao thông hoàn thành nhưng chưa được khép kín, các nút giao thông lớn chưa hoàn thiện, phương tiện cá nhân tăng cao khi một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông ý thức chưa cao…

Trong bối cảnh khó khăn ấy, thành phố đã từng bước vượt qua khó khăn thách thức, đảm bảo trật tự ATGT, số vụ ùn tắc giảm dần cả về số vụ và thời gian ùn tắc, TNGT luôn giảm trên 3 tiêu chí.

Về công tác đảm bảo trật tự, ATGT trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội đã chỉ đạo CATP tăng cường lực lượng từ CAP đến tổ dân phố, CSTT, CSCĐ để tăng cường con số vào giờ cao điểm trong dịp cuối năm. Đồng thời, Sở GTVT cũng huy động toàn bộ lực lượng thanh tra GTVT phân luồng, điều tiết giao thông vào những khung giờ cao điểm trong ngày.

Liên quan đến công tác đào đương, vỉa hè để hạ ngầm, Chủ tịch UBND TP yêu cầu, việc thi công phải thực hiện trong đêm, sáng ra phải hoàn trả mặt đường hoàn chỉnh, không để nguyên vật liệu còn lại trên đường, vệ sinh môi trưởng sạch sẽ. Các xe thu gom rác phải giảm tải trong giờ cao điểm, tính toán thời gian hợp lý; xử lý nghiêm xe tải vận chuyển nguyên vật liệu tại các công trường nếu vi phạm, xe chỉ được vào nội đô sau 21h tối và 6h sáng phải chấm dứt

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả của Nghị quyết 16 của Chính phủ, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các Sở, ngành và UBND các quận, huyện thực hiện nghiêm các giải pháp trong Nghị quyết 16 đã nêu. Ngoài ra, Sở GTVT thực hiện phân luồng bến bãi xe khách liên tỉnh, Sở GTVT phối hợp với CATP theo dõi, đánh giá lại tình hình ùn tắc giao thông để tìm ra căn nguyên và có giải pháp hữu hiệu.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Công an phối hợp với Hà Nội trong việc đảm bảo ATGT, Bộ GTVT ưu tiên bố trí vốn thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn Hà Nội; các bộ, ngành sớm thực hiện việc di dời trụ sở ra khỏi nội đô thi quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ...

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc