Hà Nội cần cơ chế đột phá hơn cả Luật Thủ đô

06:43, 21/12/2016
|

(VnMedia) - Dù đã có Luật Thủ đô, nhưng Hà Nội hầu như chưa áp dụng được. Vì vậy, cần có cơ chế đặc thù có tính chất đột phá mạnh hơn, thậm chí phải "thắt lưng buộc bụng" để thủ đô có thể phát triển...

Quy hoạch 300km tàu điện ngầm nhưng chưa làm được km nào

Chiều 20/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận về Nghị định thay thế Nghị định số 123/2004/NĐ-CP và Nghị định số 112/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội. Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung được mời tham dự phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết: 5 năm trước, Thành phố Hà Nội tăng trưởng kinh tế bình quân 9,23%, nhưng đầu tư vào hạ tầng chỉ 4%, trong khi đó di dân tự do của Hà Nội trung bình vẫn 1,4%, đặc biệt năm nay di dân tăng tới 1,9%.

"Hôm trước tôi có báo cáo Bộ Chính trị là Hà Nội đang nhìn thấy thảm hoạ tiến dần về phía mình mà không biết làm cách nào. Hà Nội đã quy hoạch 8 tuyến tàu điện ngầm để giải quyết vấn đề giao thông với 300km nhưng đến nay chưa làm được km nào." - Bí thư Hoàng Trung Hải nói.

Hoàng Trung Hải
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải

Ông Hoàng Trung Hải cho rằng, lâu nay, nhiều ý kiến phê phán việc xây nhà cao tầng ở Hà Nội, nhưng theo chiến lược, nếu không xây nhà cao tầng thì không có nhà cho dân ở và không có đất để phát triển hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, ông Hoảng Trung Hải cho biết, Hà Nội đã quy hoạch 8 tuyến tàu điện ngầm với khoàng 300km nhưng hiện chưa làm được km nào. Về phương tiện công cộng khác, với 100 tuyến xe buýt hiện nay thì có 73 tuyến phải trợ giá, mở ra 53 tuyến xe buýt trong thời gian tới cũng phải tăng cường trợ giá vì nếu không, người dân không đi.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng thừa nhận một thực tế, đó là từ lúc ra Luật thủ đô, Hà Nội chưa áp dụng được dự án nào quan trọng.

“Nghĩa là những dự án quan trọng, dự án lớn mang tính chiến lược vượt tầm Hà Nội thì phải trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội thông qua. Nếu Quốc hội không duyệt những dự án giao thông lớn thì Hà Nội không cách gì thoát khỏi "thảm họa" mà tôi vừa báo cáo" - Bí thư Hoàng Trung Hải nói.

Đồng tình với việc Hà Nội cần chia sẻ với Trung ương về khó khăn ngân sách, nhưng theo ông Hải, vẫn cần cơ chế đặc thù vượt để Hà Nội có thể qua được những thách thức đang nhìn thấy rõ.

“Hà Nội là thủ đô, phải gương mẫu nên chúng tôi rất chia sẻ với Trung ương. Tuy nhiên, Luật Thủ đô đã ra đời nhưng không thực hiện được hết nên phải có đặc thù để vượt qua thách thức đã thấy rõ. Nếu ban hành Nghị định mà không có cơ chế gì hơn để ưu đãi cho Thủ đô thì tốt nhất không ban hành.” Ông Hoàng Trung Hải nói và khẳng định, Nghị định này vẫn có thể ra một số cơ chế, trong đó vừa tạo điều kiện hơn cho Hà Nội phát triển, đồng thời tạo điều kiện cho Hà Nội chia sẻ với TƯ.

Nghị định không được làm nguồn lực của Hà Nội yếu đi

Phát biểu tại phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với Tờ trình Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho Thành phố Hà Nội.

Thậm chí, GS. Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng còn cho rằng, Thủ đô Hà Nội là bộ mặt của cả nước, nếu ưu tiên đầu tư để 5-10 năm nữa Hà Nội sẽ khác thì là việc nên làm. Theo ông Bình, dù ngân sách T.Ư khó khăn nhưng nếu cần, có thể “thắt lưng buộc bụng” để Thủ đô phát triển.

Riêng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề một cách thẳng thắn: “Vậy Nghị định này so với Luật Thủ đô thì Hà Nội được hơn cái gì? Nếu ra Nghị định thì phải tạo điều kiện thông thoáng hơn, đột phá hơn, còn nếu thu hẹp lại thì không nên".

Khi được ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy banTài chính ngân sách thừa nhận "bị thiệt hơn", Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm: “Chúng ta đang thực hành Luật Thủ đô và luật Ngân sách Nhà nước để ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho thủ đô Hà Nội mà nội dung Nghị định không ra đặc thù mới mà lại hẹp hơn thì Hà Nội nên xin thực hiện theo hiện hành, nhưng như vậy là không đúng tinh thần Luật thủ đô.” 

Sau khi lắng nghe các ý kiến, một lần nữa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dứt khoát: “Tinh thần của chúng ta là Nghị định này phải tạo cơ chế thực hiện Luật Thủ đô, tạo đột phá cho Thủ đô phát triển. Do đó cùng với cơ chế tài chính, Chính phủ nên nghiên cứu đề nghị của Hà Nội để tạo sự năng động nhạy bén. Nguyên tắc cốt yếu là ban hành Nghị định không được làm nguồn lực yếu đi, nếu không thì không đạt được mục đích”.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cùng với cơ chế tài chính, cần xem xét một số cơ chế về phân cấp, phân quyền trong quản lý điều hành nhưng phải trong khuôn khổ của luật.

Kết luận buổi họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, UBTV Quốc hội chia sẻ với khó khăn của Thành phố và thống nhất đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định phải bảo đảm bám sát Điều 74 của Luật Ngân sách Nhà nước và Điều 21 của Luật Thủ đô cho đúng thẩm quyền và cần có đột phá, tạo lợi thế hơn so với các quy định trước đây.

“Tinh thần là Nghị định mới phải ở mức độ nổi trội hơn, đột phá hơn và có lợi thế hơn cho Hà Nội. Nếu Nghị định mà ban hành ra lại thành ra bó hơn, không bảo đảm các nguồn lực cho phát triển Thành phố thì không bảo đảm thực hiện được đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị trong chỉ đạo phát triển Thủ đô cũng như vùng Thủ đô" - ông Phùng Quốc Hiển nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, sau phiên họp này, trên cơ sở các ý kiến phát biểu, thống nhất, UBTV Quốc hội sẽ có văn bản thông báo ý kiến gửi tới Chính phủ để làm cơ sở ban hành Nghị định.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc