Đại án 9.000 tỷ: Phạm Công Danh đòi đối chất Chủ tịch Tân Hiệp Phát

21:12, 27/12/2016
|

Bị cáo Phạm Công danh cho rằng cần có mặt trực tiếp của ông Trần Quý Thanh (Chủ tịch Tập đoàn Tập đoàn Tân Hiệp Phát) tại tòa để đối chất, làm rõ vấn đề. Cùng với đó, luật sư bào chữa cho nguyên chủ tịch VNCB yêu cầu đổi thẩm phán cao cấp Huỳnh Thanh Duyên, người có mặt trong Hội đồng xét xử.

Sáng 27/9, TAND TP.HCM mở phiên phúc thẩm xét xử đại án 9.000 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) do Phạm Công Danh là chủ mưu.

Bị cáo Phạm Công Danh yêu cầu được đối chất với ông Trần Quý Thanh

Người được cho là có vai trò quan trọng trong vụ án, Phạm Thùy Trang (tức Trang phố núi) vắng mặt dù đã được cơ quan tố tụng gửi giấy triệu tập. Trong lời đề nghị của mình, luật sư Phan Trung Hoài (luật sư của Phạm Công Danh) đề nghị, hiện theo Luật Tương trợ tư pháp 2007, cam kết không bắt giữ người làm chứng là bà Trang. Luật sư Hoài còn đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) có thể mời bà Trang tới dự phiên tòa vì người này có vai trò quan trọng trong vụ án. Việc đối chất với Trang "phố núi" được vị luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh cho rằng sẽ làm sáng tỏ bản chất vấn đề. Trả lời vấn đề này, HĐXX nói rằng Trang "phố núi' đã có đơn xin được xử vắng mặt nộp cho lãnh sự quán ở San Francisco (Mỹ).

Trước đó tại phiên sơ thẩm, bà Trần Ngọc Bích - Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát khẳng định không có quan hệ vay mượn với ông Danh mà chỉ thông qua Trang "phố núi". Phạm Công Danh cũng từng cho biết Trang là người được mình đưa rất nhiều tiền để “bôi trơn” rất nhiều mối quan hệ trong quá trình tái cơ cấu VNCB. Trong vụ án này Trang "phố núi" được cho là người trực tiếp giúp Phạm Công Danh thỏa thuận các khoản vay, trả lãi ngoài lên đến hàng ngàn tỉ đồng trái quy định cho vay của ngân hàng.

Ông Trần Quý Thanh vắng mặt trong ngày đầu tiên phúc thẩm đại án 9.000 tỉ đồng. Bị cáo Phạm Công Danh ngay trong phần thủ tục đã đề nghị triệu tập người cùng đại diện của công ty Phương Trang tới tòa. Theo ông Danh, bản thân bị cáo làm việc trực tiếp với những người này nên cần đối chất tại tòa để làm rõ vấn đề. HĐXX sau khi hội ý đã cho rằng ông Thanh có đơn vắng mặt và đã có người đại diện hợp pháp nên bác yêu cầu của bị cáo Danh. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, nếu thấy cần thiết HĐXX sẽ triệu tập những người liên quan. Phạm Công Danh tái khẳng định rằng nhiều lần mong muốn HĐXX triệu tập ông Thanh để được đối chất, bởi lẽ Danh cho rằng việc vay mượn số tiền ngàn tỉ đồng bản thân chỉ làm việc trực tiếp với ông chủ của Tân Hiệp Phát chứ không phải bà Bích.

Luật sư của Phạm Công Danh cho rằng việc thẩm phán cao cấp Huỳnh Thanh Duyên có mặt trong HĐXX là không khách quan. Theo quan điểm của luật sư, bà Duyên từng là chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án "chai nước có ruồi giá 500 triệu đồng" mà Tân Hiệp Phát có liên quan, vụ án này gây khá nhiều dư luận trái chiều, luật sư khẳng định. Chính vì thế, bị cáo Phạm Công Danh cũng nói không an tâm khi biết thông tin này.

Theo nội dung vụ án, trung tuần tháng 11.2015, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an kết luận vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại VNCB, do Phạm Công Danh chủ mưu.

Bị cáo Phạm Công Danh cùng các bị cáo còn gây thiệt hại khi rút  5.190 tỉ đồng nhưng không được sự đồng ý và có chữ ký của chủ tài khoản, rút 300 tỉ đồng không có hồ sơ vay, rút 903 tỉ đồng dưới hình thức ủy thác đầu tư mua trái phiếu. Các bị cáo này đã gây thiệt hại cho VNBC lên đến 7.000 tỉ đồng.

Ngoài những vi phạm nói trên, Phạm Công Danh còn gây thiệt hại 2.000 tỉ đồng khi cùng 33 bị can cho 14 công ty vay 14.000 tỉ đồng. Số tài sản đảm bảo để vay tiền được nâng khống về giá trị lên nhiều lần.

Theo bản cáo trạng hơn 120 trang của Viện KSND TP.HCM, Phạm Công Danh là chủ mưu chính, phải chịu trách nhiệm về toàn bộ số tiền trên 9.000 tỉ đồng mà VNCB bị thiệt hại. Giai đoạn 2 của vụ án đang được Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ.

(Theo Một thế giới)


Ý kiến bạn đọc