Cơ quan nhà nước "làm gương" cấm cán bộ dùng xe riêng đi làm

06:50, 01/12/2016
|

(VnMedia) - “Hơn một nửa cá cơ quan nhà nước ở Nhật Bản có quy định cấm cán bộ, nhân viên dùng xe riêng đi làm” - Chuyên gia Nhật Bản cho biết và đặt câu hỏi: “Liệu ở Việt Nam, các cơ quan nhà nước có thể đi đầu làm gương?”.

xe cá nhân 2
 

Góp ý cho việc xây dựng giải pháp hạn chế xe cá nhân, Chuyên gia tư vấn cao cấp Nhật Bản, Nguyên tư vấn trưởng dự án “Cải thiện giao thông công cộng Hà Nội”, ông Takagi Michimasa nhận định, việc hạn chế phương tiện cá nhân để giải quyết các vấn đề giao thông đô thị như ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường... là một trong những biện pháp hiển nhiên cần thiết phải cân nhắc đến. “Sự cần thiết của biện pháp này là điều không cần phải bàn cãi, tranh luận” - ông Takagi Michimasa nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là làm thế nào để hạn chế phương tiện cá nhân? Có nên dùng biện pháp cưỡng chế hay không? Nếu cưỡng chế thì chỉ nên thực hiện với xe máy hay cả ô tô? Và nếu không cưỡng chế thì có thể dùng biện pháp kinh tế được không... là những vấn đề mà ông Takagi Michimasa đưa ra phân tích, với những dẫn chứng từ chính những quan sát của ông đối với giao thông Hà Nội cũng như nhìn nhận từ kinh nghiệm của một số nước khác, trong đó có Nhật Bản.

Theo ông Takagi Michimasa, tại Nhật Bản, các biện pháp mang tính cưỡng chế trực tiếp không được sử dụng vì các biện pháp này có thể sẽ vi phạm hiến pháp quy định về quyền tự do đi lại của người dân; Chi phí lớn sẽ phải bỏ ra để thực hiện các biện pháp cưỡng chế cũng như những khó khăn trong việc cung cấp phương tiện thay thế cho những người bị hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

“Vì vậy, ở Nhật Bản, các biện pháp đánh vào kinh tế hoặc các biện pháp có sự hợp tác của các công ty, tổ chức được lựa chọn để sử dụng nhiều hơn” -  ông Takagi Michimasa cho biết.

Vị chuyên gia giao thông Nhật Bản này nêu ví dụ về một loạt biện pháp được áp dụng tại Nhật Bản như: thu phí đỗ xe khu vực nội đô ở mức cao, cưỡng chế đỗ xe trái phép, các cơ quan chính phủ hoặc các cơ quan đưa ra nội quy yêu cầu không được đi xe cá nhân đi làm hay công ty, cơ quan sẽ hỗ trợ chi phí cho những người đi làm bằng phương tiện công cộng;  bố trí làn xe riêng cho xe buýt ngay cả trên những tuyến đường mà mỗi chiều chỉ có 2 làn đường.

Ông cho biết, Singapore cũng đang thực hiện chủ trương thu tiền khi xe đi vào các khu vực quy định.

“Hơn một nửa cá cơ quan nhà nước ở Nhật Bản có quy định cấm cán bộ, nhân viên dùng xe riêng đi làm” - ông Takagi Michimasa cho biết và đặt câu hỏi: “Không biết, liệu ở Việt Nam, các cơ quan nhà nước có thể đi đầu làm gương trong việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân hay không?”

Về hiệu quả (hay hậu quả) của việc hạn chế hoặc cấm xe máy, ông Takagi Michimasa dẫn chứng một ví dụ từ thành phố Yangon của Myanmar hiện đang thực hiện hạn chế xe máy và xe đạp. Theo đó, so sánh với những thành phố khác nơi phương tiện di chuyển chủ yếu bằng xe máy thì ở Yangon, tỷ lệ tai nạn giao thông thấp hơn nhưng ùn tắc lại trở lên nghiêm trọng do người dân chuyển sang đi ô tô riêng nhiều hơn trong khi hạ tầng chưa đáp ứng được.

Chuyên gia Nhật Bản nhận định, đối với Hà Nội, việc xây dựng một lộ trình vừa cụ thể vừa mang tính khả thi trong điều kiện hạn hẹp về thời gian và cả thông tin số liệu là không hề dễ dàng. Theo ông, còn rất nhiều câu hỏi phải trả lời, nhiều vấn đề cần làm rõ trước khi thảo luận đến lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân.

“Các chính sách kinh tế đều nhằm mục tiêu làm người dân thấy việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng có tính kinh tế cao hơn là sử dụng phương tiện cá nhân. Đặc biệt là với Việt Nam, khi chênh lệch thu nhập là lớn, người có thu nhập ở mức bình thường chiếm đa số thì chính sách kinh tế càng có cơ hội để phát huy tác dụng” - ông Takagi Michimasa nhận định. Vị chuyên gia này cho rằng, “trong bối cảnh dịch vụ giao thông công cộng chưa được hoàn thiện thì Hà Nội có lẽ nên triển khai thực hiện các biện pháp mang tính kinh tế".

Đặc biệt, ông Takagi Michimasa nhấn mạnh, dù có hạn chế xe máy thì ô tô cũng có thể gây ra tắc đường, từ ví dụ các nước khác có thể thấy, không chỉ xe hai bánh mà ô tô cũng cần coi là đối tượng nghiên cứu để hạn chế.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc