Lũ chồng lũ tại Hà Tĩnh, Quảng Bình: Dân leo nóc nhà

10:49, 01/11/2016
|

Mưa lớn kéo dài khiến địa bàn Hà Tĩnh tiếp tục ngập nặng. Các tuyến đường ngập sâu, nước lũ cô lập nhiều xã. Người dân lại leo nóc nhà tránh lũ.

Tại huyện Hương Khê, mưa lớn kéo dài khiến nhiều ngôi nhà ngập mái. Hơn 25.000 học sinh buộc phải nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Xã Hương Thủy, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), nhà dân ngập tới nóc
Xã Hương Thủy, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), nhà dân ngập tới nóc

Ông Trần Đình Hùng, Trưởng phòng giáo dục huyện Hương Khê cho biết: "Mưa to nên nhiều tuyến đường và nhà dân bị ngập.

Chúng tôi buộc phải cho hơn 25.000 học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ".

Tại xã Hương Thủy, nhiều ngôi nhà nước ngập tới nóc. Người dân buộc phải leo nóc nhà tránh lũ.

Người dân xã Hương Thủy phải leo nóc nhà tránh lũ
Người dân xã Hương Thủy phải leo nóc nhà tránh lũ

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch xã Lộc Yên cho biết: "4h sáng người dân gọi điện cho tôi nói chị Nguyễn Thị Huyền, xóm Trung Sơn đau đẻ. Lúc đó, mưa to, nước sông dâng cao. Tôi phải điều động dân quân tự vệ cùng tôi đưa chị Huyền đến bệnh viện huyện Hương Khê. Từ chỗ đó đến bệnh viện cũng khá xa, nhưng may là mọi việc đều diễn ra thuận lợi".

 

 

Trường mầm non Hương Thủy bị nước bủa vây khắp nơi

Theo Văn phòng BCH PCLB huyện Hương Khê, mưa lớn đã làm các xã: Phương Mỹ, Phương Điền, Hòa Hải, Hà Linh, Phúc Đồng, Hương Thủy, Hương Giang, Gia Phố, Lộc Yên, Hương Đô, Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Xuân, Phú Phong với khoảng trên 1.200 hộ bị ngập; trong đó, hàng trăm hộ bị ngập từ 1-1,5m.

Phó Chủ tịch xã Lộc Yên (huyện Hương Khê) giúp dân di dời xe máy khỏi khu vực ngập nước
Phó Chủ tịch xã Lộc Yên (huyện Hương Khê) giúp dân di dời xe máy khỏi khu vực ngập nước
Chị Huyền được đưa đến bệnh viện để sinh con lúc 4h sáng
Chị Huyền được đưa đến bệnh viện để sinh con lúc 4h sáng

Quảng Bình: Mực nước sông lên nhanh, nguy cơ lũ quét

Theo báo cáo của Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Bình, trong sáng nay mực nước ở các sông Rào, sông Gianh, sông Kiến Giang, sông Son đang lên nhanh. Cảnh bão lũ đang ở cấp báo động 3.

Nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ; sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng.

Người dân kết bè đưa bệnh nhân đi bệnh viện
Người dân kết bè đưa bệnh nhân đi bệnh viện

Theo ghi nhận, nhiều đoạn đường đã ngập sâu từ 0,6m đến 2m chia cắt giao thông, một số xã đã bị cô lập như: xã Tân Hóa, xã Minh Hóa (huyện Minh Hóa), tại huyện Quảng Trạch nhiều nhà dân nước đã ngập từ 20cm đến 60cm, hiện đã có 194 hộ dân bị cô lập.

Ông Cao Xuân Bình - Chủ tịch xã Thạch Hóa (Tuyên Hóa) cho biết, đến sáng nay, khoảng gần 1.000 nhà dân ở đây đều đã bị ngập. Nơi ngập cao nhất là thôn 4, thôn Cao Sơn..., có nhà ngập gần 3m.

Cũng trong sáng nay, xã phải huy động thuyền để chở một sản phụ từ thôn 4 vào đường chính để lên bệnh viện huyện Tuyên Hóa chờ sinh.

Quảng Bình: Tin lũ khẩn cấp trên sông Gianh

Theo Chi cục Phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung – Tây Nguyên, tại Quảng Bình, lũ trên sông Gianh đang tiếp tục lên trên mức báo động 3, lũ trên sông Kiến Giang đang lên trở lại, xấp xỉ mức báo động 2.

Sáng 1/11, Chi cục Phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung – Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng) đã có báo cao nhanh về tình hình lũ khẩn cấp trên sông Gianh và các sông ở Quảng Bình. Theo đó, lũ trên sông Gianh đang tiếp tục lên, lũ trên sông Kiến Giang đang lên trở lại. Mực nước lúc 5hngày 01/11 trên sông Gianh tại Mai Hóa: 6,81m, trên BĐ3: 0,31m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 1,90m, dưới BĐ2: 0,30m.

Dự báo sáng và trưa nay 1/11, lũ trên các sông tiếp tục lên. Mực nước trên sông Gianh tại Mai Hóa có khả năng lên 8,50m, trên báo động (BĐ)3: 2m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy có khả năng lên 2,50m, trên BĐ2: 0,30m. Nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng cục bộ ở vùng trũng. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.

Nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Bình bị ngập lụt trở lại do đợt lũ mới
Nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Bình bị ngập lụt trở lại do đợt lũ mới

Chi cục Phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung – Tây Nguyên cũng cho biết tỉnh Quảng Bình đã có báo cáo bước đầu về thiệt hại do đợt lũ lụt này. Theo đó, đã có 01 người chết là ông Trần Minh Hoạch (sinh năm 1963, trú tại thôn Phú Xuân xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch). Lúc 5h sáng 31/10, ông Hoạch đến tàu cá tát nước để tránh nước ngập máy thì bị ngã và tử vong vào khoảng 08 giờ sáng cùng ngày.

Đợt lũ này cũng đã khiến 690 nhà bị ngập (xã Quảng Đông 200 nhà; Quảng Hưng 20 nhà; Quảng Tiên 95 nhà; Quảng Trung 135 nhà; Quảng Hải 25 nhà; Phù Hóa 120 nhà; Cảnh Hóa 95 nhà). Hệ thống đê đất ở thôn Tân Thượng (xã Quảng Hải) bị sạt lở, hư hại nặng trên 100m do ảnh hưởng của trận lụt ngày 15/10, triều cường và mưa lớn gây ngập cục bộ một số hộ gia đình của thôn Tân Thượng xã Quảng Hải. Một số tuyến đê kè của thôn Tiên Xuân - xã Quảng Tiên, thôn Công Hoà - xã Quảng Trung bị xói lở nghiệp trọng và gây ngập cục bộ tại các thôn này.

Hiện QL 9B, tại Km 43+700 ngập 0.4m; Quốc lộ 15: tại Km553-Km556+200 và Km562+200 (Ngầm Bùng) ngập sâu từ 1-1,5m. Đường 559 đoạn Km14-Km18+400 bị ngập sâu 1m; Đường 559B tại Km31+350 (ngầm tràn) nước ngập 0.6m. Tại huyện Tuyên Hóa, xã Dân Hóa (Cha Lo) và ngầm 23, 25 trên đường 10, thuộc địa bàn xã Ngân Thủy (đường lên đồn làng Ho) bị ngập, phương tiện giao thông không qua lại được.

Tại huyện Minh Hóa, đường đi xuống xã Tân Hóa (đoạn ngầm tràn giữa xã Tân Hóa và Minh Hóa) bị ngập sâu, hiện nay xã Tân Hóa đã bị chia cắt. Cầu tràn đi các thôn Kim Bảng, xã Minh Hóa bị ngập sâu, hiện nay các thôn Kim Bảng của xã Minh Hóa cũng đã bị chia cắt. Đường mòn Hồ Chí Minh đi qua địa bàn thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa bị ngập sâu, các phương tiện không thể qua lại được.

Chi cục Phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung – Tây Nguyên cũng cảnh báo, từ ngày 1 - 5/11, trên các sông từ Nghệ An đến Khánh Hòa sẽ xuất hiện lũ. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3, có nơi trên mức BĐ3; các sông ở Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa phổ biến ở mức BĐ1-BĐ2, có nơi trên BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp các tỉnh trên.

Hiện ở Vịnh Bắc Bộ đã có gió đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8. Theo dự báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở các tỉnh ven biển Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, riêng Hà Tĩnh-Phú Yên có mưa to đến rất to. Gió đông bắc trong đất liền mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 3-4. 

Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Phú Yên có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh. Sóng biển cao từ 2-3m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1. 

Hiện các hồ chứa thủy lợi của các tỉnh Bắc Trung Bộ lượng nước trung bình đạt 70 - 80% dung tích thiết kế, một số hồ đã đạt mức cao như: Trung Thuần 100%, Tiên Lang 98% (Quảng Bình); Bảo Đài 86%, Trung Chi 97% (Quảng Trị); Hòa Mỹ 98%, Mỹ Xuyên 78% (Thừa Thiên Huế).

Các hồ chứa của các tỉnh Nam Trung Bộ trung bình đạt từ 45- 65% dung tích thiết kế, một số hồ đã đạt mức cao như: Thạch Bàn 111% (Quảng Nam); Hòn Lập 78% (Bình Định); Suối Trầu 98% (Khánh Hòa); Trà Co 85% (Ninh Thuận). Các hồ chứa trên 100 triệu m3 hiện đạt ở mức thấp: Phú Ninh 212,5/344 triệu m3 (62%), Định Bình 59,75/226,13 triệu m3 (26%), Núi Một 19,3/110 triệu m3 (18%).

Các hồ chứa của các tỉnh Tây Nguyên trung bình đạt từ 60-80% dung tích thiết kế, một số hồ đã đạt mức cao như: Đắk Uy 87% (Kon Tum); Ia Hrung 101% (Gia Lai); Ea Soup Thượng 102% (Đăk Lăk). Các hồ chứa trên 100 triệu m3 đạt dung trữ tương đối cao: Ayun hạ 232,2/253 triệu m3 (92%), Ea Soup Thượng 150,2/146,94 triệu m3 (102%), Krông Buk Hạ 105,8/109,34 triệu m3 (97%).

Theo Vietnamnet, Infonet


Ý kiến bạn đọc