"Không thể cấm doanh nghiệp mang rác thải từ tỉnh này sang tỉnh khác!"

07:04, 08/11/2016
|

(VnMedia) - "Doanh nghiệp có quyền theo luật định như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, không thể cấm "anh" ở tỉnh này không được mang rác thải sang tỉnh khác" - Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân nói với VnMedia bên lề Hội nghị trực tuyến sáng 7/11.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhận định, thời gian vừa qua là một giai đoạn mà sự cố môi trường xảy ra nhiều hơn những năm trước, điển hình là sự cố môi trường biển bốn tỉnh miền Trung và sau đó một số sự cố khác tiếp tục xảy ra. Theo ông Nhân, đây có thể là một thời kỳ chuyển biến sau những tích tụ ô nhiễm môi trường, đồng thời nhận thức của chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư cũng được nâng cao trong vấn đề môi trường.

- Vậy việc đó đặt ra trách nhiệm như thế nào đối với cơ quan quản lý hiện nay như thế nào, thưa ông?

Hiện nay, Chính phủ đã xác định rất rõ là khi nền kinh tế đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì tác động xấu đến môi trường là một quy luật. Sau những sự cố vừa qua, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác bảo vệ môi trường (BVMT) toàn quốc, đưa ra thông điệp phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ vấn đề môi trường. Sau Hội nghị, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 25, yêu cầu soát lại toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật cũng như chấn chỉnh công tác quản lý môi trường từ cấp Trung ương cho đến địa phương cơ sở. 

Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ trong chỉ thị, người đứng đầu ở địa phương cũng phải chịu trách nhiệm trong công tác BVMT. Nóng ở đâu, ở tỉnh nào thì Chủ tịch UBND tỉnh, Thành phố đó phải chịu trách nhiệm. Vấn đề này luật BVMT năm 2014 cũng như Luật Chính quyền địa phương cũng đã nêu rõ và chắc chắn, với những thông điệp mạnh mẽ như vậy, công tác BVMT sẽ ngày càng tốt hơn. Giai đoạn này cũng là giai đoạn hiện đại hoá nền kinh tế, chuyển đổi nền kinh tế và vì vậy, công tác BVMT rất quan trọng, không chỉ ở khẩu hiệu mà ở hành động, từ kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa ô nhiễm đến thủ tục phê duyệt các dự án đầu tư.

Nói đến dự án đầu tư thì liên quan đến nhiều bộ ngành, từ Công thương, khu công nghiệp, xây dựng, BVMT, vì vậy trong các Nghị quyết hay trong luật BVMT đều coi công tác BVMT là của toàn hệ thống chính trị chứ không phải một ngành một cấp nào. Chính vì vậy, Chỉ thị 55 đã phân định rất rõ từng ngành từng cấp.

- Vậy theo ông, cần phải làm gì để Chỉ thị đó thực sự đi vào cuộc sống?

Trước hết, không thể bất cứ dự án đầu tư nào cũng chấp nhận đưa vào đầu tư, ví dụ những dự án tác động xấu đến môi trường như phá rừng, khu bảo tồn sinh học... dứt khoát là phải xem xét rất kỹ lưỡng. Thứ hai là những dự án có nguồn nước xả thải lớn vào những lĩnh vực rất nhạy cảm như sắt thép, giấy, dệt nhuộm... dứt khoát không được vào những nơi có thể xả gây ô nhiễm.

Thứ ba, việc lựa chọn nhà đầu tư liên quan đến vấn đề công nghệ, phải tiên tiến hiện đại, không thể lạc hậu, cũ rách của các nước lại mang về, biến nước ta thành bãi thải công nghiệp

Thứ tư, quy trình xử lý chất thải nói chung phải bài bản và phải được thẩm định phê duyệt bởi đánh giá tác động môi trường và kế hoạch BVMT của từng đơn vị. Tất cả những cái đó mới phòng ngừa và tránh được những sự cố xảy ra như vừa qua.

- Có ý kiến cho rằng ô nhiễm môi trường xảy ra vừa qua là do những quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường cũng như điều kiện nhập khẩu trang thiết bị kỹ thuật vào Việt Nam còn dễ dãi, lỏng lẻo. Vậy theo ông, hiện nay có nên nâng những tiêu chuẩn, quy chuẩn đó lên theo kịp với những nước có trình độ tiên tiến hiện đại?

Trong giai đoạn đầu phát triển CNH, HĐH thì chúng ta phát triển hơi bị nóng, đó là một yếu tố chứ không thể đổ hết cho công tác quản lý. Thứ hai là chúng ta cũng chưa thực sự coi trọng công tác BVMT như lựa chọn công nghệ, lựa chọn ngành nghề lĩnh vực đầu tư cho phù hợp và thứ ba là quy trình quản lý xét duyệt, có những lúc, những nơi cứ giải quyết việc làm, tăng thu nhập,còn công tác BVMT thì hơi bị xem nhẹ trong nhận thức, dẫn đến một quá trình hiển nhiên tích tụ lại.

- Thủ tướng Chính phủ đã quy định địa phương nào để xảy ra ô nhiễm môi trường thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm, nhưng địa phương lại cho rằng, Bộ TNMT cấp phép, rồi thẩm định đánh giá tác động môi trường nên khi sự cố xảy ra thì có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Luật BVMT đã phân định cấp nào làm gì, Luật Chính quyền địa phương cũng đã phân định rõ, chúng ta làm theo luật chứ không phải Trung ương cấp phép là Trung ương phải quản lý. Trung ương cấp phép nhưng địa phương phải quản lý, đó là một tư duy mới. Nếu sự cố thuộc hai huyện trở lên thì cấp tỉnh phải vào cuộc, từ hai tỉnh trở lên thì cấp Trung ương phải vào cuộc. 

- Vừa rồi đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ nêu lên trường hợp Bộ TNMT cấp phép cho công ty Phú Hà được vận chuyển chất thải nguy hại trên phạm vi cả nước, dẫn đến việc công ty này vận chuyển cả chất thải của Formosa. Đại biểu lo ngại Phú Thọ có nguy cơ trở thành bãi chứa chất thải của cả nước, gây ô nhiễm cả vùng hạ lưu sông Lô nên đề nghị Chính phủ điều chỉnh theo nguyên tắc chất thải của địa phương nào thì xử lý địa phương đó. Như vậy, đây có phải là một ví dụ về việc Bộ cấp phép, địa phương chịu trách nhiệm và sẽ phải xử lý như thế nào?

Về nguyên tắc, nếu doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trên cả nước thì họ được quyền hoạt động trên cả nước chứ không thể bắt buộc doanh nghiệp chỉ được hoạt động trên địa bàn tỉnh đó. Doanh nghiệp có quyền theo luật định như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, không thể cấm "anh" ở tỉnh này không được mang rác thải sang tỉnh khác. Nếu nói như vậy, doanh nghiệp ở huyện này họ cũng không cho phép huyện khác vào... thì cuối cùng không đúng pháp luật và không đúng với điều hành hiện nay.    

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Xuân Hưng   


Ý kiến bạn đọc