Huy động 1 triệu tỷ đồng cho nông nghiệp

08:13, 05/11/2016
|

(VnMedia) - Chính phủ quyết định trình với Quốc hội kỳ này dành 25.000 tỷ đồng cho vốn trung hạn để hỗ trợ ngân hàng bổ sung vốn điều lệ và dành phần hỗ trợ chính sách để trong 5 năm tới, huy động ít nhất 1 triệu tỷ cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn... 

Ngày 4/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Hầu hết các đại biểu đều đánh giá, cần phải tập trung cao cho vấn đề nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh nhu cầu về tích tụ ruộng đất, xã hội hóa đầu tư, phát triển nông nghiệp hữu cơ và đặc biệt là dùng doanh nghiệp làm đòn bẩy xây dựng nông thôn mới.

nông nghiệp
Sẽ huy động 1 triệu tỷ đồng dành cho khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn

Tiến tới xóa bỏ hạn mức tích tụ ruộng đất

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng), khi góp ý về vấn đề tích tụ ruộng đất cho biết, theo quy định tại Luật đất đai năm 2013, hạn mức giao đất nông nghiệp không quá 2 ha cho mỗi loại đất. Đồng thời, hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất.

“Như vậy, chỉ thấp hơn hoặc bằng 20 ha. Nhưng thực tế hiện nay tại thành phố Hải Phòng đã có những nông dân tích tụ đến 40 ha đất nông nghiệp, đã có doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp với quy mô hàng trăm hécta. Như vậy, hạn mức giao đất nông nghiệp là quá thấp so với thực tiễn” - đại biểu Bùi Thanh Tùng nói.

Do vậy, đại biểu Tùng đề nghị Chính phủ và Quốc hội sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 129, Điều 130 của Luật đất đai năm 2013 theo hướng tăng hạn mức, tiến tới dỡ bỏ hạn mức đất nông nghiệp.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) đánh giá, hiện nay, thực hiện chính sách tích tụ ruộng đất, là một chủ trương đúng và đã được một số địa phương triển khai thực hiện nhưng còn gặp rất nhiều lúng túng, nhất là về cơ chế, chính sách, phương thức thu hút đầu tư của địa phương đối với các doanh nghiệp tham gia tại các khu nông nghiệp công nghệ cao.

 “Một bộ phận người nông dân còn rất băn khoăn về một số vấn đề khi thực hiện tích tụ ruộng đất, cụ thể như vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp dư thừa, trong đó lực lượng phụ nữ là chủ yếu” - đại biểu Hà Minh Tâm nêu.

Nhiều đại biểu khác cũng đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát hoàn thiện chính sách về đất đai, có chính sách đột phá về tích tụ ruộng đất, xóa bỏ hạn điền để thu hút doanh nghiệp đầu tư kinh doạnh vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đây là nhân tố quan trọng trong tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, góp phần phát triển bền vững nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (Âu Thị Mai - Tuyên Quang, Ngô Sách Thực - Bắc Giang)

Đại biểu Lại Xuân Môn (Bạc Liêu) thì đề nghị, tích tụ ruộng đất, phải gắn với liên kết sản xuất và thị trường, phá thế manh mún đầu tư và ứng dụng công nghệ và cơ giới hóa thuận lợi hơn. Đại biểu tỉnh Bạc Liêu cũng cho rằng nhà nước cần đầu tư tín dụng cho cơ sở nghiên cứu khoa học để khoa học thực sự dẫn dắt, là đầu tàu tạo ta các loại giống đồng nhất và chất lượng cao để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đại biểu Võ Kim Cự
Đại biểu Võ Kim Cự

Doanh nghiệp là đòn bẩy xây dựng nông thôn mới

Theo đại biểu Quốc hội Võ Kim Cự (Hà Tĩnh), tái cơ cấu nông nghiệp thực chất là thay đổi tập quán canh tác của người dân, chuyển từ lao động thủ công sang lao động quy mô hóa, hiện đại hóa là quan trọng nhất.

“Việc đó người dân không tự làm được một mình, nhà nước là bà đỡ cũng không làm thay được, chỉ có một lực lượng làm được đó là doanh nghiệp” - đại biểu Võ Kim Cự nói.

 Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (TP. Hà Nội) khẳng định, việc nhất quán đề ra các cơ chế chính sách và hệ thống pháp luật đủ mạnh để việc thu hút thực sự các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cần được xem xét là nội dung chính, là đòn bẩy về tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Huy động 1 triệu tỷ đồng cho nông nghiệp

Phát biểu làm rõ những vấn đề mà các đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nên nhìn nhận khu vực nông nghiệp, nông thôn phải ở khía cạnh tiềm năng.

“Từ đó chúng tôi đề xuất phải có một nguồn lực xứng đáng tập trung đầu tư. Vừa qua, Chính phủ đã tập trung đầu tư chỗ này. Quyết định 100 của Quốc hội dành 63 nghìn tỷ cho trung hạn và 192 nghìn tỷ khu vực các địa phương tập trung chỗ này. Nhưng chúng tôi cho rằng vẫn còn ít, nếu coi là tiềm năng lợi thế, chúng ta phải tập trung đầu tư nhiều hơn nữa, khu vực này xứng đáng được đầu tư để khai thác tốt tiềm năng lợi thế phát triển đất nước” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Về phân bổ nguồn lực, Bộ trưởng Cường cho biết, mặc dù nguồn lực đầu tư trung hạn rất khó khăn nhưng Chính phủ đã họp và quyết định 2 chương trình lớn chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới và chương trình xóa nghèo bền vững.

Theo đó, Chính phủ quyết định trình với Quốc hội kỳ này dành 25.000 tỷ đồng cho vốn trung hạn để hỗ trợ ngân hàng nông nghiệp và ngân hàng hợp tác xã bổ sung điều lệ và dành phần hỗ trợ chính sách để trong 5 năm tới 2 khối ngân hàng này cùng Ngân hàng thương mại huy động ít nhất 1 triệu tỷ cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để tạo nguồn lực.

“Chính sách này các thành viên Chính phủ vừa qua đã bàn rất kỹ vấn đề này” - Bộ trưởng thông tin.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc