Hà Nội: Xử nghiêm việc đốt rơm rạ gây nguy hiểm

13:52, 10/11/2016
|

(VnMedia) - UBND thành phố Hà Nội giao Công an Thành phố, Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, xử lý các trường hợp phơi thóc, rơm rạ, đốt rơm rạ trên đường gây cản trở và làm mất an toàn giao thông...

đốt rơm rạ
Việc đốt rơm rạ vừa gây mất ATGT, vừa làm ô nhiễm không khí

Trong thời gian qua, sau khi thu hoạch lúa, các hộ dân thường đốt rơm, rạ tại ruộng; Việc đốt rơm, rạ đã gây ô nhiễm môi trường không khí (làm phát thải khí C02, CO và NOx) gây hiện tượng mù khói và hạn chế tầm nhìn của người và các phương tiện tham gia giao thông, ảnh hưởng tới sinh hoạt, sức khỏe của người dân trên nhiều địa phương, đặc biệt trong những ngày thời tiết xấu và bất thường.

Để từng bước giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, gây mất an toàn giao thông do việc đốt rơm rạ gây ra, UBND Thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân hạn chế đốt rơm, rạ trên đồng ruộng; không phơi thóc, rơm rạ, tuốt lúa, đốt rơm rạ trên đường giao thông; thực hiện phương pháp cổ truyền, làm dầm (cày ấp rạ) nhằm tăng cường phân mùn cải tạo đất; Vận động người dân cam kết và thực hiện tốt việc không đốt rơm bừa bãi, không xả rơm rạ xuống kênh tưới tiêu.

UBND Thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã xử lý kịp thời và kiên quyết các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

“Địa phương nào để xảy ra hiện tượng đốt rơm rạ ở nhiều nơi, đặc biệt là trên đường giao thông, nơi công cộng sẽ bị phê bình và đưa vào tiêu chí đánh giá kết quả thi đua khen thưởng cả năm.” – Văn bản của Thành phố nhấn mạnh.

UBND Thành phố cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra, ban hành các hướng dẫn kỹ thuật để xử lý rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; Phối hợp với UBND các quận, huyện và thị xã tuyên truyền, vận động người dân không đốt rơm rạ sau các vụ thu hoạch lúa.

Giao Công an Thành phố, Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, xử lý các trường hợp phơi thóc, rơm rạ, đốt rơm rạ trên đường gây cản trở và làm mất an toàn giao thông theo thẩm quyền; đôn đốc và phối hợp với các địa phương trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ.

Sở Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu công nghệ phù hợp để xử lý, tận dụng rơm rạ trở thành nguồn vật liệu bổ sung, phân vi sinh hay nguyên liệu của các ngành sản xuất khác; Nghiên cứu cung cấp các chế phẩm sinh học cho các địa phương và hướng dẫn việc dùng chế phẩm sinh học để xử lý rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường;

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng được yêu cầu phối hợp với các tổ chức, nhà khoa học nghiên cứu ứng dụng tái chế các sản phấm hữu ích phục vụ xã hội từ rơm rạ; Chủ trì tổ chức, điều tra đánh giá xây dựng các cơ chế chính sách nhằm kêu gọi các tổ chức, cá nhân theo hướng xã hội hóa có công nghệ phù hợp để xử lý, tận dụng rơm rạ.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc