Hà Nội bàn cách hạn chế phương tiện cá nhân

14:24, 30/11/2016
|

(VnMedia) - Để giảm thiểu ùn tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải đưa ra 4 giải pháp, trong đó có việc hạn chế lưu thông của ô tô, xe máy...

hội thảo giao thông
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện phát biểu tại Hội thảo

Ngày 30/11, Sở Giao thông Vân tải (GTVT) Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Đề xuất các giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn thành  phố Hà Nội.”

Là người đầu tiên trong số 264 đại biểu tham dự phát biểu, Thạc sĩ Phạm Hoài Chung, Giám đốc trung tâm phát triển Giao thông đô thị và nông thôn (Viện Chiến lược và phát triển GTVT) đã trình bày các giải pháp, phương án, kịch bản kiểm soát phương triện cơ giới cá nhân, trong đó nhấn mạnh, việc tăng cường quản lý phương tiện cá nhân đang hết sức cần thiết và không thể chậm trễ.

Bài trình bày của ông Chung đưa ra hai kịch bản, thứ nhất, nếu không cứ để phát triển tự nhiên, thì dự báo đến năm 2030 sẽ có hơn 1,77 triệu ô tô và hơn 7,6 triệu xe máy.

“Theo kịch bản này, đến 2020, ùn tắc thường xuyên xảy ra và đến năm 2030, phương tiện sẽ không thể di chuyển trên địa bàn Thành phố” – ông Chung cảnh báo và nhấn mạnh, đây là kịch bản phát triển không hợp lý, làm tiếp diễn bùng nổ phương tiện cá nhân và ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Còn theo kịch bản kiểm soát phương tiện cá nhân tham gia giao thông, thì đến năm 2020, sẽ có thêm 1.500km xe buýt mới mở, hoàn thiện 3 tuyến xe buýt nhanh (BRT) và 6 đoạn tuyến đường sắt đô thị; đến năm 2025 thêm 1000km buýt mới, hoàn thiện thêm 4 tuyến BRT và 5 đoạn tuyến đường sắt đô thị...

Theo kịch bản thứ 2, ông Chung đưa ra 4 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, về giải pháp quản lý hành chính, đề xuất này kiến nghị Chính phủ Bộ GTVT ban hành chính sách quản lý về niên hạn sử dụng và tiêu chuẩn khí thải của xe máy, thu hồi, buộc tiêu huỷ đối với các phương tiện quá niên hạn và không đủ tiêu chuẩn khí thải;

Quy định cụ thể về mức tăng số lượng phương tiện ô tô, xe máy hàng năm cho từng giai đoạn, từng khu vực và đặc biệt tập trung làm cho các quận nội đô; Giảm dần tiến tới dừng cấp phép vỉa hè làm nơi đỗ xe tại 4 quận nội đô; tăng cường xử phạt xe vi phạm...

Tổ chức dừng hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực đối với xe ô tô con cá nhân; một số khu vực theo lộ trình cho phép xe ô tô cá nhân đi vào giờ cao điểm nhưng có thu phí; Tổ chức đỗ xe theo ngày chẵn (lẻ) đối với các tuyến phố cụ thể khu vực trung tâm; Nghiên cứu tổ chức các khu vực hạn chế lưu thông đối với xe ô tô con và xe máy, tiến tới dần đến dừng hoạt động trên một số trục chính và một số khu vực trong vành đai 3.

Về nhóm giải pháp giao thông, phương án do ông Phạm Hoài Chung trình bày đề xuất đẩy mạnh việc phân làn, phân luồng quy định thời gian hoạt dộng của phương tiện tham gia giao thông theo các tuyến đường; cấm taxi hoạt động trên một số tuyến đường có lưu lượng cao hoặc các tuyến có ưu tiên xe buýt; mở rộng không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm; thí điểm hạn chế hoạt động của ô tô, xe máy tại các tuyến đường, khu vực có phương tiện vận tải hành khách công cộng tốt;

Cùng với đó là giảm dần việc cấp phép trông giữ ô tô, xe máy; tăng cường xử lý vi phạm vỉa hè, lòng đường, các tuyến phố thuộc 4 quận nội đô; nghiên cứu xây dựng Quy hoạch tổ chức giao thông theo hướng cân đối hài hoà số lượng phương tiện tham gia giao thông phù hợp với hạ tầng giao thông theo từng khu vực.

Về giải pháp kinh tế, phương án kiểm soát phương tiện cá nhân này đề xuất xây dựng khung giá dịch vụ trông giữ phương tiện cá nhân theo hướng tăng luỹ tiến theo thời gian và theo khu vực cụ thể; nghiên cứu, đề xuất tăng lệ phí trước bạ với ô tô con đăng ký lần đầu; tổ chức thu phí xe ô tô vào khu vực  nội đô giờ cao điểm, lấy vành đai 2 là vành đai nghiên cứu để tổ chức thu phí khu trung tâm 4 quận nội thành; xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí cho người dân khi tiến hành thu hồi phương tiện xe máy không đảm bảo tiêu chuẩn.

Cuối cùng là phương án ứng dụng giao thông thông minh trong công tác quản lý phương tiện.

Đề án chưa có tính khả thi

Các ý kiến đóng góp được trình bày tại Hội thảo cũng như những tham luận được gửi đến đều cho thấy, hầu hết các ý kiến đồng ý với chủ trương phải hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển vận tải hành khách công cộng; áp dụng công nghệ thông minh quản lý và điều tiết giao thông...

Tuy nhiên, các ý kiến cũng khác nhau về việc nên hạn chế loại phương tiện nào, cách thức hạn chế, cấm hay không cấm xe máy cũng như thời gian tiến hành cấm xe máy…

Theo đó, ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng đề xuất phân luồng xe, hạn chế phạm vi hoạt động của xe máy; tăng chi phí đi lại bằng xe máy ở các khu vực có mật độ giao thông cao và khả năng ách tắc lớn; thu phí lưu hành ô tô con vào giờ cao điểm; tăng phí gara, đặc biệt là ở các khu vực nhạy cảm về giao thông và có hệ thống xe buýt công cộng phát triển.

Đặc biệt, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng đề xuất coi taxi là loại vận tải hành khách công cộng để quản lý, đặt ra các điều kiện, tiêu chuẩn, đoàn xe..., đồng thời cho phép sử dụng hạ tầng cơ sở trên các điểm trung chuyển, điểm dừng chung của hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Trong khi đó, TS Trần Danh Lợi, Chủ tịch Hội Cầu đường Việt Nam thì đánh giá, các số liệu đầu vào cho kịch bản cần xem xét thêm, phương pháp tính toán và điều tra thực tế chưa thuyết phục.

“Phần đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân và lộ trình thực hiện cần có cơ sở khoa học hơn, kết hợp đồng bộ các giải pháp cùng một giai đoạn và trong một không gian hữu hạn, các lĩnh vực cụ thể" – TS Trần Danh Lợi lưu ý.

Ông Tô Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội thì góp ý, thời hạn cụ thể đến năm 2025 dường như là quá ngắn, khó khả thi.

“Việc dừng hoạt động của xe máy trong vùng trung tâm của Thành phố chỉ là một trong nhiều biện pháp để đạt mục tiêu đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển của xã hội trên địa bàn được nhanh chóng, thuận tiện, an toàn và hiệu quả. Biện pháp này phụ thuộc nhiều vào các biện pháp phát triển kết cấu hạ tầng và vận tải hành khách công cộng” – ông Tô Anh Tuấn phân tích.

Vấn đề nguồn vốn đầu tư cho hệ thống vận tải công cộng rất lớn (ước khoảng hàng chục tỷ đô la trong 5 năm) cũng như khả năng giải ngân số tiền này cũng là vấn đề được ông Tuấn lo ngại là khó khả thi.

Khi hệ thống vận tải hành khách công cộng không đạt được mức độ phát triển đã xác định của Đề án thì việc dừng hoạt động của xe máy theo Đề án cũng không có cơ sở để thực hiện” – ông Tô Anh Tuấn nêu ý kiến.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam thì cho rằng, xe cá nhân ô tô, xe máy là đối tượng góp phần gây ùn tắc giao thông nên “dù biết là khó, động chạm nhưng cũng cần có lộ trình hạn chế.”

“Không có giải pháp nào đáp ứng tất cả các đối tượng, nên cần xác định mục tiêu ưu tiên và đưa ra giải pháp, chứ không thể hài hòa tất cả các đối tượng” – bà Hiền nhấn mạnh, đồng thời đề nghị Sở GTVT mở chuyên mục ở web của Sở, lấy ý kiến nhân dân, chuyên gia và có phản hồi, đồng thời tổ chức hội thảo từng giải pháp, vì mỗi giải pháp nó đều động chạm đến đời sống.

“Một vấn đề nhỏ của Hà Nội những là vấn đề lớn của người dân.” – bà Hiền nói.

Cảm ơn các ý kiến đóng góp, tâm huyết của các đại biểu, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến, kể cả những ý kiến trái chiều để báo cáo Thành phố, hoàn thiện đề án và ban hành. Ông Viện cũng mong người dân ủng hộ để sớm thực hiện được mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc