Đại biểu Quốc hội: Chính phủ quyết liệt, chính quyền nhũng nhiễu

11:00, 03/11/2016
|

(VnMedia) - Đại biểu Quốc hội đánh giá, trong khi Chính phủ mới đã rất quyết liệt, nhạy bén nhưng bộ máy chính quyền cồng kềnh, cán bộ nhũng nhiễu tiêu cực khiến cho xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc.

Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương nhấn mạnh: “Chúng ta luôn cảm nhận được sự sâu sát, quyết liệt trong từng lời nói, từng hành động của một Chính phủ hành động và kiến tạo như Thủ tướng đã lựa chọn".

Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận: “Nếu không nâng cao được chất lượng quản lý Nhà nước, nhất là ở các cấp chính quyền địa phương và nhất là không chống được nhũng nhiễu và tiêu cực thì mục tiêu đặt ra khó có thể đạt được và nếu có đạt được thì cũng không bền vững". 

Đặt vấn đề: “Chúng ta có quyền hỏi Chính phủ quyết liệt là vậy, nhưng tại sao xã hội vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc và nguyên nhân của nó là gì?”, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương phân tích: "Những vấn đề bức xúc đó đều có một nguyên nhân chung, đó là sự vận hành của bộ máy Nhà nước và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức và viên chức bởi bộ máy Nhà nước tự thân nó không làm nên điều gì, mà nó được tạo nên bởi hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

“Cái gì cũng có thể được giải thích là do buông lỏng quản lý. Sự giải thích đó luôn luôn đúng và mãi mãi đúng. Quản lý nhà nước lâu nay luôn chạy theo mọi vấn đề cần được quản lý, mà lẽ ra quản lý phải đi trước một bước" - ông Nguyễn Sĩ Cương nhấn mạnh và đưa ra những ví dụ thực tế như: sập mỏ khai thác đá vài chục người chết; Sạt lở bãi thải vài gia đình bị chôn vùi; lật du thuyền trái phép nhiều người chết hay cháy nhiều cơ sở karaoke chết nhiều người..., nhưng cứ xảy ra rồi “chính quyền mới lập cập đến và tuyên bố sẽ rà soát và xử lý nghiêm vi phạm".

Theo đại biểu Cương, lẽ ra việc đó phải làm từ lâu chứ không phải để đến lúc xảy ra mới làm.

“Điều đáng nói là trong lúc đội ngũ cán bộ, công chức đông như thế, tinh giản biên chế gần như dậm chân tại chỗ. Thử hỏi số lượng cán bộ, công chức nhiều mà công việc quản lý nhà nước không được thực hiện nghiêm túc thì cán bộ, công chức làm gì?” - ông Nguyễn Sĩ Cương nêu câu hỏi.

Ngay tại Nghị trường, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương thẳng thắn nêu lên một hiện tượng mà ông được nhiều doanh nghiệp nhỏ kêu, đó là “chính quyền, kể cả lực lượng chức năng đóng trên địa bàn, việc gì không biết chứ trên địa bàn có bao nhiêu doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất gì họ biết tuốt. Việc thăm hỏi là thường xuyên, thăm hỏi không phải để kiểm tra, xem xét hay chấn chỉnh vấn đề gì mà để xin kinh phí hỗ trợ. Một số người bức xúc gọi đây là xin đểu". 

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương bình luận: “Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm hết mức, tìm mọi cách hỗ trợ, tạo điều kiện và cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp vì biết rằng muốn phát triển thì sự đóng góp của doanh nghiệp rất quan trọng, nhưng sự nhũng nhiễu của chính quyền như vậy thì hiệu quả chỉ đạo cũng giảm đi rất nhiều".

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương

Cần rà soát, sắp xếp lại tổng thể cả bộ máy

Sáng nay, thảo luận tại Hội trường, cũng như đại biểu Nguyễn Sĩ Cương, đại biểu Dương Văn Thống (Yên Bái) nhận định, những chỉ đạo điều hành của Chính phủ thời gian gần đây có nhiều điểm mới, toàn diện và quyết liệt, nhạy bén, xử lý nhanh với các vấn đề phức tạp nảy sinh.

Ông đặc biệt nhấn mạnh việc Thủ tướng công khai chỉ đạo giải quyết một số vụ việc có ý nghĩa rất quan trọng mà dư luận bức xúc quan tâm…

Tuy nhiên, nhận xét về tổng thể bộ máy, đại biểu Dương Văn Thống đánh giá là “rất cồng kềnh, đông người, không ít bộ phận không còn cần thiết cho công tác lãnh đạo, điều hành".

“Ví dụ, trong một tổ chức đặt ra nhiều bộ phận rồi bố trí người, rồi ban chỉ đạo… Tôi thấy nhiều ban chỉ đạo thực sự không cần thiết. Tôi cũng là trưởng của 3 Ban chỉ đạo, vừa rồi Trung ương xóa 1 ban, còn 2 ban nữa nếu có thẩm quyền tôi cũng đề nghị xóa luôn” – đại biểu Thống thẳng thắn nêu.

Lấy ví dụ cụ thể về một bộ máy cồng kềnh, tiêu tốn nhiều ngân sách, đại biểu Thống nêu, Yên Bái có bộ máy chính trị rất cồng kềnh, số người hưởng lương phụ cấp từ ngân sách nhà nước năm 2016 là 17.200 người, và số tiền tiêu ngân sách của năm 2016 là 1.100 tỷ đồng trong tổng số chi thường xuyên là hơn 4.000 tỷ đồng, chưa tính sự nghiệp y tế, giáo dục mà chỉ nói bộ máy Đảng, Chính quyền, đoàn thể đến thôn bản...

“Cùng với số lượng cồng kềnh thì chất lượng cán bộ nhiều hạn chế, yếu kém mà nguyên nhân do tổ chức bộ máy bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý, có nhiều bộ phận không cần thiết, chưa được thiết kế lại một cách tổng thể” - đại biểu tỉnh Yên Bái nhận xét và cho rằng, vấn đề hết sức quan trọng là đạo đức cán bộ thì chưa được quan tâm đúng mức, khi xem xét bố trí cán bộ thì nặng về đánh giá hiệu quả công tác và sự nhanh nhạy, năng động  mà ít nói đến đạo đức.

“Đây là lệch lạc không thể xem thường” - đại biểu Thống nhấn mạnh.

Đại biểu tỉnh Yên Bái cho rằng, nếu rà soát sửa đổi tổng thể cả bộ máy hệ thống hợp lý hơn, ít tổ chức đầu mối hơn, chấn chỉnh đội  ngũ cán bộ kiên quyết hơn, yêu cầu thực thi đúng luật pháp chính sách gắn với rèn đạo đức, phong cách, lối sống trong sạch vì dân, hạn chế chủ nghĩa cá nhân và lòng tham chắc chắn giảm được chi ngân sách của bộ máy cán bộ, nguồn lực đất nước sẽ được sử dụng hiệu quả hơn, tham nhũng, nhũng nhiễu sẽ giảm, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nhà nước và chế độ sẽ được nâng lên.

Đại biểu Dương Văn Thống đề nghị nghiên cứu rà soát sửa đổi tổng thể cả bộ máy, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, phân công phối hợp kiểm soát quyền lực, giảm cả về tổ chức và con người, trong đó biên chế phải giảm từ 20% trở lên chứ không phải 10%, đồng thời thường xuyên tổ chức thanh tra kiểm tra giám sát bộ máy tổ chức cán bộ, chú trọng rèn luyện đạo đức cần kiệm liêm chính, tôn trọng và phục vụ dân.

“Muốn làm được thì cấp trên phải làm trước và cấp trên phải ít khuyết điểm hơn cấp dưới. Cán bộ liêm chính thì Chính phủ và bộ máy của chúng ta sẽ liêm chính” – đại biểu Dương Văn Thống nhấn mạnh.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc