Cứu hộ bốn cá thể gấu ngựa tại Gia Lai

17:10, 11/11/2016
|

(VnMedia)- Tổ chức Động vật châu Á cứu hộ thành công bốn cá thể gấu ngựa trên địa bàn Tp. Pleiku, Gia Lai, nhờ những nỗ lực vận động của cơ quan Kiểm lâm Gia Lai trong nhiều năm với các hộ nuôi gấu.

Ngày 11/11/2016, Tổ chức Động vật châu Á đã cứu hộ thành công bốn cá thể gấu ngựa nuôi nhốt hơn 10 năm tại hai trang trại tại Thành phố Pleiku, Gia Lai. Bốn cá thể gấu này thuộc về ba chủ nuôi, và cả ba đều tự nguyện chuyển giao gấu lại cho nhà nước, dưới sự vận động trong nhiều năm của các cán bộ Chi cục Kiểm lâm Tỉnh Gia Lai.

Bốn cá thể gấu, hai giới tính đực, hai cá thể cái, mỗi cá thể nặng từ 80 tới 100 kg, và đều có hồ sơ quản lý và gắn chíp điện tử. Đây đều là những cá thể gấu nhiều tuổi, có cá thể cụt chi, và đang được chủ nuôi chăm sóc trong điều kiện tối thiểu tại các trang trại.

Tổ chức Động vật châu Á có thông tin về những cá thể gấu này cách đây năm năm, khi đến Gia Lai cứu hộ một cá thể gấu chó đặt tên là Nelson, hiện đang sống mạnh khỏe tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam. Thế nhưng, thời điểm đó, các chủ trại gấu vẫn muốn tiếp tục nuôi và chưa có ý định chuyển giao lại cho Trung tâm Cứu hộ. Sau một thời gian được Kiểm lâm Gia Lai tuyên truyền, vận động, nay các hộ đều tự nguyện làm đơn chuyển giao gấu, và bày tỏ mong muốn gấu được đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, để được nhận sự chăm sóc tốt nhất.

Đoàn cứu hộ gấu của Trung tâm bao gồm các chuyên gia, bác sỹ thú y, cùng nhân viên chăm sóc đã nhanh chóng có mặt tại Gia Lai, và đến thăm các trang trại trước ngày cứu hộ một ngày, kiểm tra các điều kiện thực tế, đồng thời lên phương án cứu hộ. Cả bốn cá thể gấu đều được cứu hộ bằng phương pháp dụ gấu sang lồng vận chuyển chuyên biệt, vì thế quá trình cứu hộ diễn ra nhanh chóng trong ngày 11/11.

Bác sỹ thú y Weng Nash của Trung tâm thông báo tình trạng sức khỏe của các cả bốn cá thể đều ở mức độ nghiêm trọng: răng sâu hầu hết vì thức ăn kém chất lượng và thói quen cắn thanh sắt của các vật bị nuôi nhốt, phần lớn đều bị trụi lông hoặc mất một mảng lông do dụi đầu vào chuồng khi buồn chán. Cá biệt, cá thể gấu cái mang tên Su Su còn bị một khối áp xe lớn ở bụng (Theo chủ trại gấu, cô gấu này đã bị khối u này khoảng 7 năm nay) và bị cụt chi phải. Cá thể gấu cuối cùng được cứu hộ, Bình Minh thì bị cụt sát tận vai. Tất cả các cá thể gấu sẽ được sắp xếp khám và chữa trị các thương tổn khi về tới Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam. 

Bốn cá thể gấu ngựa lần lượt được đặt tên là: Jarai (gấu cái, kỉ niệm"quê nhà" Gia Lai), Su Su (gấu cái). Đậu Phụ (gấu đực), và Bình Minh (gấu đực). Theo dự tính, đoàn cứu hộ sẽ vượt qua hành trình 1200 km từ Gia Lai về Vườn Quốc gia Tam Đảo, đưa Jarai, Bình Minh, Đậu Phụ, và Su Su về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam vào ngày 14/11/2016. Gấu sẽ được vận chuyển về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam bằng xe tải, và bắt đầu quá trình cách ly 45 ngày để đảm bảo không có bệnh truyền nhiễm, sau đó sẽ được ghép nhóm, dần dần được đưa ra các khu bán tự nhiên rộng gần 3000 m2.

Pgs, Ts. Tuấn Bendixsen - Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam chia sẻ trên hành trình cứu hộ: "Tổ chức Động vật châu Á đã thực hiện hơn 150 chuyến cứu hộ trên khắp cả nước, có những chuyến chúng tôi đi hàng ngàn cây số để cứu hộ một cá thể gấu, và luôn băn khoăn khi vẫn còn có những chú gấu chúng tôi chưa thể giải cứu. Thật may mắn khi sau năm năm, tôi được trở lại Gia Lai và đưa thêm bốn cá thể về chăm sóc tại mái nhà Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam. Các cán bộ Kiểm lâm Gia Lai đã rất có công trong việc vận động, và giúp đỡ chúng tôi cứu hộ gấu thành công."

Tính đến nay, Tổ chức Động vật châu Á đã cứu hộ thành công 169 cá thể gấu, trong đó hiện có 155 cá thể gấu đang được chăm sóc y tế, dinh dưỡng, và sống ngoài các khu bán tự nhiên của Trung tâm. 

Trúc Dân


Ý kiến bạn đọc