Cần ngăn chặn tình trạng "đại gia đình cùng làm quan"

15:26, 28/10/2016
|

(VnMedia) - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng cần, cần tiếp thu ưu điểm của Luật Hồi tỵ trong việc ngăn chặn tình trạng những người trong một đại gia đình cùng làm “quan” ở một địa phương dẫn đến dễ câu kết để tham ô, nhũng nhiễu.

Lê Thị Nga
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga

Sáng ngày 28/10, Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2016.

Ông Phan Văn Sáu nhận xét, công tác PCTN đã thúc đẩy sự chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước. Hệ thống bộ máy nhà nước, thể chế, chính sách được hoàn thiện hơn cùng với việc mở rộng công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi.

Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn bất cập; công khai, minh bạch còn hạn chế, chưa xóa bỏ được cơ chế "xin, cho", là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách, vốn, tài sản nhà nước, tổ chức - cán bộ, tín dụng, ngân hàng... Một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN.

Báo cáo do Tổng Thanh tra Chính phủ trình bày cũng chỉ ra, số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện.

Theo Tổng Thanh tra, nguyên nhân là còn có sự bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trong xử lý. “Biện pháp phòng ngừa này trong nhiều trường hợp lại đặt người đứng đầu vào tình huống xung đột lợi ích. Nếu tích cực kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ, thì có thể phải đối mặt với việc bị xử lý trách nhiệm hoặc ảnh hưởng đến uy tín, thành tích của bản thân và đơn vị” – ông Sáu nêu rõ.

Việc kê khai tài sản, thu nhập được Tổng thanh tra đánh giá là còn nặng về hình thức; hầu hết các bản kê khai chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng; tình trạng lợi dụng truyền thống văn hóa về tặng quà, cảm ơn để biếu xén, đưa hối lộ vì động cơ vụ lợi còn khá phổ biến. Đồng thời, quy định và việc thực hiện quy định nộp lại quà tặng còn hình thức, thiếu khả thi...

Trong khi đó, việc xử lý tham nhũng trong nhiều trường hợp còn chưa nghiêm, chưa kịp thời, trong khi đã phát hiện nhiều vụ án tham nhũng lớn mà người đứng đầu là chủ mưu, đồng phạm, lợi ích nhóm.

Trước thực trạng về công tác PCTN, Tổng Thanh tra cho biết, Chính phủ sẽ có cơ chế hữu hiệu để loại khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức thoái hoá, biến chất; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng; hoàn thành dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi trình Quốc hội…

Cần ngăn chặn tình trạng “đại gia đình cùng làm quan”

Báo cáo thẩm tra về vấn đề phòng chống tham nhũng, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong PCTN và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, chưa đạt được mục tiêu “từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”.

Nói về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, bà Nga cho rằng, quy định của pháp luật về chuyển đổi công tác đối với một số vị trí chưa phù hợp, nhất là ở các vị trí chỉ có một cán bộ, công chức, viên chức đảm nhiệm hoặc đòi hỏi tính chuyên môn, nghiệp vụ cao.

“Đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri và báo chí phản ánh trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm không đủ điều kiện, chưa tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế, là người thân, trong gia đình; có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ... đã gây nghi ngờ, bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ ghi nhận, xem xét kỹ các phản ánh của đại biểu Quốc hội và cử tri, báo chí” - Bà Lê Thị Nga nêu rõ.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cũng cho biết, có ý kiến cho rằng, Luật PCTN hiện hành mới đã quy định “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về nhân sự, kế toán - tài vụ, thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch mua bán vật tư, hàng hóa, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó”, tuy nhiên chưa quy định về việc cấm người đứng đầu bổ nhiệm người thân thích vào vị trí lãnh đạo trong đơn vị do mình quản lý, dẫn đến thời gian qua, cử tri bức xúc phản ánh tại một số địa phương có hiện tượng “cả họ làm quan” nhưng vẫn đúng quy trình.

Bà Nga cho biết, một số cử tri đề nghị Nhà nước cần tổ chức nghiên cứu, tham khảo, tiếp thu những điểm tiến bộ của Luật về Hồi tỵ đã từng được một số triều đại trong lịch sử Việt Nam áp dụng có hiệu quả. Theo đó, luật này được đặt ra để ngăn chặn tình trạng những người trong một đại gia đình cùng làm quan trong một địa phương dẫn đến dễ câu kết để tham ô, nhũng nhiễu.

“Uỷ ban Tư pháp cho rằng, đây là những ý kiến rất cần được lắng nghe, nghiên cứu để bảo đảm vừa trọng dụng được nhân tài, vừa tránh tính trạng lạm quyền để trục lợi trong công tác cán bộ” - bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cũng đánh giá, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua.

“Năm 2016 chỉ có 11 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, giảm 35 người so với cùng kỳ năm 2015...” – bà Nga dẫn chứng và cho rằng, có tình trạng người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị coi vi phạm, tham nhũng của cấp dưới, của đơn vị do mình quản lý không phải là trách nhiệm của mình.

UBTP cũng nêu vấn đề là các báo cáo vẫn còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm, đánh giá chung chung, “có một số nơi”, “có một bộ phận”, “một số người đứng đầu”, “một số cơ quan, đơn vị”…. mà không có địa chỉ cụ thể nên không xác định được trách nhiệm cá nhân. Đáng lưu ý có một số cán bộ còn bao che, tiếp tay, “bảo kê” cho vi phạm.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho biết, trước thực trạng trên, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị phải phân định rõ ràng trách nhiệm tập thể với trách nhiệm của từng cá nhân có thẩm quyền quyết định, tránh tình trạng khi xảy ra sai phạm, không quy được trách nhiệm cá nhân, lấy trách nhiệm tập thể làm nơi lẩn tránh an toàn cho trách nhiệm cá nhân”.

“Uỷ ban Tư pháp đồng tình và đề nghị Chính phủ kiên quyết thực hiện chủ trương này để xây dựng một Chính phủ liêm chính như Thủ tướng Chính phủ đã cam kết” - Bà Nga nhấn mạnh.

Báo cáo Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngành Thanh tra đã phát hiện 49 vụ, 95 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.

Từ tháng 01/10/2015 đến tháng 30/9/2016, các Cơ quan điều tra trong CAND đã thụ lý điều tra 257 vụ án, 710 bị can phạm tội về tham nhũng; đã kết luận điều tra 111 vụ, 418 bị can; hiện đang điều tra 135 vụ, 273 bị can.

Viện KSND các cấp đã truy tố 263 vụ, 634 bị can về các tội danh tham nhũng (giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2015).

TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 361 vụ với 931 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 194 vụ, 441 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 47,7%. Đặc biệt có 05 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân thể hiện sự quyết liệt, nghiêm minh trong xử lý tội phạm về tham nhũng.

Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2016 gây thiệt hại trên 240 tỷ đồng 838m2 đất, đã thu hồi 92 tỷ 460 triệu đồng và kê biên 07 bất động sản, đạt 38,3%.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc