Mùa đông, cần cảnh giác những loại bệnh gì?

08:36, 28/09/2016
|

(VnMedia) - Mùa đông là mùa thường xuất hiện nhiều loại bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong như như cúm thương hàn, cúm AH1N1, sốt rét kháng thuốc, sốt xuất huyết, chân tay miệng...

sốt rét kháng thuốc
Sốt rét kháng thuốc là hiện tượng đáng quan tâm - ảnh minh họa

Chiều ngày 27/9, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị Trực tuyến phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh mùa thu – đông.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, các dịch bệnh mới nổi như Ebola, Mers, Zika và bệnh do véc tơ truyền bệnh gây sốt xuất huyết bùng phát tăng mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, các bệnh nguy hiểm và mới nổi luôn có nguy cơ xâm nhập cao, bùng phát nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch.

Về bệnh dịch Zika, Bộ trưởng cho biết hiện Việt Nam mới phát hiện 3 ca nhiễm Zika và chưa có ca bệnh nào tử vong. Cho đến thời điểm  hiện tại chưa xuất hiện thêm trường hợp nào mới ngoài 3 trường hợp đã từng phát hiện tại Phú Yên, Khánh Hòa và Tp. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Bộ trưởng e ngại số trường hợp mắc có thể tăng trong thời gian tới.

“Ngay như bệnh bạch hầu vốn từ rất lâu không xuất hiện nay lại “có mặt” và thành dịch ở một số tỉnh phía bắc miền núi và Bình Phước. Sự trở lại của bạch hầu cũng cho thấy lỗ hổng công tác tác tiêm chủng”, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Bà Tiến cũng khuyến cáo, nhiều bệnh dịch khác cũng có nguy cơ phát dịch cao như bệnh sốt xuất huyết có thể diễn biến phức tạp từ nay đến hết mùa mưa, trong đó địa phương lưu hành bệnh đáng lưu ý nhất là các tỉnh miền Nam và khu vực Tây Nguyên. Theo Bộ trưởng, cần tuyên truyền để người dân luôn có ý thức ngăn chặn môi trường sống của muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết bằng cách lật úp các vật dụng, phế thải bị ứ đọng nước mưa.

Cùng với đó, sắp vào mùa thu đông, bệnh cúm AH1N1, cúm thương hàn đang tăng một số ca ở một số tỉnh. “Mặc dù đây là cúm mùa nhưng nếu chủ quan vẫn có gây tử vong.” – Bộ trưởng lưu ý và nhắc nhở, vào mùa đông, bệnh tay chân miệng cũng có nguy cơ gia tăng trong mùa tựu trường.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên nhân dịch bệnh gia tăng là do gia tăng sự giao lưu đi lại, đô thị hóa mạnh mẽ, biến đổi khí hậu toàn cầu hiện tượng elnino, gia tăng kháng thuốc của vi sinh vật gây bệnh, chu kỳ dịch, vệ sinh môi trường như dụng cụ phế thải, dụng cụ chứa nước..., trong khi người dân chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh và khó khăn về kinh phí.

Phát biểu tại buổi trược tuyến, ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự Phòng cho biết, hiện nay, có 63 bệnh truyền nhiễm nhưng có một số bệnh chính có nguy cơ xâm nhập, bùng phát, đặc biệt là dịch mới nổi và dịch thu đông.

Đặc biệt, ông Phu cho biết, tại Việt Nam ghi nhận 3360 bệnh nhân có ký sinh trùng sốt rét và 3 trường hợp tử vong tại Phú Yên và TP.HCM, so với 2015 giảm 52 %. Tuy nhiên, đáng chú ý, ở Khánh Hòa, Gia Lai có tình trạng sốt rét kháng thuốc. Hiện có 10 tỉnh có số mắc sốt rét cao như: Bình Phước, Gia Lai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Nghệ An, Đắc Lắc, Đắc Nông, Quảng Bình, Lâm Đồng, Quảng Nam.

Cũng tại buổi giao ban trực tuyến, GS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết, sốt rét kháng thuốc đang là một vấn đề đáng lo lắng và đặc biệt hiện nay đang thiếu thuốc điều trị. Mặc dù đã có phác đồ chống kháng nhưng nguồn thuốc hỗ trợ điều trị sốt rét ác tính hôn mê chưa được đáp ứng.

Cho đến nay, 3 trong 5 loài ký sinh trùng sốt rét gây bệnh cho người đã được xác nhận kháng thuốc sốt rét là P.falciparum, P.vivax và P.malaria. Trong 3 loại ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc trên, P.falciparum là loại ký sinh trùng kháng thuốc có tần xuất cao nhất và đa kháng.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc