Hà Nội: Đứa trẻ đã chết vì không có sân chơi !

07:08, 24/09/2016
|

(VnMedia) - Ai cũng nghĩ, không có ăn, không có học thì mới chết. Nhưng hôm qua, một đứa bé đã chết vì không có chỗ chơi, nó phải đạp xe dưới lòng đường. Đừng chửi người xích lô ba gác!

Nó chết, khi mà Thành phố đang mải miết đi xây những công viên nghìn tỷ "có tiêu chuẩn quốc tế", nơi mà có khi cả năm những đứa trẻ như nó chưa chắc đã được đến chơi một lần. Còn những mảnh đất mà nó có thể chơi hàng ngày thì không một ai nghĩ đến việc phải dùng để làm sân chơi. Hoặc là họ phải xây lên đó những tòa nhà cao tầng, hoặc là họ phải dùng để mở những quán bia quán nhậu, chí ít thì nó cũng dùng làm chỗ đỗ xe. Một Phó chủ tịch phường đã từng trả lời tôi về việc làm sân chơi cho trẻ em như thế này: "Ở Hà Nội, có chỗ chui ra chui vào là tốt lắm rồi, lấy đâu đất mà làm sân chơi?"

Năm ngoái, Thành phố đã hứa là sẽ làm 118 cái sân chơi. Tôi đã hỉ hả lắm. Đã tưởng, loạt bài viết về sân chơi của mình thế là đã có người chịu lắng nghe. Thế nhưng, hôm trước trả lời tôi, một vị lãnh đạo sở Xây dựng nói rằng, “chưa, chưa làm được”. Có lẽ, họ đã quên lời hứa làm sân chơi cho trẻ em rồi!

Vâng, Thành phố còn phải đi xây những công viên nghìn tỷ, như công viên Hòa Bình, như công viên Yên Sở, nơi mà mới đây, trả lời tôi, vị lãnh đạo quận Thanh Trì cho biết, nó hiệu quả lắm, bằng chứng là có rất nhiều đôi đến đó... chụp ảnh cưới!

Và tới đây, Hà Nội sẽ có thêm 5 công viên còn hoành tráng hơn như thế. Nhưng 118 cái sân chơi thì vẫn “bặt vô âm tín”.

đá bóng

Thành phố mải đi làm công viên nghìn tỷ, quên lời hứa làm sân chơi cho trẻ

 ảnh: Tuệ Khanh

Cũng chẳng phải chỉ chính quyền đâu, chính chúng ta, những người lớn, những người bố người mẹ đã làm gì để con mình có chỗ chơi? Hay chính chúng ta đã giành giật của con trẻ một khoảng sân chỉ để cho mình có một chỗ để xe gần nhà? Chính chúng ta đã thờ ơ nhìn người khác chiếm hết sân chung tập thể để bán hàng, để trông giữ xe? Chính chúng ta đã thỏa hiệp để khỏi bị va chạm, mặc cho con cái chúng ta phải chịu thiệt thòi?

Ở khu tập thể nhà tôi, cái sân chơi bé xíu ba chục mét vuông mà chúng tôi đã cố gắng hết sức để có được, là nơi mà có đến hàng trăm đứa trẻ hàng ngày vô cùng vui sướng khi chơi ở đó chỉ với 1 cái xích đu và một cái cầu trượt. Nhưng rồi, lúc thì có người vắt cả xích đu lên để kê bàn bán hàng, lúc thì vài chiếc ô tô đỗ kín sân, lúc thì xe máy xếp chật khiến những đứa trẻ phải len lỏi chơi giữa những chiếc xe. Và, bố mẹ của chúng đa số đã im lặng chấp nhận mà không một lời phản đối.

Gần nhà tôi, phía đường Ngọc Khánh, sân tập thể là hàng chục quán nhậu lúc nào cũng đông nghìn nghịt khách, và ở trong Thành phố này có đến hàng ngàn những nơi như thế. Ngay cạnh đó, một mảnh đất nhỏ cũng đã được dùng làm bãi đỗ ô tô cao tầng. Chẳng đứa trẻ nào dám đi học trên vỉa hè ở đó nữa, bởi đi dưới lòng đường còn an toàn hơn. Lẽ ra, ở đó phải là một vườn hoa hay một cái sân chơi.

Tôi tự hỏi, không biết đã từng có ông bố mà mẹ nào lên tiếng, hay làm đơn lên chính quyền để đòi lại không gian đó để con em mình không phải đạp xe dưới lòng đường như em bé đã chết chiều hôm nay?

Người lớn chúng ta, những ông bố bà mẹ đã chẳng làm gì, đã chẳng nói gì để cho con mình có được một con đường đi bộ đến trường an toàn, có một khoảnh sân nhỏ để chơi. Nhưng trớ triêu thay, nếu thiếu chỗ đậu xe, họ sẽ ào ào lên đấu tranh, thậm chí chởi bởi để đòi quyền lợi. Chỉ có những đứa trẻ là không thể tự đòi quyền lợi cho mình. Bố mẹ chúng sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu để con mình được đi biển, đi nước ngoài, nhưng khó thấy ai bỏ tiền ra để làm một cái sân chơi trong khu tập thể, nơi mà con cái họ có thể được chơi hàng ngày chứ không phải đợi đến hè để được đi một chuyến.

Mấy hôm rồi, tôi còn thấy có người chửi là cái không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm ấy, chả có gì, chỉ toàn người “bu đến rồi đứng đực một lũ” vì không có gì chơi. Liệu họ có nhìn thấy không những đứa trẻ đã vô cùng sung sướng khi chỉ cần được chạy đi chạy lại, mặt ngửa lên trời mà không sợ ô tô xe máy đâm phải, hay những đứa trẻ ríu rít chạy theo những con chó nhỏ một cách sung sướng?

Nếu những đứa trẻ vẫn phải đá bóng, phải chơi dưới lòng đường đầy xe cộ; nếu những đứa trẻ vẫn phải cắm mặt vào chơi game thay vì chạy nhảy hay trượt patin; nếu những đứa trẻ vị thành niên vẫn đi hút shisa thay vì chơi cầu lông, bóng rổ... thì sẽ không phải chỉ có một em bé chết một cách đau đớn như hôm qua. Và, sẽ có nhiều, rất nhiều đứa trẻ, dù không mất mạng nhưng cũng sẽ mất đi cả tuổi thơ, chỉ vì thiếu một cái sân chơi, thiếu một con đường đi bộ đến trường.

Làm trẻ con ở cái thành phố này, thật là khổ biết bao!

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc