Đi bộ ở hồ Hoàn Kiếm: Cần từ bỏ thói quen tùy tiện!

09:40, 09/09/2016
|

(VnMedia) - "Phải coi khu đi bộ hồ Gươm như một trường học thực hành cho nhận thức về văn hóa đô thị, và đây cũng là một môi trường rèn luyện mỗi người tập một cách sống đô thị, tập tuân thủ kỷ luật, từ bỏ thói quen tùy tiện để trở thành người văn minh... - KTS Trần Huy Ánh nói...

xếp hàng đi vệ sinh
Hãy coi việc xếp hàng đi vệ sinh là một sự thay đổi tích cực về nhận thức và mọi người sẽ phải tự điều chỉnh bản thân để thích nghi chứ không không nên đòi hỏi phải được đáp ứng những nhu cầu cá nhân một cách tùy tiện ở nơi công cộng - ảnh: VOV

Tuần qua, nhiều người dân Thủ đô đã trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau khi tham gia vào hoạt động đi bộ ở khu vực hồ Hoàn Kiếm. Có người hào hứng đến để rồi thất vọng khi chỉ thấy người và người đi vòng quanh hồ mà không tìm được không khí nhộn nhịp mua sắm như chợ đêm hay những quán hàng giải khát, ăn uống; cũng chẳng có những ban nhạc nổi tiếng với các sân khấu ngoài trời hoành tráng... Với những người này, họ đang cảm thấy chính quyền Thành phố dường như chưa làm hết nhiệm vụ “công bộc” của mình khi không chủ động tổ chức phục vụ cho họ những nhu cầu mà thực ra, ở bất cứ đâu họ cũng có thể tìm thấy chứ không cần phải nhọc công đi đến tận Bờ Hồ.

Nhưng với đa số người dân Hà Nội, khi đến đây, chỉ cần được thong dong đi bộ giữa lòng đường, ngắm những đứa trẻ chạy đi chạy lại nô đùa vui vẻ hay ghé xuống mua vài quả sấu dầm của người bán hàng rong cũng đã là một niềm hạnh phúc có thật mà lâu nay, thậm chí họ còn không dám mơ ước.

Ở nơi đó, những con người hàng ngày tất bật với mưu sinh, đau đầu bởi sự ồn ào và ngột thở bởi khói xe thì giờ đây, họ đã được sống trong một không gian trong lành và dường như, đang được trở về với một Hà Nội thanh lịch của quá khứ, một hồ Gươm thiêng liêng trong truyền thuyết.

Nếu có ai đó đã nhìn thấy vào tối 2/9, khi biển người đổ về Bờ Hồ và sau đó để lại những đống rác lớn thì đó chắc chắn không phải là lỗi của những người đã và đang cố gắng mang lại cho Hà Nội một không gian đáng sống. Những hành vi thiếu văn hóa đó, không phải đến khi có phố đi bộ mới xuất hiện, mà nó là hiện tượng đã xảy ra vào hầu như tất cả những dịp lễ tết ở khu vực này, khi mà có thêm rất nhiều người dân ngoại tỉnh, ngoại thành, người lao động tự do đổ xô về.

Chỉ khác một điều là, nếu trở lại hồ Hoàn Kiếm vào ngày mùng 3, mùng 4/9, họ sẽ thấy ở đây một không khí, một quang cảnh hoàn toàn khác: nhẹ nhàng hơn, thư thái hơn, sạch sẽ hơn, trật tự hơn rất nhiều. Và chắc chắn, trong thời gian tổ chức đi bộ vào các tuần tiếp theo, hồ Hoàn Kiếm sẽ luôn là như vậy.

Hồ Gươm
Được ngắm những đứa trẻ chạy đi chạy lại nô đùa vui vẻ một cách an toàn ở Hồ Hoàn Kiếm đã là một hạnh phúc - ảnh: Tuệ Khanh

Trước hết, đó là vì chính quyền Thành phố và quận Hoàn Kiếm đã rất nhanh chóng khắc phục những tồn tại của tuần đầu tiên tổ chức phố đi bộ, với một thái độ hết sức nhân văn, đó là chỉ nhắc nhở người dân và du khách, trong khi cố gắng tối đa để tổ chức thu gom rác, dẹp bỏ hàng rong chèo kéo khách...

Nhưng, một điều quan trọng  hơn, đó là về lâu dài, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm chắc chắn sẽ không có chỗ để cho những hành vi thiếu văn hóa tồn tại. Đó sẽ không phải vì chính quyền sẽ có những “biện pháp rắn” như là phạt tiền hay cấm đoán, mà có thể do những người tham gia không gian đi bộ này “tẩy chay”, lên án, hoặc chính bản thân những người muốn tận hưởng không gian quý báu đó, họ sẽ phải tự điều chỉnh hành vi của bản thân mình để phù hợp với một không gian văn hóa, như lời ông Phó Chủ tịch quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long chia sẻ: "Khi chúng ta tuyên truyền mà chuyển biến tốt, có chiều hướng tích cực thì không nhất thiết phải xử phạt."

Chúng ta chờ đợi gì ở một không gian đi bộ? Thành phố nên làm gì cho người dân? Chính quyền cần phải tổ chức những hoạt động gi? Câu trả lời của chuyên gia Quốc tế, bà Debra Efroymson, Giám đốc vùng châu Á của HealthBridge (tổ chức Nhịp cầu sức khỏe Canada) là: “Những không gian tự do luôn mở rộng và mời chào. Chúng đưa ra sự gợi ý cho những hoạt động, và chỉ thế thôi. Chúng khuyến khích sự sáng tạo và cho phép người ta sắp đặt không gian của họ. Quyền tự do và tự quyết mà người ta kiếm tìm có thể thấy ở không gian công cộng, và không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác. Bất ngờ, tự phát, độc lập, sáng tạo... đó là cuộc sống được sống bên ngoài, giữa những người khác”.

Hồ Hoàn Kiếm
Không gian công cộng khuyến khích sự sáng tạo và cho phép người ta sắp đặt không gian của họ...- ảnh: Tuệ Khanh

Chúng ta ai cũng biết, để có nhiều hàng quán phục vụ du khách hay đặt thêm những nhà vệ sinh quanh hồ là điều chẳng khó khăn gì. Có hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp luôn sẵn sàng và thậm chí, họ đã cố gắng để đạt được mục đích đó.

Nhưng, chính quyền Thành phố và quận Hoàn Kiếm đã không lựa chọn cách dễ dàng như vậy. Họ muốn rằng, với không gian đặc biệt quanh hồ Hoàn Kiếm, những người dân đến đây có thể chủ động cùng nhau tự do sáng tạo ra những cách thức thư giãn cho mình và mọi người, từ việc tổ chức trò chơi, biểu diễn ca nhạc đường phố hay chỉ đơn giản là ngồi xuống và chuyện trò với người bên cạnh. 

Phải quyết tâm lắm, và với cách nghĩ thấu đáo, cẩn trọng, đầy tâm huyết với Hà Nội, với người dân và du khách, những người có trách nhiệm mới có thể giữ được một không gian tuyệt vời đến thế.

Tới đây, tùy thuộc vào lượng người thường xuyên đến không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, sẽ có những dịch vụ, những hoạt động được tổ chức ở mức độ phù hợp. Nhưng cần phải khẳng định rằng, hồ Hoàn Kiếm không phải là nơi để phục vụ cho mọi người đến ăn nhậu, mua sắm hay... đi vệ sinh!

“Nhà vệ sinh trên phố đi bộ hiện tại đã đủ và tiếp tục bổ sung bởi các nhà hàng, cà phê, các tòa nhà sở hữu công (bưu điện, nhà thông tin triển lãm, điện lực…) sẽ mở cửa hỗ trợ. Nhưng nếu dịch vụ tốt quá thì sẽ thu hút cư dân từ xa hoặc khu vực lân cận đến phố đi bộ để đi vệ sinh. Hãy coi việc xếp hàng đi vệ sinh hay phải đi vòng quanh tìm thùng rác là một sự thay đổi tích cực về nhận thức và mọi người sẽ phải tự điều chỉnh bản thân để thích nghi chứ không không nên đòi hỏi được đáp ứng những nhu cầu cá nhân một cách tùy tiện ở nơi công cộng. Ở đây, cách sống tùy tiện cần phải được từ bỏ” – KTS Trần Huy Ánh nêu quan điểm.

Theo ông Ánh, thành phố Paris mỗi năm đón gần 30 triệu khách du lịch, riêng tháp Eiffel đón hơn 10 triệu khách tham quan mỗi năm, vậy mà cả thành phố chỉ có 400 nhà vệ sinh công cộng. Các khu đi bộ lớn như tháp Eiffel, đồi Montmartre… rộng tương đương hồ Gươm mà cũng chỉ bố trí một khu vệ sinh có trả tiền. Họ phân bổ nhu cầu này vào các nhà ga, trung tâm thương mại, nhà hàng, cà phê… Cho dù không thỏa mãn (đặc biệt là du khách Việt Nam chưa quen “nhịn”) nhưng rất hiếm vi phạm, nếu cảnh sát bắt được sẽ phạt một số tiền tương đương gần 1 triệu đồng, ngoài ra sẽ rất rắc rối về giấy tờ (hóa đơn, kê khai, hộ chiếu…)

Và ở Hà Nội giờ đây cũng vậy. Tùy tiện vứt rác ra đường chỉ vì ở xa thùng rác, thậm chí đứng ngay cạnh thùng rác; tùy tiện đi vệ sinh bất cứ khi nào, ở đâu và yêu cầu phải được đáp ứng ngay; tùy tiện đòi hỏi phải được phóng xe thẳng vào nhà... là những hành vi mà mỗi người cần phải tự có ý thức chấn chỉnh, rèn luyện khi đến với không gian công cộng.

"Phải coi khu đi bộ hồ Gươm như một trường học thực hành cho một nhận thức về văn hóa đô thị, và đây cũng là một môi trường rèn luyện mỗi người tập một cách sống đô thị, tập tuân thủ kỷ luật để trở thành người văn minh, có trật tự, có kỷ cương và hội nhập với một đô thị là một Thủ đô của đất nước, dù vẫn có một đặc trưng của địa phương hóa nhưng cũng có đẳng cấp của xã hội văn minh, không chấp nhận cuộc sống tùy tiện, bừa bãi..." - KTS Trần Huy Ánh nói.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc