Đề xuất tăng thời gian tổ chức phố đi bộ

16:53, 06/09/2016
|

(VnMedia) - Nêu ra những lý do thuyết phục về lợi ích của việc tổ chức không gian đi bộ, Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe HealthBridge kiến nghị cần có kế hoạch để mở rộng cả về phạm vi và thời gian đối với các phố đi bộ tại Hà Nội….

Xung quanh việc Hà Nội tổ chức khu vực đi bộ Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, VnMedia nhận được rất nhiều phản của độc giả, từ người dân đến các chuyên gia, trong đó tuyệt đại đa số cho biết rất ủng hộ chủ trương này của Thành phố. Các ý kiến cũng gửi về những ý kiến đóng góp mang tính chất xây dựng nhằm giúp Thành phố có được một môi trường sống tốt hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn cho cộng đồng và xã hội.

VnMedia xin giới thiệu những ý kiến của KTS Đinh Đăng Hải - Cán bộ dự án “Thành phố Sống tốt” của tổ chức HealthBridge tại Việt Nam.

Không gian đi bộ mang lại nhiều lợi ích

Các khu vực dành cho người đi bộ trong thành phố tạo ra các địa điểm thu hút người dân và du khách, đồng thời góp phần tạo dựng hình ảnh, bản sắc của một thành phố. Đi bộ là một trong những hình thức đi lại năng động có lợi cho sức khỏe, an toàn và các khu vực dành cho người đi bộ chính là không gian công cộng, là hạ tầng đô thị giúp khuyến khích hình thức đi lại nhiều lợi ích này.

Việc tạo ra các khu vực dành riêng cho người đi bộ góp phần tái thiết các không gian mở, không gian công cộng trong thành phố, giúp bảo vệ môi trường không khí đô thị khỏi ô nhiễm của tiếng ồn, và khí thải từ phương tiện cơ giới cá nhân.

Đi bộ, xe đạp kết hợp với giao thông công cộng là hình thức di chuyển tại các đô thị hiện đại. Đi lại năng động không những có lợi cho sức khỏe mà còn tiết kiệm chi phí, năng lượng. Việc khuyến khích đi bộ, xe đạp và giao thông cộng cộng cũng tăng cường bình đẳng xã hội. Đặc biệt, tại các khu vực đi bộ mọi người, mọi lứa tuổi, mọi giới có điều kiện giao tiếp, trao đổi với nhau.

Tại Hà Nội, cơ hội đi bộ và đạp xe của nhân dân rất hạn chế. Trên 80% trẻ em tại Hà Nội được cha mẹ đưa đón đi học bằng ô tô, xe máy, tỉ lệ trẻ em đi bộ và đạp xe đến trường rất ít. Người cao tuổi tại Hà Nội ít có cơ hội đi lại chủ động do điều kiện giao thông thiếu an toàn và vỉa hè bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích. Trên 85% số chuyến đi của người Hà Nội bằng các phương tiện cơ giới cá nhân, ô tô và xe máy.

Đáng chú ý, diện tích không gian công cộng của Thành phố vô cùng hạn hẹp. Tại quận Hoàn Kiếm chỉ có 13 vườn hoa và quảng trường với diện tích khoảng 20.000m2, tương đương 0.15 mét vuông bình quân mỗi người.

Với xu hướng ưu tiên người đi bộ, các khu vực dành cho người đi bộ liên tục được mở rộng cả về không gian và thời gian. Cụ thể như tại Hội An, bắt đầu được thực hiện từ 2004 với một vài tiếng mỗi ngày cuối tuần, đến nay phố đi bộ tại Hội An đã được tổ chức cả 7 ngày trong tuần, tạo ra một khu vực trung tâm đô thị hấp dẫn, an toàn cho mọi người, bảo vệ môi trường, bình đẳng xã hội, phát triển kinh tế địa phương.

đi bộ hồ hoàn kiếm 16
Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng - ảnh: Tuệ Khanh

Cần có kế hoạch mở rộng phạm vi và thời gian 

Việc tổ chức khu vực đi bộ tại hồ Hoàn Kiếm – Hà Nội là một chương trình phù hợp với chủ trương giảm phương tiện cơ giới cá nhân tại trung tâm thành phố của thành phố Hà Nội. Ngoài ra, tạo dựng một khu vực đi bộ tại trung tâm Thành phố cũng phù hợp với định hướng tái thiết đô thị trên thế giới.

Việc tạo dựng khu vực đi bộ, phát triện mạng lưới đường đi xe đạp, phát triển giao thông công cộng của thành phố là một phần quan trọng để tái thiết đô thị đáp ứng các Mục tiêu Phát triển Bền vừng SDGs của Liên Hợp Quốc thông qua năm 2015, trong đó có chỉ tiêu đặc biệt quan trọng về phát triển giao thông bền vững cho mọi người tại mục số 11 - phát triển các đô thị bền vững.

Chúng tôi ủng hộ việc tổ chức khu đi bộ tại khu vực trung tâm thành phố và các khu vực khác có điều kiện thực hiện như các khu dân cư, trường học, khu vực dịch vụ… Cần có kế hoạch để mở rộng cả về phạm vi và thời gian cho các khu đi bộ.

Trong bối cảnh, ô tô, xe máy là phương tiện đi lại của phần lớn người dân Hà Nội thì việc thay đổi thói quen đi lại từ sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân với nhiều tác hại sang các phương thức đi lại năng động, đi bộ và đạp xe, kết hợp giao thông công cộng có nhiều lợi ích là việc không dễ nhưng cần cần có kế hoạch. Bên cạnh các chương trình tổ chức các khu vực đi bộ, thành phố cần đẩy mạnh các chương trình phát triển hệ thống hạ tầng dành cho đi bộ, đạp xe và giao thông công cộng.

"Các khuyến nghị của Tổ chức HealthBridge đối với khu vực đi bộ:

Khuyến khích đi xe đạp, xe buýt đến khu vực đi bộ

Việc tổ chức các tuyến xe buýt, hoặc các phương tiện giao thông cộng cộng khác an toàn, thân thiện và có năng lực đáp ứng để tiếp cận khu vực đi bộ là cần thiết, giúp cho người dân dễ dàng đến với khu đi bộ bằng các phương tiện giao thông bền vững chứ không phải là ô tô cá nhân hay xe máy. Nên khuyến khích đi xe đạp giúp mọi người ở xa hơn có thể đến khu vực này mà không cần sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.

Thành phố đang tổ chức rất nhiểu điểm đỗ xe máy, ô tô tại các tuyến đường vào khu đi bộ, việc này trực tiếp làm tăng số lượng phương tiện cơ giới cá nhân tại khu vực, đi ngược lại mục đích giảm số lượng phương tiện cơ giới cá nhân tại khu vực trung tâm. Hơn nữa các bãi đỗ xe làm xấu đi hình ảnh tại các lối vào do xe máy để trên các vỉa hè, lòng đường, vườn hoa liền kề cũng như làm giảm giá trị mọi mặt của các đường phố này. Vì vậy, nên hạn chế hoặc bỏ các điểm đỗ xe cơ giới và thay bằng các khu vực để xe đạp, điều này sẽ giúp làm giảm ùn tắc giao thông tại các lối vào và tăng an toàn cho người đi bộ đến khu vực đi bộ.

bãi gửi xe
Các bãi đỗ xe làm xấu đi hình ảnh tại các lối vào do xe máy để trên các vỉa hè, lòng đường - ảnh: Báo Tổ Quốc

Tăng cường sự tham gia của cộng đồng:

Người dân, đặc biệt là du khách đến với khu vực đi bộ với mong muốn được cảm nhận giá trị văn hóa, đời sống hàng ngày của nhân dân khu vực, các hoạt động có sự tham gia của cộng đồng sẽ thỏa mãn và góp phần xây dựng giá trị, bản sắc địa phương. Vì vậy, Thành phố nên tổ chức các hoạt động tại khu vực đi bộ có sự tham gia của cộng đồng như các hoạt động vui chơi, văn hóa, văn nghệ, giới thiệu và bán các sản phẩm địa phương…

Thành phố Hà Nội cần thực hiện việc tham khảo ý kiến người dân và du khách nhằm đảm bảo việc tổ chức khu vực đi bộ hiện tại và kế hoạch mở rộng cả phạm vi và thời gian trong tương lai đáp ứng được mục tiêu phát triển của thành phố và thuận tiện cho mọi người.

KTS Đinh Đức Hải - Cán bộ dự án Thành phố sống tốt của tổ chức HealthBridge Việt Nam 


Ý kiến bạn đọc