Chính phủ đề xuất sửa Luật Nhà ở

10:15, 05/09/2016
|
Sau một năm thực thi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi, thị trường nhà đất gặt hái "quả ngọt".
 
 
Đây là một trong số 12 dự án luật được sửa đổi, bổ sung tại dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Chính phủ dự kiến trình Quốc hội dự án luật này tại kỳ họp thứ hai, sẽ khai mạc vào cuối tháng 10/2016.
 
Quá trình xây dựng dự án một luật sửa nhiều luật nói trên có khá nhiều vấn đề liên quan đến Luật Nhà ở hiện hành được kiến nghị sửa đổi.
 
Song, ở dự thảo luật công bố xin ý kiến đóng góp mới đây chỉ có hai vấn đề được thể hiện.
 
Thứ nhất là sửa đổi khoản 1 điều 123 về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại từ "sử dụng diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng hợp pháp để xây dựng nhà ở thương mại" thành “sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sang làm đất ở".
 
Nội dung thứ hai là bãi bỏ điều 171 của Luật Nhà ở. Điều này quy định về hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở.
 
Theo quy định tại điều này, các dự án đầu tư ngoài hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công hay Luật Đầu tư đều còn phải có thêm một số giấy tờ.
 
Như văn bản đề nghị chấp thuận chủ trương dự án xây dựng nhà ở, hay bản vẽ quy hoạch chi tiết khu vực có dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
 
Cả hai nội dung sửa đổi và bãi bỏ nói trên đều nằm trong các kiến nghị do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tập hợp.
 
Kiến nghị từ VCCI còn liên quan đến điều 161 về sở hữu nhà của người nước ngoài.
 
Điểm c khoản 2 của điều này quy định đối với cá nhân nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của Chính phủ nếu có nhu cầu.
 
Kiến nghị từ VCCI cho rằng cần sửa đổi khoản này để tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam theo huớng các giao dịch không bị hạn chế thời hạn 50 năm. Đồng thời đề nghị bổ sung quy định cho phép gia hạn sau 50 năm nếu người nước ngoài có visa lâu dài hoặc hợp đồng làm việc dài hạn tại Việt Nam.
 
Tuy nhiên, phần này không có trong nội dung sửa đổi Luật Nhà ở.
 
Theo VnEconomy

Ý kiến bạn đọc