Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Không thể tiếp tục dựa vào ưu đãi của thiên nhiên

09:31, 27/09/2016
|

(VnMedia) - “Chúng ta cần thay đổi tư duy phát triển. Không thể tiếp tục dựa vào sự ưu đãi của thiên nhiên ban tặng mà cần dựa vào trí tuệ, tri thức và công nghệ để phát triển bền vững” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói...

Trần Hồng Hà
Bộ trưởng Trần Hồng Hà

Ngày 26/9 tại TP. Cà Mau đã diễn ra Hội nghị về thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã từng là vùng đất trù phú mang lại sinh kế lâu đời cho người dân nơi này, nhưng hôm nay, ĐBSCL đang bị đe dọa nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng cũng nêu lên những vấn đề hiện hữu như bờ biển bị xâm thực và mặn hóa ngày càng xâm nhập sâu; việc tăng cường các hoạt động khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn và nhất là hoạt động khai thác thủy điện trên dòng chính sông Mê Công đã làm ảnh hưởng đến dùng chảy, làm chuyển nước sang lưu vực sông khác, làm trầm trọng thêm nguy cơ cạn kiệt nguồn nước...

“Vì vậy, chúng ta cần thay đổi tư duy phát triển. Không thể tiếp tục dựa vào sự ưu đãi của thiên nhiên ban tặng mà cần dựa vào trí tuệ, tri thức và công nghệ để phát triển bền vững. Biến thách thức do biến đổi khí hậu để ĐBSCL phát triển lâu dài” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, ĐBSCL phải thích ứng với BĐKH, thích ứng với xâm ngập mặn và cần coi đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội trong phát triển. Phải thích ứng với việc không có lũ hàng năm, thích ứng với ngập mặn và thiếu nước ngọt.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng, ĐBSCL phải chủ động nguồn nước ngọt, đồng thời đề xuất các biện pháp, phương án cụ thể để ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có việc triển khai hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên nước.

“ĐBSCL phải thay đổi phương thức sản xuất, cần lựa chọn mô hình phát triển thay thế quy trình sản xuất cũ bằng mô hình sản xuất mới, đặc biệt là phát triển dựa trên các mô hình kinh tế dựa trên nước mặn, nước lợ và nước ngọt… ” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà gợi ý.

Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Chủ nhiệm Chương trình Nhà nước điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL cho rằng, bên cạnh việc phải có nhận thức rõ hơn nước không còn là vô tận nên phải sử dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả, cũng cần phải coi nước mặn không phải là 'kẻ thù' mà là một dạng tài nguyên, như một số nước đã làm.

GS Trân dẫn chứng, Hà Lan trồng khoai tây trên vùng đất mặn, Israel cung cấp nước ngọt từ nước biển, đến năm 2020, tại quốc gia này, nước ngọt được chế biến từ nước biển sẽ chiếm tới 25% tổng lượng nước ngọt....

“Trong lưu vực sông Mekong gồm có 6 nước, nhưng chỉ duy nhất ĐBSCL là tiếp giáp với biển, đây là một nét đặc thù, thì tại sao từ thách thức này, mình không biến nó thành lợi thế, là thời cơ để phát triển, mà phải chống lại nó?” - GS Nguyễn Ngọc Trân đặt vấn đề.

Đặc biệt, GS Trân cho rằng, quốc tế và Việt Nam cần phải thay đổi nhận thức, phải xem nước sông Mekong là tài sản chung của các quốc gia trong lưu vực và nước ngọt không còn là của “trời cho”.

Cùng quan điểm với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, GS Trân cho rằng, tại vùng phải chung sống với nước mặn, nên xem nước mặn là một dạng tài nguyên cần được khai thác.

Cần bình tĩnh, không hoang mang

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, thách thức về biến đổi khí hậu tại ĐBSCL không phải hiện tượng cực đoan, nhất thời mà có tính bản chất, mức độ nghiêm trọng tác động sâu sắc tới sản xuất, đời sống, môi trường, trật tự an toàn xã hội của vùng. Tuy nhiên, ông cũng đồng ý với các nhà khoa học rằng, bên cạnh thách thức thì vẫn có cơ hội để phát triển.

“Cần bình tĩnh, không hoang mang vì người dân có truyền thống thích ứng với tự nhiên, có sự quan tâm của cả nước và giúp đỡ của quốc tế” - Phó Thủ tướng nói nhưng cũng nhấn mạnh “cần tuyệt đối không chủ quan và phải tính tới cả tình huống xấu nhất"

"Nếu 3 vấn đề nước biển dâng, lũ về ít và muộn, sụt lún nền đất xảy ra cùng lúc thì có thể xóa sổ nỗ lực của chúng ta” - Phó Thủ tướng cảnh báo.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải cập nhật kịch bản BĐKH, có tính tới cả cấp huyện và tích hợp kịch bản này vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, hàng năm, đặt trong tái cơ cấu nền nông nghiệp để thích ứng, ứng phó với tác động tiêu cực của BĐKH.

Việc thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, Phó Thủ tướng yêu cầu phải đồng bộ, phát huy vai trò của các bộ, ngành, địa phương và dựa vào cộng đồng dân cư; thúc đẩy nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật tạo ra các cây, con thích ứng với hạn, mặn.

Đối với các công trình kiểm soát mặn và trữ ngọt, Phó Thủ tướng cho rằng không thể không làm vì liên quan tới kiểm soát, bảo đảm trữ ngọt cho cả bán đảo Cà Mau và tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ. Nhưng Phó Thủ tướng cho rằng các bộ phải tính toán giải pháp công trình để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tới sinh thái và văn hóa của vùng.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc