Tốc độ của bão số 3 bị triệt tiêu rất nhanh khi vào bờ

17:59, 20/08/2016
|

(VnMedia) - "Bão số 1 vào càng gần thì càng mạnh, thời gian lưu bão 8-10 tiếng, còn bão số 3 từ lúc hình thành cho đến lúc đầu tiếp cận bờ biển đều đúng tốc độ dự báo, nhưng vào trong đất liền thì tốc độ bị triệt tiêu rất nhanh." - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết.

Cường
Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp rút kinh nghiệm phòng chống cơn bão số 3 - ảnh: Tuệ Khanh

Sáng 20/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp rút kinh nghiệm trong việc dự báo, phòng và chống cơn bão số 3. Một số ý kiến cho rằng, cần khắc phục sớm chất lượng công tác dự báo...

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho biết, cơn bão số 3 đã làm 1 người chết (Sơn La) và một người mất tích (Bắc Giang). Trong khi đó, tại Hà Nội có 3 người bị thương trong cơn bão. Về vật chất, có 13 ngôi nhà bị đổ sập hoặc cuốn trôi, 287 nhà bị tốc mái, hư hại; 117 nhà bị ngập nước, hơn 5.800 ha lúa và  hoa màu bị ngập úng...

Theo đánh giá của Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Biên phòng, đối với cơn bão số 3, cơ chế chỉ đạo, vận hành... từ Chính phủ đến các địa phương đã làm rất tốt, rất quyết liệt. Việc chống bão đã thành bài bản, tuy nhiên, vấn đề là dự báo chưa ngang tầm với đặc điểm của một đất nước nhiều mưa bão như Việt Nam.

“Đất nước ta tình hình bão lũ thiệt hại hàng năm lớn như vậy, nhưng dự báo chưa ngang tầm tính chất phức tạp, đặc điểm của đất nước mình. Cần phải nhìn thẳng vào sự thật là công tác dự báo của chúng ta phải được quan tâm hơn, vì dự báo là rất quan trọng.” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam nói đề nghị nhà nước phải đầu tư để công tác dự báo ngang tầm với đặc điểm khí hậu của đất nước, với thiệt hại. 

Thiếu tướng
Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Biên phòng - ảnh: Tuệ Khanh
 

Hà Nội thiệt hại nhiều hơn vùng biển

Phát biểu tại buổi rút kinh nghiệm, đại tá Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đánh giá, việc chỉ đạo phòng chống bão ở các tỉnh ven biển trong cơn bão số 3 vừa qua là rất quyết liệt và hiệu quả, thiệt hại ít, nhưng trong các đô thị lại thiệt hại nhiều hơn, ví dụ như Hà Nội.

“Tôi thấy cảnh báo ở Hà Nội là chưa được. Tối ngày hôm qua mới có tin nhắn cảnh báo người dân không ra đường trong khi lúc đó bão tan rồi. Còn trong lúc mưa dông, bão giật đúng giờ tan tầm buổi trưa thì người đi đường vẫn nườm nượp, thậm chí có đoạn tắc nghẽn. Có lẽ các cơ quan nhà nước, xí nghiệp... chưa nhận được sự cảnh báo, học sinh vẫn tan học về, rất nguy hiểm. Nếu cây đổ thì không có đường mà tránh. Cây đổ ở Hà Nội nhiều hơn các địa phương khác, rồi nhà cao tầng, góc xoáy..., khiến cho thiệt hại nặng hơn. Nhiều lần đã như vậy, cây đổ chết người, đè bẹp xe..., Phải lưu tâm đến công tác chỉ đạo chứ chiều qua Hà Nội mới họp trực tuyến về chống bão.” – Đại tá Nguyễn Anh Dũng nói.

Ông Dũng cũng cho biết thêm, hiện nay UBQG tìm kiếm cứu nạn vẫn duy trì lực lượng, sẵn sàng ứng cứu, chuyển hướng từ ven biển lên các vùng núi để ứng phó mưa lũ, lở đất... khi có yêu cầu.

“Đề nghị các địa phương này trong phòng chống mưa lũ cũng phải làm như vùng biển trong phòng chống bão, chứ đến giờ phút này vẫn chưa thấy phương án di dân,...” – Đại tá Dũng sốt ruột  nói.

Cần phải nâng cao cơ sở vật chất

Chủ trì cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phân tích: Cơn bão số 3 hình thành với một thời gian khá dài, từ Thái Bình Dương vào Quảng Đông rồi “ngóc ngược" trở lại, rất phức tạp.

“Tuy nhiên, về tổng thể, sau khi hình thành cơn bão từ cuối ngày 15/8 và diễn biễn 3 ngày trọng điểm hình thành ở biển Đông của cơn bão số 3 thì thấy rằng dự báo hướng, dự báo tốc độ, dự báo phạm vi, dự báo khu vực đổ bộ, lượng mưa..., về tổng thể là xử lý được. Trung tâm dự báo đã dự báo và phối hợp với các cơ quan truyền thông bám sát diễn biến của bão.” – ông Cường khẳng định.

Lắng nghe ý kiến của các đại biểu, ông Nguyễn Xuân Cường kết luận 3 điểm cần chú ý. Thứ nhất, phải tham chiếu thêm dữ liệu và kết quả xử lý dự báo của quốc tế.

“Tôi rất chia sẻ, các đồng chí đã cảnh báo có dẫn chiếu của Trung Quốc, tham chiếu từ dự báo của Nhật, của Mỹ, đến tình hình cụ thể của ta để xử lý. Đây là đã bước rất cố gắng, nhưng vẫn cần phải mạnh dạn thêm, có cái dùng kinh nghiệm, có cái kết hợp, có cái xử lý và nhất là rút kinh nghiệm đòi hỏi phải nâng cao hơn cơ sở vật chất.” – ông Cường nói.

Điểm thứ hai được Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai lưu ý, đó là phải xem xét, phân tích xem tại sao cơn bão số 1 vào càng gần thì càng lớn, thời gian lưu bão 8-10 tiếng, nhưng cơn bão số 3 lúc đầu tiếp cận bờ biển đúng tốc độ dự báo, nhưng vào trong đất liền thì tốc độ bị triệt tiêu rất nhanh. Lõi lại có những vùng có gió to hơn.

Thứ ba, ông Cường cũng nhấn mạnh, cần đặc biệt chú ý khi xu thế hiện nay, vùng đô thị sẽ bị tổn thương nặng kể cả khi chỉ gió cấp 6 cấp 7 kết hợp mưa lớn.

Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng đánh giá, tổng thể, khâu dự báo, khâu phối hợp thông tin để cung cấp thông tin, đã được thực hiện rất tốt. Đặc biệt, chưa có cơn bão nào được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị như vậy trong một thời gian ngắn như vậy.

“Cơn bão số 2 xảy ra sau chỉ ít ngày xảy ra bão số 1 – số 2, Ít thiệt hại không phải do bão nhẹ mà do chỉ đạo quyết liểt nghiêm túc. Các cấp địa phương đã vào cuộc, lực lượng Quốc phòng tập trung cùng. 4 tỉnh có bão đổ bộ trực tiếp không có thiệt hại về người.” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng đánh giá cao công tác tiêu úng để hạn chế thiệt hại cho nông nghiệp. Riêng vùng Đồng bằng Sông Hồng, trong đó có các vùng trũng.

“Đặc biệt là 4 tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam có 216.000ha lúa bị ngập sâu trong bão số 1, nếu cơn bão số 3 mà không được ứng cứu kịp thời, không tích cực thì số diện tích bị ngập rất lớn.” – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói.

Ông Cường cũng đánh giá cao sự chủ động của EVN khi ứng cứu tại chỗ các khu vực có trạm bơm.

Trao đổi thêm với VnMedia bên lề cuộc họp, thiếu tướng Nguyễn Văn Nam khẳng định: “Dự báo cơn bão số 3 về hướng đi, lượng mưa đã đúng, thời điểm bão vào Vịnh Bắc bộ rất đúng nhưng diễn biến cơn bão rất phức tạp, đó là khi đi vào bờ thì nhanh chóng hẫng hụt về năng lượng, dẫn đến người ta nhầm lẫn là dự báo không chính xác. Nhưng cấp độ cũng không được sát với thực tế, không đến cấp 12 như dự báo. Tuy nhiên, việc sai sót là không đáng kể, cơ bản là dự báo tốt. Những cái bất ngờ như vậy có thể khắc phục đồng bộ cả hai mặt, là trang bị kỹ thuật, con người và cơ chế.”

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc