Thủ tướng: Dừng tất cả các cuộc họp để tập trung chống bão

19:51, 18/08/2016
|

(VnMedia) - Chỉ đạo tại cuộc làm việc với Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia chiều 18/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu từ ngày mai dừng tất cả các cuộc họp từ Trung ương đến địa phương để chống bão, cứu tính mạng và tài sản của nhân dân...

Thủ tướng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc với Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia - ảnh: Tuệ Khanh

Hà Nội có gió giật tới cấp 9, mưa 200mm

Chiều 18/8, ngay sau khi có mặt tại Yên Bái để chỉ đạo xử lý vụ trọng án sát hại Bí thư, Chủ tịch HĐND tỉnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trở về Hà Nội và có cuộc làm việc với Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia về vấn đề phòng chống cơn bão số 3.

Báo cáo Thủ tướng, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm cho biết, dự báo đến khoảng 4 giờ sáng mai (19/8), vị trí tâm bão sẽ ở trên vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12-14.

Từ tối nay (18/8), do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6-8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-14, sóng biển cao từ 4-6m. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, đi vào đất liền với sức gió mạnh nhất cấp 10, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-14.

Đến 16 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa.

Từ sáng mai (19/8), khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 8-10, giật cấp 12-14. Các nơi khác thuộc vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Nghệ An, Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-11. Vùng ven biển từ Nam Quảng Ninh đến Nam Định có nước dâng bão kết hợp thủy triều cao 3-4m. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Đêm 19/08-sáng 20/08, vùng sâu trong đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Thanh Hóa-Nghệ An có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11.

Riêng Hà Nội dự báo sẽ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, mưa 200mm.

Vùng ven biển Hải Phòng-Thanh Hóa được dự báo có nước dâng bão 1m, cộng thủy triều cao và sóng thành mực nước biển dâng tổng cộng 3-4m, sóng biển cao 3-5m. Nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống đê biển.

Về mưa, dự báo trung bình khoảng 200-300mm, có nơi trên 400mm như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nam Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Mưa tập trung từ đêm 18/8 đến hết ngày 20/8:

Đỉnh lũ sông Thao, sông Cầu, sông Thương, sông Hoàng Long, sông Bằng Giang: mức báo động II; sông Lục Nam, sông Kỳ Cùng và các sông suối nhỏ trên thượng lưu sông Hồng- Thái Bình:  mức báo động III.

Lũ thượng nguồn sông Mã, sông Bưởi lên trên mức báo động II, hạ lưu lên báo động I - báo động II; sông Cả, Chu, La lên mức báo động I và trên mức báo động I.

Nguy cơ cao lũ ống, lũ quét, sạt lở đất:  Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh;  Nguy cơ ngập úng: đồng bằng Bắc Bộ và vùng trũng thấp ở Bắc Trung Bộ...

Ông Cường cũng cho biết, Trung tâm đã tham khảo các dự báo của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc, tiến hành trao đổi nghiệp vụ thường xuyên với CMA (Cơ quan khí tượng Trung Quốc) để thảo luận về thời điểm mạnh lên của bão, khu vực bão ảnh hưởng, diễn biến mưa của bão số 3 (Dianmu).

Làm rõ hơn thông tin, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, vừa qua, Trung tâm đã có cải thiện quan hệ với Tổng cục dự báo khí tượng thủy văn của Trung Quốc vì thông tin từ phía Trung Quốc nhiều hơn của Việt Nam và hợp tác này hai bên cùng có lợi. 

“Cơn bão số 3 này, chúng tôi hứa với Thủ tướng sẽ xem xét với trách nhiệm cao nhất, thông tin tốt nhất để dự báo tối thiểu trước 3 tiếng để di dân, phòng ngừa thiệt hại.” – Bộ trưởng nói, đồng thời thông tin thêm, về phạm vi đổ bộ, bán kính ảnh hưởng, tốc độ gió..., bản tin mới đã cập nhật, dễ hiểu hơn, dễ hình dung được mức độ sẽ ảnh hưởng. Ngoài ra, hiện đã có nghiên cứu đánh giá bản đồ lũ ống lũ quét và bản tin dự báo sẽ gắn với bản đồ dự báo lũ ống lũ quét, gắn với an toàn hồ chứa...

Dừng các cuộc họp, đảm bảo tính mạng cho người dân

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Thủ tướng nhận định, bão số 3 là cơn bão mạnh, nhanh, đi sâu vào đất liền và kéo dài, nguy cơ gây vỡ đê rất cao vì vừa trải qua cơn bão số 1 với thiệt hại nặng nề. Lo lắng trước dự báo mưa lớn, Thủ tướng nhấn mạnh: “Lúa vụ đông này đã ngập sau bão số 1, bây giờ mới gượng dậy, nếu mưa ngập nữa thì sẽ rất nguy hại. Nông nghiệp của chúng ta sau mấy chục năm đã bị âm 1,8%. Đồng bằng Bắc Bộ là trung tâm vựa lúa, nếu ngập tiếp thì sẽ rất nguy hại”.

Thủ tướng yêu cầu ngành điện lực phải chỉ đạo cấp điện thường xuyên, khắc phục nhanh các trung tâm bơm lớn để xả nước, nếu cần thiết thì phải bố trí trạm bơm trung gian để hỗ trợ những vùng có nguy cơ bị ngập kéo dài, chia cắt.

“Ngành điện lực phải quán triệt để khắc phục nhanh. Đừng để bão hết một ngày rưỡi rồi mà chưa có điện, đặc biệt là đường dây phục vụ tram bơm lớn”- Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời lưu ý tình trạng mưa lớn dễ dẫn đến sạt lở núi, chết người, "đảm bảo tính mạng người dân là quan trọng nhất."

Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu mọi ngành, từ hàng không, du lịch... cần phải quan tâm, dừng các chuyến bay không cần thiết, các tua du lịch đến Sapa..., chỉ đạo thông tin đầy đủ.

"Tôi đã quyết định cử 3 Phó Thủ tướng và các bộ ngành liên quan trực tiếp đi các địa phương trọng điểm mà bão dự kiến đổ bộ để trực tiếp đôn đốc, chỉ đạo, ở luôn tại đó để chỉ đạo những mệnh cần thiết nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Nếu bão lớn triều cao, cần thiết phải di dời dân kịp thời. Phải có phương án dự phòng " - Thủ tướng cho biết.

“Từ ngày mai dừng tất cả các cuộc họp từ Trung ương đến địa phương để dành thời gian cứu tính mạng, tài sản của  nhân dân, sẵn sàng ứng cứu những vị trí xung yếu, nguy hiểm” - Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu các cấp ngành thường xuyên công bố thông tin kịp thời đến nhân dân, tránh tình trạng chủ quan không nắm được tình hình, có những hành xử không đúng mức gây thiệt hại tính mạng của nhân dân.

Cần quan tâm chính sách, chế độ cho ngành Khí tượng thủy văn

Nhân buổi làm việc, Thủ tướng đã gửi lời thăm hỏi tới tất cả cán bộ nhân viên từ trung ương đến các tỉnh, các khu vực, trạm quan trắc... trong hệ thống Khí tượng thủy văn, bởi “các đồng chí đáng được thăm hỏi chu đáo vì vất vả rất nhiều.”

“Các đồng chí có vinh dự dự báo trước cơn bão, thiên tai để làm định hướng cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước có biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Đây là công việc rất thiết thực, đòi hỏi trí tuệ cao, trách nhiệm lớn để có một dự báo tương đối chính xác trước khi chỉ đạo phòng chống, khắc phục. Nếu khâu này làm tốt thì việc chỉ đạo mới có hiệu quả cao” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Biểu dương “sự cố gắng lớn lao” của cán bộ công chức, kỹ sư, lãnh đạo toàn ngành... trong công tác khí tượng thủy văn, Thủ tướng đánh giá, đây là lĩnh vực cần tập trung cao hơn, nhiều hơn nữa trong chỉ đạo, trang bị, chính sách chế độ... để anh em có điều kiện làm tốt hơn nữa nhiệm vụ quan trọng này đối với đất nước.

“Đất nước ta sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa, nhất là trong điều kiện khí hậu cực đoan, đòi hỏi phải đặt vấn đề cao hơn trong dự báo khí tượng thủy văn” – Thủ tướng nói.

Ghi nhận ngành Khí tượng thủy văn đã có cải thiện khi phối hợp, lắng nghe các nguồn tin khác nhau để dự báo tương đối kịp thời chính xác, Thủ tướng chia sẻ: “Nếu cần hỗ trợ gì để trang bị và hợp tác quốc tế thì Thủ tướng Chính phủ sẵn sàng tạo mọi điều kiện để các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ rất nặng nề mà Đảng và lãnh đạo nhà nước giao cho”.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc