Thảm sát kinh hoàng ở Lào Cai: Hung thủ đối mặt án tử

09:27, 11/08/2016
|

(VnMedia) - Liên quan đến vụ thảm sát kinh hoàng khiến 4 người chết tại Lào Cai, luật sư cho biết hành vi phạm tội của đối tượng gây án đã phạm Tội giết người và phải chịu mức án cao nhất là tử hình...

Trước đó, vào khoảng 21 giờ ngày 9/8/2016, vợ chồng ông Tẩn Sài Dìn (SN 1968, dân tộc Dao, trú tại thôn Phìn Ngan) và con trai Tẩn Ông Nải (1994) đi làm nương về nhà thì phát hiện chị Tẩn Tả Mẩy (SN 1994, vợ anh Nải) cùng 3 cháu nội còn rất nhỏ đã mất tích. Đồng thời, đồ đạc trong nhà cũng bị lục lọi, xáo trộn và mất hơn 10 triệu đồng.

Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường. Ảnh: Báo Lào Cai.
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường. Ảnh: Báo Lào Cai.

Sau khi tìm kiếm không có kết quả, gia đình ông Dìn đã báo với lực lượng biên phòng và công an xã ngay trong đêm. Nhận được tin, các lực lượng chức năng và người dân địa phương tổ chức tìm kiếm đến khoảng 8 giờ ngày 10/8 thì phát hiện 4 thi thể của chị Mẩy và các cháu nhỏ đã bị sát hại dã man. Thi thể chị Mẩy bị dìm dưới ao nước cách nhà 100m. Thi thể các cháu Tẩn Mai Phương (SN 2014), Tẩn Thuỳ Chi (SN 2010) cùng con gái thứ hai của anh Nải và chị Mẩy mới được 28 ngày tuổi và chưa kịp đặt tên bị dìm dưới lòng suối và dưới mương cách đó không xa. Cả 4 thi thể đều bị kẻ thủ ác dùng đá chèn lên người ở nhiều bộ phận.

Trao đổi với VnMedia về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: vụ án trên với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (4 người bị sát hại tàn bạo trong đó có 1 người mẹ và 3 cháu trẻ nhỏ). Đây là những người yếu thế không có khả năng tự vệ trước sự tấn công của hung thủ. Cho dù có bất cứ lý do hay mâu thuẫn gì với gia đình hay nạn nhân thì hành vi tước đoạt tính mạng của cả 4 mẹ con là hành vi vô cùng tàn ác với đồng loại, không còn tính người của đối tượng gây án. Hành vi đó đã xâm phạm quyền được sống là quyền cao quý nhất của con người được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ.

Bên cạnh đó, đối tượng đã tàn ác vô cớ tước đoạt đi sinh mạng của các cháu bé còn rất nhỏ tuổi. Trẻ em là đối tượng đặc biệt được pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em bảo hộ.

Điều 6. Công ước LHQ về quyền trẻ em ghi nhận: mọi trẻ em đều có quyền vốn có là được sống. Và các Quốc gia thành viên phải bảo đảm đến mức tối đa có thể được sự sống còn và phát triển của trẻ em.

Điều 19 Hiến pháp 2013 qui định: Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.

Qua các thông tin báo chí đưa tin, thi thể chị Mẩy có dấu hiệu tác động bởi vật cứng ở phần đầu gây sưng tấy, có dấu hiệu tử vong do bị ngạt nước. Ba cháu nhỏ đều có dấu hiệu tử vong do bị dìm dẫn đến ngạt nước. Như vậy, nguyên nhân chết của các nạn nhân là do hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của đối tượng gây án đã thực hiện tội phạm đến.

Theo thông tin ban đầu, nhà cửa bị lục lọi, đồ đạc vứt ngổn ngang và theo khai báo của thân nhân những người bị hại, gia đình bị lấy mất khoảng hơn 10 triệu đồng. Đây là căn cứ để xác định động cơ mục đích giết người của hung thủ gây án (giết người để thực hiện tội phạm khác hay giết người vì mâu thuẫn cá nhân mà liền sau đó lại thực hiện một tội rất nghiêm trọng). Dù cho đối tượng có động cơ mục đích chiếm đoạt tài sản trước hay sau khi thực hiện hành vi giết người thì đều phải chịu trách nhiệm về Tội cướp tài sản.

Theo quan điểm của luật sư Thơm, trong vụ án này nhiều khả năng đối tượng gây án đã có quan hệ với gia đình nạn nhân và có mâu thuẫn phát sinh nên do thù tức đã đang tâm ra tay sát hại cả 04 mẹ con. Sau khi thực hiện hành vi giết người, đối tượng đã lục soát nhà lấy tiền nhằm mục đích để bỏ trốn. Đối tượng đã lên kế hoạch trước và tìm hiểu rõ qui luật sinh hoạt của gia đình đợi thời cơ ra tay sát hại khi không có người đàn ông nào ở nhà.

Khi thực hiện hành vi truy sát 4 mẹ con, đối tượng đã bình tĩnh dìm các nạn nhân dưới lòng suối và dùng đá chèn lên nhiều bộ phận cơ thể nhằm che dấu hành vi phạm tội. Trong quá trình khám nghiệm hiện trường, Cơ quan điều tra còn phát hiện cửa bếp có cài một khẩu súng kíp đã lên đạn của đối tượng để lại.

Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Nghị định 25/2012/NĐ-CP ngày 05/4/2012 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì súng Kíp được coi là vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng khi sử dụng có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ đối với con người, thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến môi trường.

Như vậy, hành vi sử dụng súng đã xâm hại đến khách thể được Bộ luật hình sự bảo vệ đó là chính sách độc quyền quản lý về vũ khí của Nhà nước, trực tiếp xâm phạm trật tự, an toàn công cộng, tính mạng sức khỏe, tài sản của công dân và tổ chức.

Từ những nhận định nêu trên, theo quan điểm của luật sư, hành vi phạm tội của đối tượng gây án đã phạm Tội giết người; Tội cướp tài sản; Tội sử dụng vũ khí quân dụng. Tội phạm và hình phạt được qui định tại điểm a, c, e, n Khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự;  Khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự và Khoản 1 Điều 230 Bộ luật hình sự.
 
Hình phạt nghiêm khắc nhất loại trừ đối tượng ra khỏi đời sống xã hội cũng chưa thể xóa đi sự mất mát cho gia đình nạn nhân và sự căm phẫn trong dư luận xã hội bởi sự tàn độc, phi nhân tính của đối tượng gây ra thảm án cho vùng quê nghèo miền núi thanh bình…
 
Điều 93. Tội giết người 
 
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
 
a) Giết nhiều người;
 
c) Giết trẻ em;
 
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
 
n) Có tính chất côn đồ;
 
Khánh Công

Ý kiến bạn đọc