Hà Nội nói gì về nguyên nhân khiến gần 3.000 cây xanh gẫy đổ?

16:45, 02/08/2016
|

(VnMedia) - Nói về việc gần 3.000 cây trong các quận nội thành Hà Nội bị đổ gẫy trong cơn bão số 1 vừa qua, Sở Xây dựng cho là có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân liên quan đến kỹ thuật và chất lượng trồng cây...

Theo thống kê chưa đầy đủ, số lượng cây gãy đổ, nghiêng trên địa bàn 12 quận nội thành là khoảng trên 2.965 cây, trong đó có 39 cây xà cừ đường kính lớn bị đổ gẫy ngang đường, cản trở giao thông hoặc đổ nghiêng đè vào nhà dân. Ở một số tuyến, cây xanh gẫy đổ đè lên đường dây, cáp điện, làm bật vỉa hè và các ống cáp ngầm dẫn đến mất điện sinh hoạt và điện chiếu sáng đường phố...

Về nguyên nhân khiến cây đổ, đại diện Công ty Công viên Cây xanh cho rằng, bão số 1 có cường độ gió giật quá mạnh (cấp 10, cấp 11 trong 3-4 tiếng đồng hồ), kèm theo mưa lớn của Hà nội là một trong những nguyên nhân hút gió, làm tăng tốc độ gió ở những khu vực gần nhà cao tầng). “Đây thực sự là nguyên nhân bất khả kháng đối với hệ thống cây xanh Hà Nội đã trải qua nhiều năm không được quan tâm thích đáng”.

Quá trình cải tạo, chỉnh trang hè, vỉa hè Hà Nội trong những năm trước đây (hạ ngầm hệ thống điện, cáp thông tin, cải tạo  hệ thống thoát nước, cải tạo mặt hè, chỉnh trang đô thị) đã xâm hại hệ thống rễ của cây xanh đường phố; các rễ phát triển ngang của cây thường bị chặt đứt trong quá trình cải tạo, chinh trang hè, vỉa. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho cây dễ bị đổ khi có tác động của các đợt gió và lốc xoáy.

Mực nước ngầm của Hà Nội cao, ô nhiễm nước ngầm ngày càng tăng trong thời gian gần đây làm cho hệ thống rễ cây khó phát theo chiều sâu, các rễ cây phát triển ngang, mà các rễ cây này hay bị cắt đứt do cải tạo hè, vỉa là nguyên nhân làm đổ cây.

Hà Nội có nhiều nhà cao tầng nên không gian sống của cây xanh đường phố bị thu hẹp, cây thường có xu  hướng nghiêng ra phía mặt đường để lấy ánh sáng. Đây là yếu tố gây lên các hiện tượng cây bị nghiêng, làm mất cân bằng giữa tán cây và hệ rễ cây là một trong các nguyên nhân làm cây đổ khi có gió bão.

Võ Nguyên Phong
Ông Võ Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội giải thích về nguyên nhân hàng nghìn cây xanh gẫy đổ

Cây bật gốc đều là cây đã trồng cách đây 2 năm

Trả lời câu hỏi của phóng viên VnMedia về việc có hay không nguyên nhân kỹ thuật, chất lượng trồng cây khiến nhiều cây xanh bị bật gốc trong bão, đặc biệt là có một số cây nhỏ mới trồng, cũng như đơn vị chịu trách nhiệm về việc này, ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Sở Xây dựng là cơ quan quản lý, còn việc duy trì thì trước đây Thành phố phân cấp cho nhiều đầu mối, nhiều đơn vị trồng chăm sóc.

Từ cuối năm 2015, Chủ tịch Thành phố đã có chỉ đạo để khắc phục tồn tại hạn chế thời gian trước, tăng cường năng lực của Công ty Công viên Cây xanh về chăm sóc, trồng mới.

"Trước đây một số địa bàn do UBND quận trực tiếp quản lý, thuê các đơn vị trồng và chăm sóc nên có chuyện xảy ra là có một số cây trồng bị bật gốc trong cơn lốc tháng 6/2015 và cơn bão số 1 vừa qua, bộc lộ hiện tượng vẫn còn bầu ni-lông" - ông Phong thông tin.

Về quy trình, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đối với các đơn vị do sở Xây dựng thực hiện đều theo đúng quy trình 6310, trong đó có việc tháo bọc vỏ lưới.

Thứ hai là để đảm bảo thống nhất quy trình trồng cây bóng mát, sở Xây dựng đã xây dựng quy trình, xin ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia, học viện lâm nghiệp, trong thời gian tới sẽ ban hành. "Quy trình này gồm 7 bước, trong đó có việc tháo bầu với loại không tự tiêu" - ông Phong cho biết.

Ngoài ra, trong quy trình trồng cây bóng mát, Công ty sẽ đề xuất một số loại cây phù hợp nhất với thổ nhưỡng, khí  hậu của Hà Nội và xin ý kiến các nhà khoa học;

Làm rõ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh, đơn vị chủ lực của Thành phố trong vấn đề trồng, chăm sóc cây xanh đô  thị khẳng định, việc trồng cây của công ty và những đơn vị khác đều thực hiện theo đúng quy trình, sau đó chuyển giao cho đơn vị duy trì trong 5 năm, nếu đổ gẫy thì đơn vị tự chịu kinh phí, nhà nước không chịu kinh phí.

Ông Hưng cũng khẳng định, những cây bị bật gốc vừa qua, mới nhất cũng là những cây đã trồng cách đây khoảng 2 năm, còn những cây mới trồng trong thời gian gần đây thì không cây nào đổ.

Về việc trồng cây phượng, ông Hưng cũng khẳng định, đây là cây đô thị đã được quy định trong Thông tư của Bộ Xây dựng và Quyết định 19 của Thành phố. Tùy theo từng thời điểm, tuyến đường, nếu có nhà tài trợ thì ngân sách Thành phố chỉ phải chi công trồng và các chi phí phụ. 

Tiếp tục trả lời câu hỏi của phóng viên về một số ý kiến cho rằng cây trồng nông nên dễ bị bật gốc đổ, Phó Giám đốc sở Võ Nguyên Phong cho biết, về quy trình, bầu cây chỉ được phép cách mặt đất 5cm để cây hấp thụ dinh dưỡng chứ không phải là trồng nông không đúng kỹ thuật.

"Vừa qua, Thành phố đã cử 30 cán bộ đi Côn Minh (Trung Quốc) để học tập về kỹ thuật trồng cây nhằm nâng cao chất lượng trồng, cắt tỉa và chăm sóc cây xanh" - ông Phong cho biết.

Về giải pháp khắc phục những tồn tại, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục cắt sửa cây đảm bảo mỹ thuật, hạ độ cao để đảm bảo an toàn với các chủng loại cây, đặc biệt là cây muồng và cây xà cừ bởi trong thời gian vừa qua, tất cả những cây có đường kính lớn đã cắt sửa, hạ độ cao đã không bị đổ sau cơn bão như: xà cừ tại phố Quang Trung, Nguyễn Du, Điện Biên Phủ, Nguyễn Cảnh Chân, Lê Thái Tổ, Trần Nhân Tông, các cây sấu tại Đinh Tiên Hoàng, Ngô Quyền...

Công ty cũng kiến nghị nghiên cứu lựa chọn các loại cây phù hợp với đặc điểm đô thị Hà Nội, các cây có hệ rễ chịu được mực nước ngầm cao của Hà Nội, các cây chịu được cắt sửa đau, hạ thấp độ cao; Tăng cường công tác quản lý, chăm sóc cây bóng mát, chú trọng công tác xử lý các sâu bệnh hại chống các loại mối, mọt xâm nhập; Nghiên cứu giải pháp phát triển bộ rễ, sử dụng các loại thuốc kích rễ, các thiết bị dẫn rễ..., phù hợp với điều kiện của Hà Nội; Xem xét nghiên cứu tạo ra các bộ chống cọc chống lưu động, thực hiện tác chống đỡ các cây có nguy cơ gẫy đổ trước các cơn bão.

Về lâu dài, sẽ áp dụng đồng bộ các giải pháp xử lý ô nhiễm nguồn nước ngầm và đất đai Hà Nội để tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển bền vững của cây xanh đô thị.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc