Hà Nội: Nợ thuế, trốn thuế cao nhất nước

11:08, 02/08/2016
|

(VnMedia) - Nợ thuế và phí liên quan đến đất trên địa bàn còn lớn, với số nợ còn 23.000 tỷ, đứng đầu cả nước, chiếm 13% nguồn thu ngân sách; trong khi đó, doanh nghiệp nợ thuế từ năm 2015 đến nay không được công khai...

Nợ thuế cao nhất nước nhưng vẫn không công khai tên doanh nghiệp

Sáng nay (2/8), HĐND thành phố Hà Nội tiến hành phiên chất vấn trực tiếp tại hội trường. Vấn đề nợ thuế, trốn thuế được các đại biểu đặc biệt quan tâm nêu câu hỏi yêu cầu Thành phố giải đáp.

Đại biểu Vân Hoa (Tây Hồ) đặt câu hỏi: “Tại sao một số doanh nghiệp tuyên bố phá sản, trốn và từ bỏ cơ sở kinh doanh nhưng lại lập được một cơ sở kinh doanh khác? Để thực hiện tốt các giải pháp thu hồi thuế phí của các doanh nghiệp này thì UBND Thành phố có ý kiến gì? Liên quan đến tình hình thu thuế, đặc biệt với các doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, đề nghị Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội làm rõ bao nhiêu phần trong tổng số nợ, thuế không thu được đến từ các doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh? Cục thuế Hà Nội có nắm được bao nhiêu % số nợ thuộc về đối tượng được khoanh nợ và xóa nợ?

Đại biểu Trần Thị Vân Hoa cũng nêu lên một thực tế khó hiểu, đó là danh sách các doanh nghiệp nợ thuế phí đã được công bố trên trang web của sở Kế hoạch - Đầu Tư, nhưng chỉ tới năm 2014, "vậy trách nhiệm công bố thuộc về ai?”

Cũng chất vấn về vấn đề này, đại biểu Phạm Thanh Mai nói: “Tại phiên họp cuối năm 2015, đồng chí Nguyễn Đức Chung, khi đó là Giám đốc CATP Hà Nội khẳng định việc các doanh nghiệp bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh và trốn thuế gây ra những ảnh hưởng rất lớn. Các đồng chí đã khẳng định sẽ sớm điều tra nhưng qua giám sát thấy không có chuyển biến. 17 trường hợp phát sinh vẫn đang trong quá trình rà soát. Xin hỏi đồng chí Giám đốc CATP Hà Nội Đoàn Duy Khương, với quy trình phối hợp với ngành thuế, bao giờ việc xác minh sẽ kết thúc?”

nguyễn thanh mai
Đại biểu Phạm Thanh Mai

Trả lời về vấn đề nợ thuế, trốn thuế, Phó Tổng Cục trưởng Cục thuế Nguyễn Thế Mạnh cho biết, hiện nay, Cục thuế mới phối hợp với cơ quan CA để xác minh, điều tra và mới chỉ có 2 đơn vị, sang đầu năm sau cục thuế mới xác minh lại vì đang trong quá trình điều tra.

Phó Tổng Cục trưởng Cục thuế cũng cho biết, tổng số thuế mà DN bỏ trốn là 36 tỉ, số nợ là 1.551 tỉ đồng, các DN phá sản là hơn 2000 DN.

“Số liệu lớn này là từ năm 2006 đến giờ chứ không phải chỉ 1- 2 năm trở lại đây. Việc quản lý nợ bất cập như vậy vì có nhiều khoản khó thu, thậm chí là không thu được vì đơn vị bỏ trốn.” – ông Nguyễn Thế Mạnh thông tin.

Làm rõ hơn vấn đề này, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, khi về tiếp nhận cương vị Giám đốc, ông đã được báo cáo về tình hình nợ thuế, trốn thuế trên địa bàn Thành phố diễn ra rất phức tạp mà nguyên nhân đầu tiên và cũng là nguyên nhân rất quan trọng, đó là hệ thống luật chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp cơ hội để trốn thuế.

Trong khi đó, Bộ luật Hình sự hiện nay sửa đổi nhưng vừa bị tạm dừng để sửa đổi tiếp, đang chờ có hiệu lực, lúc đó mới tạo điều kiện cho các cơ quan điều tra vào cuộc xử lý nghiêm tội trốn thuế.

“Đây là nguồn thu của nhà nước, của chính quyền các cấp phục vụ cho hoạt động, trong khi đó ở một số đơn vị chức năng, lúc này lúc khác, nơi này nơi khác khâu quản lý chưa thực sự tốt. Đối với tội phạm trốn thuế, chúng tôi trông chờ vào cơ quan quản lý thuế báo sang, sau đó chúng tôi phải có quy trình kiểm tra xác minh chu đáo, giám định xem thiệt hại như thế nào, đáng xử lý hình sự hay chưa... Quá trình này thì gặp nhiều khó khăn vướng mắc, một là chuyên gia giám định, hai là kinh phí và ba là vấn đề thời gian. 6 tháng đầu năm, Công an Thành phố đã chuyển sang viện kiểm soát hai vụ trốn thuế. Đó là đã rất cố gắng” – Thiếu tướng Đoàn Duy Khương cho biết.

GĐ công an tp
Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội.

Sớm kết luận điều tra để xét xử công khai

Kết luận về vấn đề này, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đánh giá, hiện nay Hà Nội vẫn là đơn vị đứng đầu về nợ phí và đất, số đơn vị trốn khỏi địa chỉ kinh doanh vẫn còn và diễn biến phức tạp.

Với yêu cầu đưa số nợ về dưới 2%, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu cần tăng cường quyết liệt hơn để các đơn vị nghiêm chỉnh chấp hành nộp thuế. "Đề nghị ngành Thuế phối hợp với công an để xử lý các đơn vị vi phạm, phải sớm kết luận điều tra xem xét để công khai xử lý những đơn vị nợ thuế, vi phạm chính sách thuế" - Chủ tịch HĐND Thành phố nêu rõ.

Bà Ngọc đề nghị Thành phố phải giao chỉ tiêu thu hồi nợ cho các địa phương để thực hiện thu nợ thuế hiệu quả hơn, chứ "không nên cứ coi đây là việc của ngành Thuế".

Chủ tịch HĐND cũng đề nghị các đơn vị của Thành phố chấp hành kết luận của kiểm toán, tự phân tích các loại thuế của mình và xin ý kiến Trung ương để xử lý theo đặc thù của Hà Nội. “Quan trọng nhất là phân tích được nguyên nhân, khó ở chỗ nào, sau đó xin ý kiến, không phải cứ ngồi chờ luật”, Chủ tịch HĐND Thành phố nhấn mạnh.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc