Hà Nội: Lãnh đạo tranh luận "nảy lửa" về an toàn cháy nổ

09:00, 03/08/2016
|

(VnMedia) - "Trong báo cáo các đồng chí rất khả quan nhưng trong tái giám sát chúng tôi khẳng định rằng không phải như vậy, tôi nói sai hay Phó Chủ tịch báo cáo sai?” - đại biểu Nguyễn Hoài Nam đặt câu hỏi về công tác phòng cháy, chữa cháy ở Hà Nội.

tranh luận
Từ trái qua phải: ĐB Nguyễn Hoài Nam, GĐ Sở PCCC Hoàng Quốc Định, PCT TP Lê Hồng Sơn

Chiều qua (2/8), trong phiên thảo luận tại Kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội, đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP cho biết, thực tế ghi nhận chất lượng PCCC tại các khu tái định cư đều không đạt yêu cầu.

“Chúng tôi cũng đã có hình ảnh ghi lại và tất cả đều được nêu trong báo cáo kết luận số 42. Các đồng chí mà nhìn thấy clip chúng tôi quay lại thì sẽ thực sự sốc: không có tường cách ly trong hầm để xe giữa máy phát điện và khu vực để xe; không có thang cứu hộ, cứu nạn... Tuy nhiên, Thành phố chỉ dừng lại ở mức yêu cầu các công ty một thành viên giám sát chứ chưa có hành động cụ thể” – ông Nam nêu vấn đề, đồng thời đặt câu hỏi thẳng thắn: “Phó Chủ tịch UBND TP đã trực tiếp đi kiểm tra các khu tái định cư chưa?”.

Cùng mối quan tâm này, đại biểu Nguyễn Bích Thủy đặt câu hỏi về trách nhiệm xử lý các vi phạm sau kiểm tra của lực lượng PCCC, còn đại biểu Nguyễn Nguyên Quân đề nghị Giám đốc Cảnh sát PCCC cho biết rõ trách nhiệm cơ quan PCCC đến đâu, của Sở Xây dựng đến đâu và các cơ quan liên quan đến đâu.

“Có hay không việc các chủ đầu tư không khắc phục việc PCCC?” – đại biểu Nguyễn Nguyên Quân đặt câu hỏi.

Không đi thẳng trả lời các câu hỏi của đại biểu, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, các cấp, các ngành và dư luận hiện rất quan tâm đến công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ. “Năm 2015, qua kiểm tra đã xử phạt hơn 5,8 tỉ đồng. Sáu tháng đầu năm xử phạt 3,6 tỉ đồng” – ông Định thông tin.

Đáng chú ý, ông Định cho rằng, để tạo sự chuyển biến của các chủ đầu tư, các đơn vị quản lý, người dân có trách nhiệm khắc phục những tồn tại sau kiểm tra xử lý, việc này phụ thuộc nhiều yếu tố và hiện nay, đã có trên 20% có ý thức khắc phục, biện pháp cụ thể để khắc phục.

“Rõ ràng từ giai đoạn thẩm định đến giai đoạn nghiệm thu cũng có thời gian và một quá trình, nhưng từ chỗ không thực hiện đến chỗ người ta chủ động đã có bước thực hiện, tôi cho rằng đó cũng là sự tiến bộ đáng kể và bước đầu cũng ghi nhận” – Thiếu tướng Định đánh giá.

Nói về tồn tại ở nhà tái định cư khu vực Đền Lừ, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Giám đốc Cảnh sát PCCC cho rằng đó  là tồn tại lịch sử để lại. “Ban quản lý các tòa nhà này trực thuộc Công ty TNHH một thành viên Quản lý phát triển nhà Hà Nội. Chúng tôi biết, Sở khắc phục những đầu việc như tuyên truyền, huấn luyện, có lực lượng PCCC tại chỗ. Nhưng tất cả các vấn đề như mua sắm, kinh phí thì không thuộc thẩm quyền”, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định nói.

Trước sự trả lời vòng vo của Giám đốc Cảnh sát PCCC, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đặt câu hỏi: “Tóm lại theo đồng chí Giám đốc thì trách nhiệm thuộc về ai? Tôi thấy đồng chí giải trình từ nãy đến giờ chưa biết trách nhiệm thuộc về ai cả?”.

Đến lúc này, Thiếu tướng Định khẳng định: "Trước hết trách nhiệm của chủ quản lý, chủ đầu tư, người được giao nhiệm vụ quản lý. Còn chúng tôi là kiểm tra hướng dẫn”.

Chủ tịch HĐND TP hỏi tiếp: “Cơ quan quản lý của cái nhà này là Sở Xây dựng chứ?” Thiếu tướng Hoàng Quốc Định đáp: “Vâng, đó là cơ quan cấp trên của công ty”.

Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Bích Ngọc lại tiếp tục đặt câu hỏi: “Đại biểu đặt vấn đề việc cấp phép thẩm định hồ sơ thì tỉ lệ đạt chỉ được 20%, trách nhiệm thuộc về ai?”.

Lúc này ông Định mới thừa nhận: “Lúc nãy các đồng chí có đặt câu hỏi là đã làm cương quyết chưa, làm hết trách nhiệm chưa? Thế thì tôi cũng phải nói nếu bảo hết trách nhiệm thì lực lượng PCCC chưa hết trách nhiệm. Có phạt nhưng tác động để thúc đẩy việc chấp hành chưa đi đến được kết quả cuối cùng. Kể cả việc tổ chức cưỡng chế cũng chưa thực hiện. Đây là vấn đề cưỡng chế trong việc chấp hành việc đầu tư trong an toàn phòng cháy chữa cháy là vấn đề không đơn giản”.

Liên quan đến trách nhiệm để tồn tại các chung cư đi vào hoạt động nhưng không có giấy chứng nhận nghiệm thu PCCC, Giám đốc sở PCCC cho rằng, bản thân người dân, chủ doanh nghiệp thiếu ý thức trách nhiệm, không chủ động thực hiện bởi nhiều lý do khác nhau, trong đó liên quan đến kinh phí đầu tư bởi điều này không có lợi cho nhà đầu tư.

“Ngoài ra, theo quy chế hiện nay, các công trình sau khi hoàn thành thì cơ quan ngành xây dựng quản lý về chất lượng công trình phải xác nhận hoàn thành chất lượng thì công trình đó mới được đưa vào sử dụng. Nhưng hiện nay chỗ này đang bỏ ngỏ, cứ cho hoàn thành, dân vào sử dụng rồi  thì câu câu chuyện cưỡng chế hoàn toàn không đơn giản” – ông Định giải thích.

Bích Ngọc
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc

"Tôi nói sai hay Phó Chủ tịch báo cáo sai?"

Sau phần trả lời của người đứng đầu sở PCCC, đại biểu Nguyễn Hoài Nam tiếp tục "truy" đến lãnh đạo Thành phố: Từ sau khi chúng tôi giám sát và sau phiên chất vấn tháng 12/2015 thì Phó Chủ tịch đã trực tiếp xuống các khu nhà tái định cư liên quan đến đảm bảo an toàn PCCC chưa? Trong báo cáo các đồng chí rất khả quan nhưng trong tái giám sát chúng tôi khẳng định rằng không phải như vậy, tôi nói sai hay Phó Chủ tịch báo cáo sai?”.

Được hỏi đích danh, Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn lên tiếng thừa nhận, ông chưa cùng cảnh sát PCCC đến kiểm tra. Tuy nhiên, ông khẳng định mình không trốn tránh trách nhiệm.

"Trách nhiệm của TP, tôi đã báo cáo, đã được giao rất cụ thể và hiện nay đang trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. UBND TP giao cho cảnh sát PCCC, việc quy trách nhiệm UBND có giao các sở ngành có tham mưu đề xuất để UBND TP có chỉ đạo rất kịp thời, như giao Sở Xây dựng chủ trì cùng các đơn vị được giao quản lý vận hành nhà chung cư tái định cư, lập phương án sửa chữa và khái toán kinh phí, trình UBND TP phê duyệt hệ thống PCCC để thực hiện trong năm 2016. Hiện Sở Xây dựng đang trong quá trình lập dự toán và kế hoạch trình UBND TP phê duyệt thực hiện, khắc phục tình trạng chưa đồng bộ như trong báo cáo. TP không hề trốn tránh trách nhiệm, câu chuyện là theo kế hoạch, lộ trình phân công theo kế hoạch” – ông Sơn nói.

Sau phần tranh luận giữa đại biểu và các cơ quan của TP,  Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thẳng thắn thừa nhận, tồn tại trong công tác PCCC trước tiên trách nhiệm thuộc về UBND TP. Để xảy ra cháy tại các tòa nhà, trách nhiệm liên đới là của quản lý tòa nhà, của chủ đầu tư và cảnh sát PCCC.

"Hà Nội luôn mong muốn các DN đầu tư trên địa bàn TP, nhưng chỉ khuyến khích các đơn vị làm ăn chân chính, còn những DN vi phạm thì sẽ bị xử lý. Ví dụ như Tập đoàn Mường Thanh, 15 công trình không đạt điều kiện PCCC thì không thể chấp nhận được", ông Nguyễn Đức Chung nói và nhấn mạnh: "Dư luận đặt câu hỏi liệu cảnh sát PCCC có sân sau không? Tôi yêu cầu lãnh đạo cảnh sát PCCC kiểm tra thông tin này". 


Ý kiến bạn đọc