Hà Nội: Lạ kỳ việc chính quyền xã giữ sổ đỏ của dân 13 năm

15:52, 11/08/2016
|

(VnMedia) - Hàng trăm cuốn sổ đỏ của người dân xã Bình Yên, huyện Thạch Thất được Nhà nước cấp cho từ năm 1999, song chính quyền xã đã không trả mà giữ lại cho đến năm 2012 mới cho dân "xem".

Vì không có sổ đỏ để đối chiếu nên nhiều hộ dân xã Yên Bình đã bị đền bù thiếu diện tích
Vì không có sổ đỏ để đối chiếu nên nhiều hộ dân xã Yên Bình đã bị đền bù thiếu diện tích đất.

Theo phản ánh của hàng chục hộ dân xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, trong quá trình lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng dự án 52,7 ha, người dân phát hiện chính quyền xã Bình Yên đã ngang nhiên giữ sổ đỏ của người dân trong suốt 13 năm qua. Điều đáng nói, xuất phát từ việc không được có sổ đỏ, việc kê khai đất đai của các hộ dân bị sai lệch dẫn đến thiệt hại rất lớn về kinh tế.

Bà Tăng Thị Đông - người dân xã Yên Bình bức xúc cho biết, năm 2012, bà được ông Nguyễn Xuân Hương - cán bộ địa chính xã Yên Bình giao cho một tờ giấy photo sổ đỏ của 3 thửa đất khoán. Sau khi xem, bà Đông rất ngỡ ngàng khi biết sổ đỏ của gia đình đã được UBND huyện Thạch Thất cấp từ năm 1999, tuy nhiên nó đã bị chính quyền xã giữ lại trong suốt 13 năm mà không hề thông báo cho người dân biết .

Cho đến khi Nhà nước lấy đất để xây dự án tái định cư 52,7ha, các hộ dân bị mất đất buộc phải kê khai. Từ đây, do phát sinh vướng mắc về diện tích nên chính quyền xã mới phô tô sổ đỏ để làm sở cứ thì dân mới biết là có sổ đỏ.

“Sau khi nhận được tờ phô tô sổ đỏ, tôi mới biết chính xác diện tích 3 thửa đất khoán của gia đình. Trước đó, vì không có sổ đỏ nên khi kê khai để nhận bồi thường dự án 52,7 ha, gia đình tôi bị đền bù thiếu 1 thửa 240m2. Sau khi phát hiện ra, tôi đã hỏi bộ phận kiểm đếm thì được biết, thửa 240m2 của gia đình tôi lại đứng tên ông Võ Quang Anh ở Hà Nội. Việc làm này hết sức vô lý vì sổ đỏ thửa đất 240m vẫn đứng tên của tôi, hàng năm tôi vẫn phải đóng thuế sản nhưng người được hưởng đền bù là người khác” - bà Đông nói.

Cũng theo bà Đông, việc xã giữ sổ đỏ đã khiến gia đình bà bị mất hàng vài trăm triệu đồng tiền bồi thường. Không chỉ riêng gia đình bà Đông, mà nhiều gia đình khác trong xã Yên Bình cũng lâm vào tình trạng vô lý như vậy.

Theo giải thích của ông Nguyễn Văn Mão - Chủ tịch UBND xã Yên Bình, sổ đỏ của người dân đã được chính quyền cấp từ năm 1999. Tuy nhiên, sau đó UBND TP Hà Nội có phê duyệt dự án khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc, do vậy chính quyền xã đã giữ lại sổ đỏ của những hộ dân nằm trong diện mất đất cho dự án.

“Lúc đó, tôi chưa làm Chủ tịch xã nên tôi không nắm rõ. Nhưng rất có thể, vị lãnh đạo xã thời kỳ đó cho rằng nếu phát sổ đỏ cho dân khi thu hồi đất sẽ khó khăn nên họ không phát và không thông báo cho dân biết”.

Ông Mão cho biết thêm, việc chính quyền xã tự ý giữ sổ đỏ của người dân là sai so với quy định của pháp luật. Nhưng đó là do lịch sử để lại, hiện tại ông cũng không biết xử lý như thế nào.

Trong khi đó, nhiều người dân xã Yên Bình cho rằng, việc chính quyền xã cố tình “ỉm” không trả sổ đỏ cho dân để dễ bề nhập nhèm trong việc kiểm đếm, kê khai diện tích đất bồi thường để trục lợi cho một số cá nhân. Sau khi phát giác ra sự việc, người dân đã gửi đơn kiến nghị nhiều cấp chính quyền nhưng vẫn không được giải quyết thỏa đáng.

Huy Nam


Ý kiến bạn đọc