Giáo sư Trịnh Hồng Sơn: Nhà quản lý xuất sắc trong con mắt đồng nghiệp

15:42, 17/08/2016
|

(VnMedia) - "Trong sắp xếp công việc, thầy luôn tìm được vị trí thích hợp để phát huy tối đa khả năng của người đó. GS có biệt tài khích lệ tinh thần của nhân viên và chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng sát cánh bên ông bất kể ngày đêm mà không màng đến danh lợi"-  đồng nghiệp của GS Trịnh Hồng Sơn chia sẻ.

Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc Bộ Y tế quyết định điều chuyển GS - TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - một chuyên gia đầu ngành về ghép tạng, sang làm Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô.

Đáng chú ý hơn, GS Trịnh Hồng Sơn đã viết một bức tâm thư lên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến để xin được ở lại Bệnh viện Việt Đức.

Câu chuyện đã khiến nhiều người hết sức tò mò về vị bác sĩ đặc biệt này, rằng ngoài tài năng về chuyên môn vốn rất nổi tiếng thì ông là người như thế nào, khả năng quản lý và tổ chức công việc của ông ra sao?

Đây cũng chính là lý do để phóng viên tìm cách tiếp cận những người vừa là học trò, vừa là đồng nghiệp của Giáo sư. Và chân dung của vị chuyên gia ghép tạng nổi tiếng này đã phần nào được hé mở.

GS TRịnh Hồng Sơn
GS  - TS Trịnh Hồng Sơn

Tổ chức công việc khoa học và tầm nhìn đặc biệt

Nhiều người cho rằng GS Trịnh Hồng Sơn là một người chỉ biết làm chuyên môn, nhưng qua lời kể của những người làm việc trong các khoa, phòng mà ông từng trực tiếp hoặc kiêm nhiệm lãnh đạo thì GS là một người quản lý hết sức chuyên nghiệp.

Theo đó, Bệnh viện Việt Đức có 9 chức năng chính thì GS Trịnh Hồng Sơn đã làm lãnh đạo ở 3 vị trí quan trọng nhất. Vừa làm Phó Giám đốc chuyên môn, ông cũng từng kiêm làm Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Trưởng phòng Quản lý chất lượng bệnh viện thuộc Bệnh viện Việt Đức và Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép tạng thuộc Bộ Y tế. Ở cương vị nào, ông cũng có cách làm việc hết sức khoa học, hiệu quả.

Phòng Kế hoạch tổng hợp có những mảng rất quan trọng như đảm bảo lợi ích của người bệnh; nắm vững chuyên môn để phân công các tua trực đảm bảo ổn định nội bộ; quản lý hồ sơ... Một Giám đốc bệnh viện thường đi lên từ trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp vì họ vừa nắm vững chuyên môn, vừa có khả năng quản lý thì mới lãnh đạo tốt phòng này. GS Trịnh Hồng Sơn đã làm xuất sắc vai trò đó.

Ví dụ như về quản lý hồ sơ. Đây là vấn đề rất quan trọng vì trước hết đó là cơ sở pháp lý, thứ hai là để nghiên cứu khoa học và thứ ba là để phục vụ cho các sinh viên. Tuy nhiên, với nhiều người, hồ sơ lại chỉ được coi là giấy, hết năm là hủy vì “hồ sơ không làm ra tiền”. Đây cũng là "vấn nạn" của các bệnh viện Việt Nam.

"Sự tốt xấu, tử tế hay không tử tế của bác sĩ thể hiện ở  rất rõ ở hồ sơ bệnh nhân và GS Sơn là người đặc biệt tâm huyết với kho hồ sơ" - một bác sĩ từng nhiều năm làm việc với GS nhận xét.

Theo đó, GS Trịnh Hồng Sơn luôn tự mình ghi chép, lưu trữ một cách khoa học (tự bỏ tiền mua phần mềm quản lý hồ sơ, tự chụp ảnh...) để bất cứ khi nào cần, chỉ cần bật máy tính lên là biết toàn bộ chi tiết bệnh nhân của mình. GS Sơn cũng yêu cầu tất cả các nhân viên thực hiện việc ghi chép lưu trữ hồ sơ một cách nghiêm túc và thực hiện sinh hoạt “bình hồ sơ”, nếu có bất kỳ sai sót gì dù nhỏ cũng sẽ bị phạt.

Quy định này tạo cho bác sĩ một thói quen tốt, đó là hỏi bệnh nhân một cách kỹ lưỡng, ghi chép đầy đủ và lưu trữ cẩn thận. Những hồ sơ 15 năm qua, xuống phòng lưu trữ hoặc là không có hoặc đã bị hủy nhưng anh Sơn có. Nhiều bác sĩ cũng học theo anh, tự bỏ tiền bỏ công để làm việc lưu trữ hồ sơ như vậy. Chúng tôi gần đây nói chuyện với nhau: Anh Sơn mà đi khỏi đây, hồ sơ là rác. Anh Sơn ở lại, hồ sơ là vàng. Tất cả tâm huyết đó của anh là để phục vụ người bệnh tốt hơn”  - một nữ bác sĩ tại phòng Kế hoạch tổng hợp chia sẻ.

Còn với vai trò kiêm nhiệm trưởng khoa Quản lý chất lượng bệnh viện, GS Trịnh Hồng Sơn đã luôn trăn trở làm thế nào để giảm được vất vả, khó khăn cho người bệnh. Ngay cả các bác sĩ cũng phải thừa nhận, có nhiều lý do khiến cho thái độ đón tiếp, dịch vụ ở các bệnh viện công chắc chắn kém bệnh viện tư, bệnh viện nước ngoài rất nhiều. Tuy nhiên, GS Trịnh Hồng Sơn đã cố gắng khắc phục bằng cách tổ chức lấy phiếu xếp hàng, phân loại để bệnh nhân nặng khám trước, bệnh nhân nhẹ khám sau, cùng với đó là phối hợp với bảo hiểm y tế để phân khu, phân vùng nhanh nhất cho bệnh nhân.

Khi ở cương vị kiêm nhiệm Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, 2 tuần một lần, GS Trịnh Hồng Sơn tổ chức sinh hoạt khoa học thường kỳ nên thời gian đó có rất nhiều đề tài, đặc biệt đề tài của bản thân GS luôn được Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài đánh giá rất cao. Điển hình là “Nghiên cứu triển khai 9 bệnh ngoại khoa đường tiêu hóa thường gặp cho 12 bệnh viện tỉnh biên giới miền núi phía Bắc”.

Theo lời kể của các bác sĩ, GS đã cùng các học trò đã rất vất vả khi phải trực tiếp đến các bệnh viện Sơn La, Điện Biên, Lai Châu... trong khi vẫn thực hiện đảm bảo công tác chuyên môn, quản lý ở bệnh viện.

Theo tìm hiểu của phóng viên, để thực hiện đề tài, GS thường đi vào ban đêm rất nguy hiểm và tranh thủ cuối tuần để triển khai nghiên cứu, hướng dẫn, tập trung mô hình giải phẫu bệnh... Nếu không biết cách quản lý, tổ chức công việc tốt thì không thể vừa làm chuyên môn, vừa triển khai được đề tài lớn như vậy. Với đề tài này, GS Sơn là người đầu tiên của bệnh viện triển khai đề tài cấp nhà nước đạt nghiệm thu xuất sắc.

Theo đó, giải phẫu bệnh phẩm là hết sức quan trọng cho công tác chữa bệnh, bởi chụp hay siêu âm vẫn chỉ là hình ảnh chẩn đoán, phải đến khi mổ ra, giải phẫu bệnh phẩm mới biết chắc chắn đó là bệnh gì, từ đó đi đến quyết định phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân. Trong khi nhiều bệnh viện thường vứt bỏ bệnh phẩm sau khi mổ xong thì GS đã tìm đủ mọi cách để giúp các bệnh viện tuyến tỉnh làm được điều này.

“Để làm được điều đó, đều là vì GS luôn nghĩ đến người bệnh. Một GS khi nghiệm thu đề tài đã nói: bao nhiêu năm qua không vực được lĩnh vực giải phẫu bệnh ở các tỉnh và cuối cùng GS Sơn đã làm được" - nữ đồng nghiệp chia sẻ.

Với đề tài nói trên, GS Trịnh Hồng Sơn cũng thể hiện là một lãnh đạo xuất sắc trong cách dùng người. Theo đó, ông đã chuẩn bị cho việc thực hiện các quy trình bằng cách đào tạo con người, chuyển giao cả ê kíp. 

Tài quản lý trong sử dụng cán bộ, nhân lực

Cách sử dụng cán bộ, sử dụng con người của GS Sơn đã từng được GS Đặng Hanh Đệ nhận xét trước hội đồng nghiệm thu: “Đề tài này được anh Sơn sử dụng toàn bác sĩ trẻ, trong đó có những bác sĩ vừa tốt nghiệp nội trú. Việc thành công một đề tài lớn như vậy, với những bác sĩ trẻ như vậy thể hiện tài quản lý của anh ấy”

Khả năng quản lý, lãnh đạo của GS Trịnh Hồng Sơn cũng được bộ lộ rất rõ trong quá trình kiêm nhiệm trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp.

Theo lời tâm sự của một bác sĩ phòng Kế hoạch tổng hợp:“Phòng kế hoạch tổng hợp là phòng có nhiều thành phần, nhiều công việc phức tạp mà vẫn ổn định được, đó là vì GS đã quản lý rất khoa học. GS cho xây dựng quy trình phối hợp, chức năng nhiệm vụ của từng người, ai cũng biết việc của người khác nên một người nghỉ, người khác vẫn có thể đảm nhiệm, thay thế được và đây là điều mà không phòng nào khác làm được. Anh ấy là người quản lý rất có khoa học! Chúng tôi bị kiểm soát rất nghiêm ngặt theo quy trình nhưng ai cũng hào  hứng làm việc. Đó là vì anh ấy đã truyền tải niềm đam mê cho chúng tôi”.

Công tác nhân sự bắt nguồn đầu tiên phải từ đào tạo. “Việc đào tạo của thầy Sơn là tuyệt vời và tôi chưa từng gặp được người nào như vậy. Biết rằng đi với thầy là khổ, là không có lợi ích về kinh tế nhưng nhiều người vẫn quyết tâm đi theo. Thầy đào tạo là vì mục đích chung, là để cho học trò có chuyên môn tốt, đạo đức tử tế” - một bác sĩ khoa Ung Bướu chia sẻ.

Theo lời của những người học trò GS Trịnh Hồng Sơn thì bài học đầu tiên mà tất cả học sinh nội trú được thầy truyền tải là: "Người quân tử phải xa lánh cái lợi”.

Trong sắp xếp công việc, thầy luôn tìm được vị trí thích hợp để phát huy tối đa khả năng của người đó. GS có biệt tài khích lệ tinh thần của nhân viên và chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng sát cánh bên ông bất kể ngày đêm mà không màng đến danh lợi" -  đồng nghiệp của Giáo sư chia sẻ.

Nói về ghép tạng xuyên quốc gia thì khâu tổ chức là cực kỳ quan trọng. Một là về chuyên môn, người tổ chức phải biết ai là người làm được việc gì để xếp vào đó một cách hợp lý đến từng chi tiết. Chỉ thiếu bất kỳ một dụng cụ nào dù nhỏ hay sơ sẩy của bất kỳ cá nhân nào cũng khiến cho thành tựu của cả mấy trăm con người đổ xuống sông xuống biển, và một lúc sẽ mất cả hai mạng người. Đây là một công việc đầy vất vả và căng thẳng.

Nhưng anh Sơn “hô” một cái là chúng tôi theo ngay. Ở các nước họ có chuyên cơ, nhưng ở mình, khó khăn lắm. Từ việc kết nối ở sân bay để được đặc cách mang lên máy bay những thùng thiết bị to đùng, những chai dịch rửa... Anh ấy đã làm được một cách xuất sắc bởi anh có đầu óc tổ chức, quản lý hết sức khoa học, bài bản. Cũng nhờ khả năng này của GS mà biết bao mạng người đã được cứu sống” - một bác sĩ khoa Ung bướu tự hào nói về người thầy, người đồng nghiệp của mình.


Ý kiến bạn đọc