'Đôi tay vàng' y khoa và tâm nguyện 'sống như những đóa hoa'

07:20, 17/08/2016
|

(VnMedia) - Sau bức tâm thư của GS Trịnh Hồng Sơn xin không điều chuyển sang bệnh viện Hữu Nghị, người ta thêm nhận ra, điều thiêng liêng cao cả của một người bác sĩ giỏi tay nghề bậc nhất trong ngành ngoại khoa Việt Nam, là được quay trở lại sống đúng với nghề “cầm dao mổ”, tiếp tục nghiên cứu, phục vụ khoa học để mang lại phép màu sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân.

Giáo sư - bác sĩ - Nhà giáo nhân dân Trịnh Hồng Sơn là một viên ngọc quý của ngành y, là một "kình ngư" trong ngành y tế của Việt Nam. Công sức của ông không chỉ nằm ở chỗ tài đức, tận tâm cứu người mà còn bởi những cống hiến của ông trong nền y học hiện đại trong ngành ngoại khoa, đặc biệt là phát triển ngành ghép tạng và phẫu thuật ung thư tiêu hóa.

 

Ngoài sự ủng hộ của nhiều đồng nghiệp nơi ông đang công tác, thì dư luận mấy ngày qua cũng hết sức ủng hộ quan điểm tiếp tục ở lại để phát huy năng lực và sở trường. Nhiều độc giả phản hồi trên Báo điện tử VnMedia cũng bày tỏ tha thiết mong muốn Bộ Y tế có quyết định sáng suốt để phát huy được đúng sở trường của người tài giỏi hiếm hoi như bác sĩ Sơn.

Chị Mai Diệp, một bệnh nhân được “tái sinh” nhờ phép màu của bàn tay các bác sĩ bệnh viện Việt Đức sau ca phát hiện mình bị u gan tâm sự “Tôi từng suýt chết nhưng đã nhờ các anh mà được sống lại, còn nhìn và thở đến tận bây giờ. Không rõ nội tình của việc này thế nào nhưng với tôi thì nghề Y luôn luôn là nghề cao quý- nhất trong những nghề cao quý. Người bác sĩ hi sinh gia đình, thời gian và cuộc đời của họ dưới ánh đèn phòng mổ. Bạn nghĩ gì nếu bạn chỉ được nghỉ 10 phút và đứng suốt 18 giờ chỉ để nhìn vào những mạch máu li ti và những cơ quan nội tạng ốm yếu trên bàn mổ? Nếu bạn nhìn thấy cái chết cận kề chỉ ở bên kia cánh cửa, nếu bạn từng bất lực nhìn người thân của bạn ra đi, bạn sẽ hiểu được giá trị vô bờ của cuộc sống. Thật lòng đấy! Cần lắm sự bảo vệ các anh của cộng đồng. Một viên ngọc quý nhưng đặt vào tay một người không biết tôn trọng giá trị, chắc chắn ngọc sẽ không thể tỏa sáng và cháy được hết vẻ đẹp của mình. Làm quản lý hay chuyên môn, theo tôi không quan trọng bằng việc thể hiện được thái độ của người dùng ngọc. Bệnh viện Việt Đức và các bác sĩ tài hoa, tâm đức ở đây luôn là một biểu tượng được tôn thờ trong tôi!”.

Cũng không ít ý kiến độc giả cho rằng, có nhiều điều đáng buồn xung quanh việc Giáo sư Sơn viết tâm thư gửi Bộ Trưởng. Một độc giả tâm huyết bày tỏ sự hồ nghi “Vì sao mà hơn một năm vẫn không thể bổ nhiệm đươc giám đốc cho bệnh viện là trung tâm ngoại khoa lớn nhất cả nước? Vì cán bộ kế cận ở đấy không đủ năng lực? Có phải chính cơ quan cấp trên đã buộc giáo sư Sơn phải viết tâm thư chứ không thể "ngoan ngoãn" làm theo "công tác tư tưởng" của bộ? Bác Hồ dạy "dụng nhân như dụng mộc" nhưng có ai thèm học đâu. Sẵn sàng "đem đại bác đi bắn chim sẻ"... quá buồn. Mong giáo sư Sơn khoẻ để làm trọn bổn phận của một người thầy thuốc, con đường mà anh đã chọn”.

Không ít độc giả cũng tâm huyết kêu gọi Bộ trưởng Bộ Y tế đồng thuận với nguyện vọng của Giáo sư Sơn, để ông tiếp tục có những thành tựu trong ngành ngoại khoa. “Đưa người tài vào môi trường không thích hợp là đinh tặc "trải thảm đinh" chứ không phải trái thảm đỏ” - Anh Hồng Kiên – độc giả VnMedia phản hồi trước sự kiện gây xôn xao dư luận tuần qua. Độc giả Trần Chí Cường thì bày tỏ quan điểm “làm gì cũng phải tính đến nguyện vọng cá nhân để động viên người cống hiến vì đào tạo được 1 người giỏi như GS Sơn là không dễ dàng. Nếu GS sang môi trường mới, không tâm huyết, rồi mất thời gian hòa hợp, tiếp cận môi trường, đồng nghiệp mới, chưa kể phải tham gia những khóa học cho phù hợp với người quản lý ở cấp cao thì chỉ khổ người bệnh”. Cũng không ít ý kiến độc giả từng là bệnh nhân của Giáo sư Sơn bày tỏ tha thiết với lãnh đạo Bộ Y tế “Xin hãy vì dân, vì bệnh nhân, vì bệnh viện Việt Đức, vì cán bộ công nhân viên bệnh viện, hãy công tâm chọn người xứng đáng”.

Một vị độc giả cao tuổi cũng chia sẻ tâm huyết “Ông phó giám đốc Trịnh Hồng Sơn rất tài hoa, say nghề, đam mê với nghiệp không một mơ quyền chức. Đó là người có tâm, chỉ mong làm gì để cống hiến, để đem tài năng phục vụ đời, phục vụ dân. Người thế này là quá hiếm trong thời buổi này đó bà Bộ trưởng Kim Tiến ơi? Hãy để cho ông thầy thuốc tài hoa này được thực hiện đúng ý nguyện. Đó cũng là thể hiện cái nghệ thuật dùng người, cái sự biết dùng người của bà Bộ trưởng đó”.

Niềm hạnh phúc của Giáo sư sau ca ghép tạng thành công
Niềm hạnh phúc của Giáo sư sau ca ghép tạng thành công và tiễn bệnh nhân xuất viện 

Chức tước thì ông cũng đã có đủ đầy, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức 12 năm, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, làm quản lý cũng nhiều năm, ông chả phải là người quá ham hố chuyện chức tước. Ở đây, cuối cùng vẫn là câu chuyện “Ăn cây nào, rào cây ấy”. Gần 30 năm gắn bó tại môi trường mà ông chứng kiến quá nhiều mất mát, đau thương và cũng không ít những tiếng khóc vì hạnh phúc của người nhà bệnh nhân và cả ekip y bác - sĩ, điều mà ông vẫn tận tâm hàng ngày cống hiến cho ngành y khoa là bởi tâm huyết “cứu 1 mạng người hơn xây 7 tòa tháp”. Nếu thiếu ông ở những vị trí người thầy truyền lửa cho các học viên, người đầu tầu truyền cảm hứng cho đội ngũ y – bác sĩ, “người hùng của nhân dân” trước những ca ghép tạng nổi tiếng ở nơi đã tạo điều kiện cho ông được phát huy tay nghề như Bệnh viện Việt Đức – sẽ thật là một thách thức với một người bác sĩ được coi là “viên ngọc quý” như ông.

Thật không khó để nhìn thấu tâm huyết và nỗi khao khát được tiếp tục cống hiến bằng sức lực, trí tuệ và bằng gần 30 năm tuổi nghề "xương máu" của ông. Tôi thấy ông đang lan tỏa một cảm hứng sống có ý nghĩa giữa cuộc đời bộn bề bon chen với giới trẻ chúng tôi, rằng ông đang "sống như đóa hoa này, tỏa ngát hương thơm cho đời. Sống với nỗi khát khao rằng, được hiến dâng cho cuộc đời. Hôm nay dẫu có gian nan thì ngày mai là ngày tươi sáng hơn. Tôi sẽ viết nên câu chuyện của cuộc đời riêng tôi" - Giáo sư Trịnh Hồng Sơn đã viết nên câu chuyện cuộc đời riêng ông, và ông muốn đi trọn câu chuyện đó là tâm nguyện được gắn bó hết cuộc đời của mình tại mảnh đất đã đặt những viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp ngành ngoại khoa của ông - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. 

Lam Trần


Ý kiến bạn đọc