Có thể xử lý hình sự người đàn bà thuê chặt tay chân

09:08, 26/08/2016
|

(VnMedia) - Theo luật sư, với hành vi thuê người chặt tay chân với mục đích trục lợi bảo hiểm, cơ quan chức năng có thể xử lý chị Lý Thị N. về trường hợp phạm tội lừa đảo chưa đạt...

Liên quan đến vụ thuê người chặt chân tay để trục lợi bảo hiểm, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội vừa cho biết, đang tiến hành điều tra, xác minh làm rõ hành vi của Doãn Văn D. (21 tuổi, ở huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) xem có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương thích hay không thì cần phải điều tra, làm rõ.

Nơi xảy ra vụ việc
Nơi xảy ra vụ việc

Trước đó, vào ngày 25/8, Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đã đề xuất lãnh đạo Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội ra quyết định xử phạt Doãn Văn D. (21 tuổi) số tiền 750.000 đồng về hành vi báo thông tin giả đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, công an cũng đề xuất xử phạt hành chính với chị Lý Thị N. số tiền 1.500.000 đồng về hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản người khác trong vụ chị N. thuê D. chặt bàn chân trái, tay trái của mình để trục lợi bảo hiểm.

Trao đổi với VnMedia về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết:

Thứ nhất: Không có căn cứ xử lý chị N trường hợp phạm tội chưa đạt về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Một số ý kiến cho rằng, dù không chiếm đoạt được tiền bảo hiểm nhưng chị N vẫn phải chịu trách nhiệm về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa đạt? Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo qui định tại Điều 139 BLHS là tội phạm có cấu thành vật chất nên buộc phải có hậu quả đã chiếm đoạt được tiền bạc. Dù cho chị N có hành vi gian dối trục lợi bảo hiểm nhưng nếu chưa có quyết định chi trả hay sự nhận tiền của chị N thì không thể xử lý về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi Công ty bảo hiểm phát hiện ra sự gian dối của chị N (theo kết quả xác minh của Cơ quan Công An) nhằm trục lợi thì sẽ được giải quyết theo qui định của Luật kinh doanh bảo hiểm 2010.

Trong trường hợp này, Công ty bảo hiểm sẽ không chi trả tiền bảo hiểm cho chị N theo qui định tại điểm B Khoản 1 Điều 39 Luật kinh doanh bảo hiểm 2010. Đây là quan hệ dân sự nên quyền và nghĩa vụ của các bên sẽ được thực hiện trên cơ sở Luật kinh doanh bảo hiểm. Nếu có tranh chấp sẽ giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Cơ quan Công An không can thiệp vào việc giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự.

Điều 39. Các trường hợp không trả tiền bảo hiểm

1. Doanh nghiệp bảo hiểm không phải trả tiền bảo hiểm trong các trường hợp sau đây:

a) Người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn hai năm, kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực;

b) Người được bảo hiểm chết hoặc bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng;

c) Người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình.

2. Trong trường hợp một hoặc một số người thụ hưởng cố ý gây ra cái chết hay thương tật vĩnh viễn cho người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải trả tiền bảo hiểm cho những người thụ hưởng khác theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

3. Trong những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm hoặc toàn bộ số phí bảo hiểm đã đóng sau khi đã trừ các chi phí hợp lý có liên quan; nếu bên mua bảo hiểm chết thì số tiền trả lại được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Theo quan điểm của luật sư Thơm, để có căn cứ xử lý chị N về trường hợp phạm tội chưa đạt theo Điều 18 Bộ luật hình sự, Cơ quan điều tra phải chứng minh được số tiền mà chị N được nhận do Công ty bảo hiểm chi trả khi có một trong các điều kiện: Công ty bảo hiểm đã ra quyết định chi trả tiền bảo hiểm cho chị N và chi N bị phát hiện gian dối hoặc chị N đang làm thủ tục nhận tiền bảo hiểm thì bị ngăn chặn do phát hiện gian dối trục lợi. Xét hành vi chị N trong vụ việc này thì chưa thỏa mãn các dấu hiệu cơ bản về phạm tội chưa đạt lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên Cơ quan Công An không xử lý là có căn cứ, đúng pháp luật

Điều 18. Phạm tội chưa đạt: Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.

Thứ hai: Về dự kiến xử phạt hành chính của công an quận đối vơi chị Lý Thị N về hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản người khác, quan điểm của Luật sư như sau: Nếu Công An Quận Bắc Từ Liêm đã xác định chị N không phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cũng không có căn cứ xử lý vi phạm hành chính chị Lý Thị N về hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản người khác (lừa đảo) với mức hình phạt 1.500.000 đồng theo qui định tại điểm c Khoản 1 Điều 15 Nghị Định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013. Nghĩa là, chị N đã không phạm tội lừa đảo thì cũng không thỏa mãn dấu hiệu dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác.

Để xử lý hành vi vi phạm hành chính này, người vi phạm cũng cần phải có đủ 02 dấu hiệu bắt buộc: Có thủ đoạn gian dối và có hậu quả chiếm đoạt được tài sản. Việc xử phạt vi phạm hành chính hành vi này chỉ được áp dụng khi người vi phạm có hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản (lừa đảo) nhưng chưa đến mức xử lý về hình sự (giá trị tiền chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng hoặc các trường hợp khác như xét tính chất mức độ, hậu quả tuy đã cấu thành tội phạm nhưng do chuyển biến tình hình chưa đến mức xử lý hình sự).

Theo quan điểm của luật sư, do Cơ quan Công An nếu đã xác định chị N không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì không thể xử lý hành chính về hành vi này. Có chăng, Cơ quan Công An có thể xử lý hành chính chị N về hành vi bàn bạc thống nhất với đối tượng Doãn Văn D hoang báo thông tin giả đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 hoặc xử phạt chị N về hành vi gây mất trật tự nơi công cộng theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.


Ý kiến bạn đọc