Chuyện trồng cây xanh: Hé lộ hàng loạt vấn đề dưới thời cựu Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo

09:17, 18/08/2016
|

(VnMedia) - Rà soát phát hiện hàng loạt bất cập, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã quyết định thay đổi nhiều quy trình, quy định dẫn đến giảm tổng kinh phí đặt hàng thường xuyên lĩnh vực duy trì công viên, cây xanh tới 40,38%.

Định mức không phù hợp

Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội gửi HĐND Thành phố, hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ, hệ thống các tuyến đường, tuyến phố của TP có hơn 124.000 cây xanh bóng mát. Việc phát triển, duy trì hệ thống cây xanh đô thị mặc dù đã được TP quan tâm chỉ đạo nhưng vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Theo đó, chưa có cơ sở dữ liệu quản lý cây xanh đô thị; việc đánh mã số cây, treo biển tên và lập hồ sơ quản lý đối với cây xanh công cộng đã được tiến hành nhưng số lượng còn hạn chế.

Bộ máy quản lý của đơn vị được giao duy trì cây xanh đường phố trên địa bàn 12 quận còn bất cập, chưa phù hợp (do thiếu bộ phận quản lý, duy trì chuyên sâu như các xí nghiệp cắt tỉa cây xanh, trồng cây xanh, quản lý cây xanh đường phố).

Số lượng công nhân lành nghề kỹ thuật cao của các công ty cây xanh còn quá ít, chủ yếu lao động phổ thông, thiếu sự am hiểu về cây xanh; Việc áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, thiết bị trong công việc duy tu, duy trì vườn hoa, thảm cỏ, cây xanh còn hạn chế.

Đặc biệt, quy trình, định mức duy tu, duy trì không còn phù hợp thực tế, được xây dựng trên một đơn vị sản phẩm đơn lẻ, khối lượng nhỏ dẫn đến hao phí nhân công, máy móc, thiết bị lớn.

Việc quản lý, duy trì, cắt tỉa cây xanh trước đây mới chỉ tập trung phòng chống thiên tai, giông bão, chưa đảm bảo yếu tố cảnh quan, trang trí đô thị; Việc trồng thay thế, bổ sung cây xanh trên một số tuyến phố còn chưa đáp ứng được các tiêu chí như: khoảng cách đồng đều, độ cao đồng đều, chiều rộng tán đồng đều.

Hệ thống vườn ươm cũng còn hạn chế về quy mô, số lượng, chủng loại cây còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp cây cho dự án, thay thế cây chết, bổ sung tại hố trống trên các tuyến phố...

cắt cỏ 2
Mỗi năm, dưới nhiệm kỳ của cựu Chủ tịch TP Nguyễn Thế Thảo, Thành phố chi cả nghìn tỷ chăm sóc vườn hoa, cây cỏ nhưng hiệu quả không cao, gây lãng phí lớn (ảnh: Dân Việt)

Thay đổi quy định, tiết kiệm số tiền lớn

Để khắc phục các tồn tại trên, UBND Thành phố Hà Nội đã khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động của Công ty Công viên cây xanh, đơn vị chủ lực trong công tác quản lý hệ thống công viên, vườn hoa, cây xanh của Thành phố.

Thành phố cũng đã đầu tư trang bị thiết bị hiện đại để tăng cường cơ giới hoá trong công tác cắt tỉa, chặt hạ cây bóng mát đảm bảo an toàn cảnh quan đô thị, tăng tính thẩm mỹ với 5 xe nâng, 3 xe cẩu tự hành; tiếp nhận và đưa vào sử dụng 2 xe nâng do Ngân hàng Techcombank tài trợ.

Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp mời các chuyên gia về cây xanh của Úc, Trung Quốc đến để khảo sát, hướng dẫn các đơn vị (Công ty công viên cây xanh Hà Nội; Công viên Thống Nhất; Vườn thú Hà Nội; Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành…) về công tác quy hoạch, trồng, chăm sóc, cắt tỉa, duy trì cây xanh đô thị. Đồng thời, cử cán bộ của các đơn vị sang học tập tại thành phố Côn Minh (Trung Quốc), sang Nhật, Đức để nghiên cứu quy trình và công nghệ, thiết bị mới....

Thành phố cũng đã thực hiện khảo sát, lập phương án cắt tỉa, trồng bổ sung, thay thế cây trên địa bàn 12 quận và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về cây xanh đường phố, tiến tới xây dựng phần mềm quản lý cây bóng mát trên nền bản đồ số. Đến nay, các đơn vị đã khảo sát, đánh giá hiện trạng, tổng hợp được 31.100 cây/396 tuyến đường phố.

Lãnh đạo Thành phố cũng giao Sở Xây dựng thành lập đoàn kiểm tra, khảo sát trên địa bàn 12 quận, kết quả tổng hợp được 476 tuyến phố có 512 cây chết, 309 cây nguy hiểm, 1.054 hố trống để đề xuất trồng bổ sung, thay thế.

Đặc biệt, ngoài việc tiến thành trồng bổ sung, thay thế, hạ độ cao, cắt rút tán lá…, Thành phố cũng thực hiện rà soát, xây dựng quy trình, định mức kinh tế, kỹ thuật, đơn giá sản phẩm theo hướng gọn nội dung công việc, tăng cường cơ giới hoá nhằm tăng năng suất lao động, hạ giá thành, trong đó giảm 17 quy trình, còn 20; giảm 61 mã định mức còn 26; giảm 368 mã đơn giá, còn 63 mã.

Đáng chú ý, tỉ lệ giảm đối với tổng kinh phí đặt hàng thường xuyên lĩnh vực duy trì công viên, cây xanh là 40,38%.

Trong báo cáo, Thành phố cũng nêu rõ, thời gian tới, sẽ hoàn chỉnh định mức, quy trình, đơn giá để đặt hàng, đấu thầu, duy trì công viên, vườn hoa, cây xanh trên địa bàn TP; Tổ chức đặt hàng, đấu thầu duy trì công viên, vườn hoa, cây xanh trên địa bàn TP thực hiện từ 1/1/2017.

Việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu phải đảm bảo lựa chọn được đơn vị có năng lực, kinh nghiệm, chất lượng duy trì tốt với chi phí hợp lý, phù hợp với các quy định của pháp luật; Việc phân chia khối lượng, hình thành các gói thầu phải theo địa giới hành chính của từng quận, huyện, thị xã hoặc trọn vẹn một tuyến đường liên quận, huyện.

“Các đơn vị có nguyện vọng tham gia đấu thầu, đặt hàng lĩnh vực cây xanh phải chủ động mua sắm trang thiết bị, giảm bớt các khâu trung gian, đổi mới phương thức duy tu, duy trì công viên, vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng duy trì ổn định, đáp ứng các yêu cầu về mỹ quan đô thị với chi phí hợp lý” – báo cáo của UBND Thành phố nêu rõ.

Như vậy, với những vấn đề nêu trên, có thể nhận thấy những bất cập dưới thời cựu Chủ tịch Thành phố Nguyễn Thế Thảo, việc quản lý, tổ chức trong phát triển, duy trì hệ thống cây xanh đô thị đã gây lãng phí vô cùng lớn cho ngân sách nhà nước nhưng không hiểu sao, không có bất kỳ một thông tin, một con số nào "lọt" ra ngoài. Chỉ cho đến khi tân Chủ tịch Nguyễn Đức Chung công khai, dư luận mới "giật mình ngã ngửa".

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc