Cải tạo chung cư cũ: Nhiều công ty quy mô rất nhỏ cũng xin làm Chủ đầu tư!

14:17, 08/08/2016
|

(VnMedia) - "Một công ty nhỏ cũng xin làm Chủ đầu tư, công ty to cũng xin làm Chủ đầu tư, "ông" nào cũng muốn làm. Nhiều đơn vị mới nổi lên cũng xin đề xuất tham gia vào..." - đại diện Sở Xây dựng chia sẻ về việc cải tạo chung cư cũ.

chung cư cũ
Nhiều nhà đầu tư xin cải tạo chung cư cũ - ảnh: Đức Huy

Vấn đề cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội vừa được “cởi trói” bởi quy định cho phép nâng tầng. Tuy nhiên, để đảm bảo làm cho đàng hoàng theo đúng quy hoạch thì không đơn giản, khiến Hà Nội “nâng lên đặt xuống” mãi chưa xong. Phóng viên VnMedia đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Chiến Thắng, Phòng Phát triển nhà Sở Xây dựng Hà Nội về những vấn đề xung quanh việc cải tạo chung cư cũ.

- Thưa ông, vấn đề cải tạo chung cư cũ đang được dư luận người dân Thủ đô đặc biệt quan tâm, nhất là khi có thông tin quy định được phép nâng tầng đang hấp dẫn các nhà đầu tư. Xin ông cho biết kế hoạch triển khai cải tạo cụ thể như thế nào?

Ông Phạm Chiến Thắng: Kế hoạch cải tạo chung cư cũ hiện nay Thành phố vẫn chưa duyệt. Chúng tôi đề xuất rồi lại phải điều chỉnh, Thành phố cũng họp 2-3 lần nhưng vẫn chưa đâu vào đâu.

- Có thông tin cho rằng hiện nay có rất nhiều Chủ đầu tư đang xếp hàng xin được cải tạo chung cư cũ sau khi Thành phố có chính sách cho phép nâng tầng. Ông có thể tiết lộ có những nhà đầu tư nào?

Nói là sau khi có chính sách nâng tầng Chủ đầu tư mới xếp hàng cũng không đúng. Trước đây, khi chưa có quy chế nâng tầng vẫn có nhiều Chủ đầu tư xếp hàng. Nhiều lắm. Một công ty bé cũng xin làm Chủ đầu tư, công ty to cũng xin làm Chủ đầu tư, "ông" nào cũng muốn làm. Nhiều đơn vị mới nổi lên cũng xin đề xuất tham gia vào, thậm chí có chủ đầu tư muốn tham gia nhưng không chỉ ra được là muốn làm chỗ nào…, trong khi hồ sơ năng lực thì không có.

- Hiện nay có rất nhiều khu chung cư cần cải tạo đã “có chủ”, thậm chí lập dự án rồi. Vậy bây giờ quy hoạch lại tổng thể thì những Chủ đầu tư đó sẽ như thế nào, thưa ông?

Nói như vậy là không chuẩn. Gần như chưa khu nào có Chủ đầu tư. Nếu có thì chỉ là một vài trường hợp nhỏ lẻ.

Trước đây, Nghị quyết 34 gần như một cơ chế rất mở. Nhiều doanh nghiệp, nhiều người quan niệm việc cải tạo chung cư cũ theo kiểu cái răng này hỏng, nhổ đi trồng vào đó một cái răng khác, cái nhà này xập xệ thì đập đi xây một cái nhà khác cao hơn. Nhưng cá nhân tôi luôn là người phản đối cách làm đó. Làm là phải theo quy hoạch, cho đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, bảo đảo điều kiện ít nhất như hiện nay, chưa nói là phải nhìn xa về sau. Chính vì vậy quy hoạch phân khu nội đô nâng lên đặt xuống mãi chưa xong.

Ví dụ như khu Giảng Võ, mỗi "ông" đều muốn tự làm riêng mà không biết đến người khác, vậy hạ tầng chung, hạ tầng kỹ thuật giải quyết như thế nào? Chính vì vậy, chúng tôi muốn có quy hoạch cả khu, sau đó sẽ lên kế hoạch khai thác các dự án đầu tư. Tất nhiên không phải đập hết đi rồi làm lại rào rào, phải cân nhắc cái nào dễ làm trước, khó làm sau.

- Có lo ngại rằng, khi cải tạo, sẽ có chủ đầu tư muốn biến những khu tập thể cũ đang ở vị trí đất vàng thành những khu cho nhà giàu với tiện ích tối đa, nhưng đi kèm theo đó là chi phí cũng rất cao. Như vậy, những người người nghèo sẽ không đủ điều kiện để ở lại những nơi mà họ đã từng sinh sống mấy chục năm. Thành phố có lường trước vấn đề này hay không?

Chúng tôi chưa bao giờ đặt khái niệm này và khái niệm đó đối với chúng tôi cũng không quan trọng. Ai bắt họ đi ra ngoài được? Nguyện vọng của họ là tái định cư tại chỗ và chính sách của nhà nước là ưu tiên tái định cư tại chỗ. Thỏa thuận là sự đồng ý của hai bên, người dân không đồng ý thì không được.

Ngoài ra, những nhà đầu tư khi vào sẽ có điều tra xã hội học, hiện trạng, dân cư…, đã là nhà đầu tư, họ có các bậc thày, chuyên gia tính toán phân loại. Trong công trình đó không thể toàn hàng cao cấp vì họ bán cho ai? Sẽ có nhiều mặt hàng phục vụ đủ loại đối tượng.

- Theo ông, cách làm “xôi đỗ” như trước đây (làm từng tòa nhà), sau này khi cải tạo đồng bộ thì có ảnh hưởng đến cảnh quan chung không?

Tôi cho rằng không vấn đề gì. Với những nhà nguy hiểm cấp D thì phải làm ngay, nhưng khi làm những công trình đó, trong quá trình được quy hoạch, phương án tổng mặt bằng, phương án kiến trúc… đã được tính toán để khớp nối, đồng bộ với các công trình khác tới đây sẽ làm. Khi tham gia, trách nhiệm của mỗi ngành đều yêu cầu điều đó chứ không phải chỉ biết làm chỗ đó mà không biết xung quanh như thế nào.

- Một trong những vấn đề rất quan trọng của việc tái thiết chung cư cũ là vấn đề tài chính. Ông có thể chia sẻ thêm về những khó khăn trong vấn đề này?

Khi làm một tòa thì tổng mức đầu tư nhỏ, nhưng khi làm cả khu lớn thì mức đầu tư rất nhiều. Các nhà đầu tư thuần Việt Nam toàn vốn đi vay. Trong những năm gần đây, quy định của Luật Đầu tư, khi đầu tư công trình cần có đảm bảo vốn chủ sở hữu. Chỉ riêng việc bao nhiêu % vốn sở hữu của ông chủ đầu tư này thôi cũng còn “cãi nhau”. Không đơn giản.

Yêu cầu nhiều thì họ không có, có nghĩa là quân ta thua ngay trên sân nhà, mà yêu cầu ít thì họ đi vay ngân hàng, thậm chí có tiền cũng không bỏ ra, đẩy lãi vốn vay ngân hàng vào công trình. Cho nên, thời gian gần đây, Thành phố đang xem xét các cơ chế đặc thù, bởi vì quy định chi tiết thì Chính phủ có Nghị định rồi, Bộ Xây dựng cũng đã có thông tư hướng dẫn, bây giờ quyết định thuộc về Chủ tịch tỉnh, Thành phố. Chỉ trừ trường hợp chiều cao muốn vượt thì phải xin phép Thủ tướng.

- Hiện nay Thành phố đã có khu tập thể nào có phân khu cụ thể rồi, thưa ông?

Trong 4 quận nội thành thì chỉ mới có khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Các khu khác vẫn đang lập quy hoạch.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.


Ý kiến bạn đọc