Vụ bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải: Người có lòng tự trọng nên từ chức!

18:54, 25/07/2016
|

(VnMedia) - "Khi báo chí, người dân, dư luận phản ứng như thế, nếu người có lòng tự trọng thì đã rút ngay rồi. Có người vẫn để như thế thì tôi thấy là không hợp lý" - đại biểu Đặng Thuần Phong nói về vụ bổ nhiệm con trai cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng...

Vũ Huy Hoàng
Ông Vũ Quang Hải - Con trai nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng 

Xung quanh việc Tổng Bí thư chỉ đạo kiểm tra vụ cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm con trai vào vị trí thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), sáng nay 25/7, đại biểu Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) đã trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.

“Khi Tổng Bí thư đã chỉ đạo thì đương nhiên đã có tính toán những giải pháp để xử lý. Nhưng tôi cho rằng đây là tình trạng đáng lo, vì không chỉ có ở chỗ này chỗ kia mà xuất hiện rất nhiều nơi. Có huyện, cả dòng họ làm lãnh đạo huyện, người thân trong gia đình thay nhau làm lãnh đạo huyện. Bây giờ ở các bộ, ngành cũng có tình trạng đưa con cháu mình vào. Vấn đề này, đại biểu Quốc hội cũng rất bức xúc và đã phát biểu nhiều. “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”, mà bây giờ trí tuệ còn rớt xuống thứ 5, thứ 6 rồi” – đại biểu Phong quan ngại.

Theo đại biểu Phong, các trường hợp bổ nhiệm, trường hợp nào cũng nói quy trình đúng nhưng đến con người cụ thể lại có "chuyện này chuyện nọ". “Không thể có quy trình đúng mà lại đưa những con người vào vị trí sai, không đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân! Như thế không có công bằng xã hội. Con em của những người khác lấy đâu cơ hội để kiếm được việc làm và phát triển được khả năng của mình?” – ông Phong nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng nếu vấn đề này không được xử lý tốt mà còn để kéo dài thì hậu quả sẽ khôn lường và lòng tin của người dân đối với xã hội, với Đảng, Nhà nước sẽ càng giảm đi.

“Tôi tin rằng với chỉ đạo quyết liệt của Tổng bí thư, những vấn đề này sẽ được bộc bạch, phơi bày ra và được xử lý một cách rốt ráo, tốt hơn, lấy lại lòng tin của nhân dân” – ông Phong tin tưởng nói.

Về quy trình bổ nhiệm, ông Phong nhấn mạnh rằng, nếu đúng quy trình mà khách quan thì hoàn toàn ổn, nhưng “gài” người của mình và yêu cầu “đàn em, đồ đệ” làm theo quy trình thì bản thân quy trình đó đã sai, bởi ở bước đầu tiên trong khâu lựa chọn đã đưa con em mình vào.

"Quy trình chẳng qua là hình thức mà thôi. Ai quyết định quy trình đó? Chúng ta có quy trách nhiệm cho người quyết định quy trình đó không? Dường như chúng ta không có chế tài gì, cũng không thấy đồng chí nào bị phê bình, và những vấn đề đó gây bức xúc trong xã hội nhưng cũng không thấy ai lên tiếng chịu trách nhiệm mà đổ qua đổ lại cho nhau” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội bình luận.

Nói về việc có nên đình chỉ chức vụ đối với ông Vũ Quang Hải tại Sabeco do có những luồng ý kiến khẳng định quy trình bổ nhiệm ông Hải là sai luật hay không, đại biểu Đặng Thuần Phong thẳng thắn nói: “Tôi nghĩ điều đó là đương nhiên. Khi báo chí, người dân, dư luận phản ứng như thế, nếu người có lòng tự trọng thì đã rút ngay rồi. Có người vẫn để như thế thì tôi thấy là không hợp lý.”

Vị đại biểu tỉnh Bến Tre cũng cho rằng khi lãnh đạo cũ đã nghỉ hưu thì những lãnh đạo kế nhiệm phải có trách nhiệm và mạnh dạn xử lý vấn đề. "Nếu không, sẽ tạo tiền lệ không tốt trong ngành, làm cho xã hội bức xúc, khiến bức xúc đó ngày càng lên cao thì rất nguy hiểm, lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước sẽ giảm đi" - đại biểu Phong nói.

Đúng quy trình, sai kết quả: Họ không yếu kém mà rất tinh vi!

Cũng liên quan đến vấn đề bổ nhiệm nhân sự, bên hành lang Quốc hội sáng nay, đại biểu Dương Trung Quốc đã trao đổi với báo chí về vấn vụ bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh. 

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc thời kỳ ông Thanh lãnh đạo TCTy xây lắp dầu khí, thua lỗ hơn 3000 tỷ đồng, nhưng lại được đề bạt vị trí cao hơn có phải là thể hiện sự yếu kém trong đề bạt cán bộ hay không, ông Dương Trung Quốc nói: "Tôi không dùng chữ yếu kém mà là kẽ hở để người ta lách. Họ tinh vi lắm chứ không yếu kém chút nào. Điều này trở thành không bình thường. Người có trách nhiệm làm thất thoát tài sản lại được thăng chức. Trong khi đó, chúng ta luôn luôn nói đến trách nhiệm, nhưng trách nhiệm lại là khái niệm rất trìu tượng. Chúng tôi nghĩ lúc này phải gắn với trách nhiệm cá nhân là hết sức quan trọng. Khen chê là phải rõ, cụ thể."

"Có điệp khúc mà mọi người hay nói: "Quy trình thì đúng mà kết quả thì sai", là vấn đề ở đâu? Cái gì cũng do con người làm, tức là phẩm chất của người thực hiện. Điều quan trọng thứ hai là không có sự giám sát của nhân dân. Nếu có cơ chế để người dân giám sát, chắc chắn người dân sẽ phát hiện sớm hơn rất nhiều. Tôi nghĩ câu chuyện PVC thất thoát thì thiên hạ, báo chí đều biết cả, nêu lên rồi. Nhưng không phải câu chuyện đề bạt ông Trịnh Xuân Thanh người dân đều biết đường đi nước bước của họ cho đến khi ngẫu nhiên xuất hiện chuyện biển xe. Điều này thể hiện thông tin không đến người dân, người dân không được giám sát. Nhưng nói cho cùng, cuối cùng vẫn là nhờ người dân, thông qua tiếng nói của phương tiện thông tin đại chúng." - ông Dương Trung Quốc phân tích. 

Trao đổi thêm với báo chí về hiện tượng từ năm 2003 đến nay, nhiều địa phương đã đầu tư công trình với số vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng thực tế nhiều công trình bị bỏ hoang, không đem lại công năng, đại biểu ĐặngThuần Phong khẳng định “Cái đó quá lãng phí.”

“Những công trình đầu tư lớn mà không mang lại hiệu quả, không kích thích tăng trưởng, đặc biệt, số tiền đó không chỉ từ ngân sách, tiền thuế mà còn là tiền vay nước ngoài và cần trả lãi nhiều nơi, nếu lãng phí như vậy mà không rà soát, không điều chỉnh, không xử lý thì có tội với nhân dân.” – ông Đặng Thuần Phong nhấn mạnh và cho rằng, thời gian tới, Quốc hội cần có giám sát chặt chẽ những công trình này, đặc biệt là những công trình liên tục đội vốn đầu tư...

“Phải tránh tình trạng đăng ký công trình, chạy vốn hoặc sang tay..., những vấn đề này gây phản cảm lớn cho xã hội.” – địa biểu Đặng Thuần Phong bức xúc nói.

Theo đại biểu Phong, vì Chính phủ điều hành nên Chính phủ cần sửa vấn đề này trước. “Về góc độ giám sát của Quốc hội, cũng phải cho các bộ phận chức năng rà soát, tính toán chặt chẽ và quy trách nhiệm đến cùng với các công trình không mang lại hiệu quả" - đại biểu Phong đề nghị.

 

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc