Vai trò không thể thiếu của dược sĩ trong giảm nguy cơ tim mạch

16:58, 25/07/2016
|

(VnMedia) - Để giúp giảm tổng thể nguy cơ mắc bệnh tim mạch, người bệnh cần giảm mọi yếu tố nguy cơ có thể thay đổi để phòng tránh chứng đau tim và đột quỵ. Bên cạnh đó, vai trò của các dược sĩ trong việc quản lý nguy cơ tim mạch cũng rất quan trọng.

Trong báo cáo tại hội thảo về chủ đề Vai trò của dược sĩ trong quản lý nguy cơ bệnh tim mạch do Pfizer phối hợp với Hội dược bệnh viện Hà Nội tổ chức tại Hà Nội, ThS.BS Trần Thị An cho biết: “Các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch bao gồm yếu tố liên quan đến hành vi và yếu tố liên quan đến chuyển hóa. Những yếu tố liên quan đến hành vi chính là: Chế độ ăn uống thiếu khoa học, lười vận động, hút thuốc lá, uống rượu độc hại. Bên cạnh đó, những yếu tố liên quan đến chuyển hóa bao gồm: Huyết áp tăng cao, mỡ máu tăng cao (cholesterol cao), lượng đường trong máu cao (đái tháo đường), và béo phì. Đáng lo ngại là các yếu rố rủi ro liên quan đến hành vi và quá trình trao đổi chất có thể cùng tồn tại ở một vài đối tượng và làm tăng tổng nguy cơ mắc bệnh tim mạch của cá nhân lên”.

Để giúp giảm tổng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, người bệnh cần giảm mọi yếu tố nguy cơ có thể thay đổi để phòng tránh chứng đau tim và đột quỵ. Bên cạnh thay đổi lối sống như ngừng hút thuốc lá, giảm lượng muối và chất béo trong khẩu phần ăn, ăn nhiều hoa quả và rau xanh, tham gia hoạt động thể chất thường xuyên, tránh uống rượu độc hại…, người có nguy cơ bệnh tim mạch còn cần tuân thủ điều trị y tế với các bệnh cao huyết áp, cholesterol cao và đái tháo đường. Kiểm soát và điều trị tốt cholesterol và cao huyết áp là yếu tố then chốt giúp giảm nguy cơ bị tim mạch.

Các dược sĩ khi tham dự đã được trao chứng chỉ thực hành được cấp bởi Hội Dược bệnh viện Hà Nội, đây là 1 điểm đặc biệt trong hội thảo lần này.
Các dược sĩ khi tham dự đã được trao chứng chỉ thực hành được cấp bởi Hội Dược bệnh viện Hà Nội, đây là 1 điểm đặc biệt trong hội thảo lần này.

Tại buổi hội thảo, các chuyên gia đầu ngành cũng đồng ý rằng dược sĩ đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn, nâng cao mức độ tuân thủ cho bệnh nhân về điều trị. Nhấn mạnh về điều này, bác sĩ Trần Thị An cho biết: “Dược sĩ có thể giúp bệnh nhân tăng cường hiểu biết về căn bệnh và cách phòng bệnh, đưa ra các khuyến nghị về liều thuốc theo khẩu phần ăn uống/lối sống, cung cấp thông tin và tài liệu hỗ trợ về tình trạng sức khỏe và các phác đồ điều trị, cũng như tư vấn về tính hiệu quả và an toàn của phác đồ điều trị. Dược sĩ cũng có thể tác động, cải thiện mức độ tuân thủ điều trị của bệnh nhân như: thường xuyên theo dõi để tăng cường mức độ tuân thủ lâu dài, sẵn sàng tiếp cận để giám sát phác đồ điều trị, theo dõi các tác dụng ngoại ý, tương tác thuốc, việc sử dụng thuốc đúng cách…”.

Tâm lý của bệnh nhân khi trao đổi cùng dược sĩ tại các hiệu thuốc công cộng về các cách thức chăm sóc khỏe, hiệu quả của thuốc, liều lượng uống, chế độ dinh dưỡng phù hợp, việc sử dụng thuốc lâu dài… thường rất thoải mái. Điều này là một lợi thế lớn cho dược sĩ để có thể góp phần làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch khi giúp bệnh nhân tuân thủ tốt việc điều trị và có hiểu biết cặn kẽ về sức khỏe của mình.

Theo PGS.TS.BS Vũ Bích Nga, những biện pháp giúp tăng cường mức độ tuân thủ điều trị ở bệnh nhân mà dược sĩ có thể thực hiện là: Điều chỉnh thuốc theo thói quen hàng ngày của bệnh nhân, đơn giản hóa chế độ dùng thuốc nếu có thể, sử dụng các bao bì đóng gói đơn vị sử dụng, thảo luận với bệnh nhân về các rào cản tuân thủ có thể xảy ra như tác dụng ngoại ý, tính phức tạp của chế độ trị liệu…

Đặc biệt, với sự tham gia của dược sĩ thông qua tư vấn trực tiếp với bệnh nhân cho thấy đã cải thiện tỷ lệ tuân thủ lâu dài theo phác đồ điều trị. Có thể thấy, tất cả mọi nỗ lực của dược sĩ trong việc tư vấn và tăng mức độ tuân thủ điều trị của bệnh nhân đều giúp ích rất nhiều cho quá trình điều trị. Cụ thể như ở cao huyết áp, việc bệnh nhân không tuân thủ dùng thuốc hạ huyết áp thường là nguyên nhân gây mất kiểm soát huyết áp.

Dự kiến mức độ tuân thủ cải thiện đối với phác đồ điều trị tăng huyết áp có thể ngăn chặn đến 89.000 ca tử vong sớm ở Mỹ mỗi năm. Bác sĩ nhấn mạnh tại hội thảo: “Dược sĩ là các chuyên gia y tế rất dễ tiếp cận và là tài sản quý giá trong quá trình điều trị huyết áp cao”. Với những tư vấn cụ thể và những tác động góp phần nâng cao tuân thủ điều trị ở bệnh nhân, dược sĩ là những người có thể giúp ích bệnh nhân rất nhiều trong việc phòng chống, điều trị cao huyết áp, cao mỡ máu, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong vì bệnh tim mạch hàng năm.

Hội thảo về chủ đề Vai trò của dược sĩ trong quản lý nguy cơ bệnh tim mạch do Pfizer phối hợp với Hội dược bệnh viện Hà Nội tổ chức tại Hà Nội vừa diễn ra với sự tham gia của hơn 300 dược sĩ, chuyên gia y tế địa phương. Sau buổi hội thảo, các dược sĩ được trao chứng chỉ thực hành được cấp bởi Hội Dược bệnh viện Hà Nội, đây là 1 điểm đặc biệt trong hội.

Hội thảo có sự tham gia của Tiến sĩ dược sĩ Phạm Minh Hưng - Chủ tịch Hội Dược Bệnh viện Hà Nội, với cai trò là Chủ tọa. Hội thảo còn có sự hiện diện của các báo cáo viên: ThS.BS Trần Thị An - trưởng khoa Nội bệnh viện Tim Hà Nội, PGS.TS.BS Vũ Bích Nga - cán bộ Bộ môn Nội tổng hợp, phó Viện trưởng viện Nội tiết - đái tháo đường, Đại học Y Hà Nội.

Hiền Mai


Ý kiến bạn đọc