Sửa Bộ luật Hình sự: "Chưa ai đề xuất sửa Điều 292"

08:00, 08/07/2016
|

(VnMedia) - Tại buổi họp báo công tác tư pháp quý II chiều ngày 7/7, Người phát ngôn – Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chân thành chia sẻ, trong việc lùi thời hạn thi hành Bộ luật Hình sự 2015, với tư cách là cơ quan soạn thảo, Bộ Tư pháp có phần trách nhiệm.

Theo Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, việc xây dựng văn bản pháp luật theo trình tự, thủ tục được quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đối với Bộ luật Hình sự sắp tới sửa đổi, bổ sung, Bộ Tư pháp đang phối hợp với các cơ quan của Quốc hội lên kế hoạch để tiến hành sửa đổi.

  “Còn trách nhiệm thì theo quy trình của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Với tư cách là cơ quan soạn thảo, Bộ Tư pháp có phần trách nhiệm trong việc này. Còn xử lý trách nhiệm thế nào, quy trách nhiệm cho ai, mức độ thế nào thì chúng tôi chờ chỉ đạo của các cơ quan cấp trên”.

Nói rõ thêm về việc lùi Bộ luật đặc biệt quan trọng này, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, đối với những sai sót của Bộ luật Hình sự thì sẽ phải sửa. Còn những vấn đề có lợi cho các đối tượng áp dụng, nghị quyết của Quốc hội đã quyết định tiếp tục áp dụng.

“Đây là điều rất tốt vì theo tinh thần Hiến pháp là bảo đảm quyền con người, quyền công dân” – bà Nguyễn Thị Kim Thoa nói.

Liên quan đến Điều 292, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về vấn đề khởi nghiệp đang gây lo lắng trong dư luận, đặc biệt là đối với các nhà sáng chế, sáng tạo phần mềm, theo bà Kim Thoa, đây không phải nguyên nhân để lùi thi hành Bộ luật Hình sự.

Cũng theo bà Kim Thoa, đến nay, chưa có ai đề xuất sửa Điều 292 bởi quy định này để bảo đảm doanh nghiệp nào cũng phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, bởi trên mạng viễn thông rất ảnh hưởng tới người dân và doanh nghiệp.

“Đây là điều kiện kinh doanh, phải bảo vệ doanh nghiệp chân chính, đảm bảo sự bình đẳng trong kinh doanh. Những nhà sáng tạo phần mềm khởi nghiệp không sợ vi phạm Điều 292 này”, ông Dũng khẳng định.

Trần Tiến Dũng
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng

 

Chia sẻ thêm với VnMedia bên lề cuộc họp báo bà Thoa cho biết, những sai sót thuộc về kỹ thuật chứ không phải là sai sót về chính sách. “Quá trình làm luật bởi các chủ thể khác nhau là quá trình làm chính sách, không có đáp án để nói rằng luật đó đúng hay sai. Tuy nhiên, kỹ thuật lập pháp làm cho chính sách thay đổi” – bà Nguyễn Thị Kim Thoa giải thích.

Phân tích thêm khi phóng viên đề cập đến trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, bà Thoa nói:

“Khi xây dựng luật, chúng ta thành lập Ban soạn thảo tổ biên tập để tham mưu, cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, lấy ý kiến các cơ quan tổ chức, sau đó quyết định trình Chính phủ và Chính phủ trình Quốc hội. Quá trình làm luật bởi các chủ thể khác nhau là quá trình hoàn thiện chính sách. Chính phủ trình sang Quốc hội rồi đến khâu thẩm tra. Tại Kỳ họp lần thứ nhất, các Đại biểu Quốc hội lại nghiên cứu để hoàn thiện. Theo quy trình, lúc đó Quốc hội chủ trì và Chính phủ chỉ còn là vai trò phối hợp.

Giữa hai kỳ họp, các đại biểu lại tiếp tục góp ý, lấy ý kiến nhân dân, lấy ý kiến các đoàn Đại biểu Quốc hội… Tại cuộc họp lần thứ hai, Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo về những vấn đề chỉnh lý, các đại biểu Quốc hội lúc đó xem xét và bấm nút. Khi đó, Luật là kết quả chung, vì vậy, nếu có khiếm khuyết thì đó cũng là trách nhiệm chung”.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc