Quốc hội chịu trách nhiệm gì về vụ Formosa?

19:17, 21/07/2016
|

(VnMedia) - Như VnMedia đã đưa tin, bên hành lang Quốc hội ngày 21/7, nhiều đại biểu đã bày tỏ chính kiến đối với vụ việc Formosa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung và nguy cơ gây hại đến môi trường sinh thái trong vài chục năm tới.

Về vấn đề này, chiều cùng ngày, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) khi trả lời câu hỏi từ câu chuyện Formosa rằng, phải chăng công tác giám sát hoạt động của Quốc hội với các cơ quan hành pháp phải được chú trọng hơn, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã đồng tình: “Đúng là việc giám sát của Quốc hội đối với các cơ quan hành pháp cần phải nỗ lực hơn, sâu sát hơn và kiên quyết hơn. Nhiệm kỳ này phải rút kinh nghiệm".

“Trong Quốc hội, chúng ta còn có hiện tượng cả nể. Do đó, các ủy ban phải làm đúng vai trò của mình hơn. Các đại biểu Quốc hội khi đã là đại biểu dân cử rồi thì phải đặt trách nhiệm dân cử lên cao hơn và tránh tình trạng nể nang. Chính tình trạng nể nang này làm cho việc giám sát không đến nơi đến chốn, khi cần làm thì không làm. Với những hành vi như đã được phanh phui trên công luận, có thể thấy công tác hành pháp đã sơ hở. Có lúc tôi có cảm giác như cơ quan quản lý nhà nước đã bất lực trước những sai phạm đó, kể cả ở cấp trung ương và cấp địa phương" - đại biểu Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn bày tỏ.

“Nhưng với Formosa thì không thể cả nể nữa và phải thành lập ngay Ủy ban lâm thời để điều tra" - ông Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Trong khi đó, Tổng thư ký Quốc hội khóa 13 Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, hiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa nhận được ý kiến này và nếu có thành lập Ủy ban lâm thời thì phải có quy trình, theo quy định của pháp luật.

Quốc hội giám sát chưa nghiêm túc

Cũng nêu quan điểm về vấn đề giám sát của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương khi trao đổi bên hành lang thừa nhận: “Nếu như căn cứ vào việc thực hiện giám sát của Quốc hội nhiệm kỳ 13 thì tôi nghĩ việc thực hiện chưa thực sự nghiêm túc".

“Rất nhiều vấn đề Quốc hội đã đưa ra vào chương trình giám sát của mình nhưng không được thực hiện. Rất nhiều cuộc giám sát có kết luận, nghị quyết của Quốc hội về vấn đề đó nhưng không được thực hiện nghiêm túc" - đại biểu Nguyễn Sĩ Cương nhấn mạnh thêm.

Nguyễn Sĩ Cương
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương - ảnh: Tuệ Khanh

Nêu quan điểm về việc những Bộ trưởng của khóa trước đã để lại sai phạm, ông Nguyễn Sĩ Cương chia sẻ: “Đó là một vấn đề mà tôi cho dư luận rất bức xúc và cần tránh tình trạng hạ cánh an toàn. Vẫn có tâm lý khi hết nhiệm kỳ, không còn chức danh bên chính quyền, chỉ là Đảng viên thường, không có chức danh bên Đảng thì việc kỷ luật không thực sự nghiêm túc. Tôi nghĩ rằng, có thể người đó không còn chức danh về mặt chính quyền nhưng cần phải xem xét nghiêm túc với tư cách Đảng viên và kỷ luật với Đảng viên".

Ông cũng chia sẻ thêm: “Khi tôi đi tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử, cử tri hỏi tôi có áy náy gì và điều gì không thực sự thỏa mãn với trách nhiệm của đại biểu Quốc hội? Tôi có nói với cử tri là tôi chất vấn rất nhiều với tinh thần xây dựng nhưng rất tiếc là có những vấn đề chất vấn không được trả lời một cách đúng mức, thực hiện nghiêm túc. Ví dụ như với Bộ Công Thương, không chỉ vấn đề nhân sự, tuyển dụng như tôi đã chất vấn mà còn rất nhiều vấn đề khác. Thực tế, trong thời gian tới, cần giám sát thêm những chức năng, nhiệm vụ".

“Hoạt động giám sát của Quốc hội là tối cao nhưng có lẽ chỉ dừng ở một mức độ nhất định, còn nói giám sát của Quốc hội giải quyết tất cả các vấn đề thì có lẽ còn có khoảng cách. Chính vì vậy, hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Đảng, Chính quyền phải nâng cao hơn nữa. Xét cho cùng, trong một năm Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thực hiện được mấy cuôc giám sát, trong khi đó vấn đề bức xúc của xã hội rất lớn. Bây giờ nếu trông chờ vào hoạt động giám sát của Quốc hội mang lại thực sự hiệu quả trong hoạt động điều hành quản lý thì tôi nghĩ là không thực sự mang lại hiệu quả" - ông Nguyễn Sĩ Cương thẳng thắn nói.

Nói về sự phân cấp cho chính quyền địa phương, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương bày tỏ: “Chúng ta nói về chính quyền địa phương là điều rất đáng buồn. Tôi vẫn nói là nếu thực sự bộ máy chính quyền địa phương có đội ngũ cán bộ công chức đạt chuẩn thì có lẽ không đến mức rất nhiều vấn đề xảy ra ở địa phương mà chính quyền cái gì cũng không biết, cái gì cũng không chịu trách nhiệm cả. Xã hội rất bức xúc. Tôi đã từng tham gia ý kiến với Quốc hội là bộ máy chính quyền địa phương bộ phận nào cũng có, đội ngũ cán bộ công chức thì tinh giảm biên chế mấy chục năm vẫn cồng kềnh nhưng khi nói vấn đề xảy ra ở địa phương thì cái gì cũng không biết, không chịu trách nhiệm, đó là điều rất đáng tiếc.”

Bên hành lang Quốc hội vào chiều 22/7, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà bày tỏ sự ủng hộ với việc tham gia giám sát của Quốc hội.

"Tôi cho rằng, nếu có sự tham gia của Quốc hội thì càng tốt, càng cần. Chính phủ chắc chắn sẽ rất hoan nghênh nếu có giám sát Quốc hội, bởi giám sát Quốc hội là trực tiếp. Hiện nay chúng ta có Mặt trận tổ quốc, cơ quan Nhà nước, Quốc hội giám sát tối cao, ở góc độ pháp luật, các chủ trương lớn".

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng băn khoăn: “Nhưng có cần Ủy ban giám sát lâm thời hay không khi các Ủy ban Quốc hội đang thực hiện như thế thì cái đó phải xem, còn giả sử Quốc hội nếu cần thì sẽ xem xét".

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc