Quảng Bình kiến nghị xử lý trường hợp tiếp tay cho Formosa

07:08, 23/07/2016
|

(VnMedia) - Đoàn đại biểu Quảng Bình kiến nghị xử lý nghiêm những trường hợp tiếp tay cho Formosa gây ảnh hưởng đến môi trường; kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành quan tâm, giải quyết dứt điểm, đặc biệt là hậu quả môi trường biển.

Nguyễn Ngọc Phương
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Chiều 22/7, ông Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh uỷ viên, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã trao đổi với báo chí về những hậu quả nặng nề sau vụ Formosa.

- Cử tri và nhân dân hiện đang rất quan tâm đến vấn đề trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm Formosa. Ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Ngọc Phương: Formosa là chủ đề mà cử tri, nhân dân cả nước nói chung và của Quảng Bình nói riêng hết sức quan tâm, bởi hậu quả của nó rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Chính Formosa đã làm ảnh hưởng tới niềm tin của người dân đối với một số tổ chức và cá nhân liên quan đến Formosa, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội.

Để giải quyết được dứt điểm vấn đề này, cử tri Quảng Bình nói riêng và cử tri cả nước trong đó có các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh mong muốn rằng, làm thế nào để giải quyết được hậu quả mà Formosa gây ra. Đặc biệt là quan tâm đến xử lý những cá nhân, tổ chức có liên quan để xảy ra vấn đề ô nhiễm môi trường thời gian vừa qua.

- Nhiều thông tin gần đây cho thấy, tình trạng chôn lấp chất thải độc hại của Formosa diễn ra ở rất nhiều nơi, thậm chí cả nơi rất xa như tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, khi phóng viên tác nghiệp, chính bảo vệ công ty chôn lấp này đã có hành vi hành hung phóng viên ngay tại hiện trường. Điều này chứng tỏ vấn đề Formosa càng trở nên rất nóng, ông bình luận về vấn đề này như thế nào?

Qua hiện tượng Formosa đã hé lộ các vấn đề khác, tạo ra hậu quả khó lường cho thời gian tới. Sự cố môi trường tại Formosa làm bức xúc cho người dân và báo chí vào cuộc rất tích cực. Việc hành hung báo chí cần phải xử lý nghiêm để tạo niềm tin cho người dân.

- Là đại biểu Quốc hội của tỉnh Quảng Bình, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra, ông có mong muốn gì để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại Kỳ họp thứ nhất này?

Trong kỳ họp này, theo mong muốn của Đoàn đại biểu Quảng Bình là được đóng góp ý kiến tại nghị trường liên quan đến sự cố Formosa. Ý kiến phát biểu của đoàn sẽ tập trung vào phản ánh tình hình thực trạng của Formosa đã gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân bám biển, trong đó có nói đến dịch vụ kéo theo là du lịch và các dịch vụ khác.

Đồng thời, chúng tôi sẽ kiến nghị xử lý nghiêm những trường hợp tiếp tay cho Formosa gây ảnh hưởng đến môi trường; kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành quan tâm, giải quyết dứt điểm, đặc biệt là hậu quả môi trường biển.

Tiếp đó, cũng có kiến nghị Chính phủ và nhân dân cả nước hỗ trợ nhân dân Quảng Bình khắc phục hậu quả và đặc biệt là tạo điều kiện để người dân cải hóa nghề nghiệp phát triển các ngành của mình trong du lịch. Cụ thể là nhân dân tiếp tục đến du lịch Quảng Bình, đừng để ngành du lịch Quảng Bình bị phá sản, hoặc tạo điều kiện để ngư dân Quảng Bình đánh bắt xa bờ tạo kế sinh nhai trong thời gian sắp tới.

- Theo ông, vai trò giám sát của Quốc hội trong vụ Formosa như thế nào?

Lĩnh vực xã hội xảy ra rất nhiều vấn đề, còn giám sát của Quốc hội thì cũng có mức độ, tùy nội dung, trách nhiệm chính vẫn là các cơ quan chức năng quản lý. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, lẽ ra cơ quan chức năng phải bám sát, theo dõi, kiểm tra, thẩm định đánh giá tác động của môi trường, còn Quốc hội thì giám sát cũng quan tâm nhưng cũng có những vấn đề xảy ra bất thường mà Quốc hội không thể lường trước được.

Theo tôi, trong thời gian tới, Quốc hội cần phải quan tâm mạnh mẽ hơn, giám sát kỹ hơn và có những kế hoạch giám sát chuyên đề về môi trường, có như vậy mới khắc phục được tình trạng xảy ra như thời gian vừa qua.

- Có đại biểu cho rằng nên lập một Ủy ban lâm thời để giám sát các vấn đề về môi trường ở Formosa, ý kiến của ông như thế nào?

Tôi nghĩ hiện nay chúng ta có đầy đủ cơ quan chức năng để giám sát, không nhất thiết phải thành lập cơ quan lâm thời để giám sát, làm như thế cũng rất phiền hà. Vấn đề ở chỗ là bây giờ đã phát hiện ra rồi và cần phải xử lý như thế nào, khắc phục trong thời gian tới ra sao chứ không cần cái gì cũng phải thành lập một Ủy ban lâm thời.

-  Ông đánh giá như thế nào về hệ thống văn bản chính sách trong lĩnh vực môi trường?

Có thể nói hiện nay hệ thống văn bản về bảo vệ môi trường đã có và văn bản này đủ để điều tiết, kiểm soát vấn đề ô nhiễm. Hạn chế nhất vẫn là năng lực quản lý. Thứ hai là một bộ phận cán bộ của các bộ ngành và trực tiếp liên quan đến môi trường chưa hoàn thành trách nhiệm của mình. Đây là vấn đề cần phải chấn chỉnh trong thời gian tới và cũng có thể trong đó có những tiêu cực do lót tay của các doanh nghiệp tiếp tay cho cán bộ của mình, tạo điều kiện để vấn đề ô nhiễm môi trường xảy ra

- Theo ông, có thể kêu gọi người dân cả nước đến Quảng Bình du lịch để ủng hộ người dân Quảng Bình bằng cách nào?

Đến du lịch Quảng Bình không chỉ tắm biển và ăn hải sản mà còn rất nhiều danh lam thắng cảnh khác hấp dẫn như tham quan các hang động và nếu không được tắm biển thì có thể tắm suối. Hiện nay ở Quảng Bình có suối Nước Mọc là suối mà khách du lịch đến rất đông. Còn không ăn được hải sản thì Quảng Bình cũng có nhiều đặc sản khác. Nếu thoả mãn nhu cầu về du lịch thì người dân có thể không đến, nhưng chia sẻ với người dân Quảng bình thì theo tôi nghĩ là ngoài việc ủng hộ bằng tiền và các vật chất khác có thể ủng hộ bằng cách này.

-  Nhưng Quảng Bình cũng cần phải có các chính sách để kích cầu chứ không thể nói suông được?

Đúng. Hiện nay Quảng Bình cũng có những kêu gọi để kích cầu. Ví dụ như tất cả các nhà hàng, khách sạn đều kêu gọi giảm giá 20-30%, rồi các điểm du lịch ở Quảng Bình hiện nay cũng đều giảm giá 20-30%. Hiện nay các hang động, tour tuyến cũng đã triển khai giảm giá và Quảng Bình cũng đang tập trung tuyên truyền để chứng minh cho người dân là hiện nay biển ở Quảng Bình đã tắm được thông qua các thông số đo đạc và quan trắc môi trường. Tuy nhiên, người dân hiện nay vẫn còn rụt rè, chưa dám tắm và chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với tâm lý của người dân.

- Xin cảm ơn ông!

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc