Ngành điện "ăn không" hàng trăm tỉ đồng mỗi dự án BĐS?

09:00, 18/07/2016
|

Theo quy định, ngành điện, nước phải có trách nhiệm kéo đồng hồ đến từng căn nhà. Nhưng lâu nay ở hầu hết các dự án bất động sản, chủ đầu tư thường phải tự bỏ tiền ra làm thay rồi 'biếu' không cho các 'ông lớn' độc quyền này.

bất động sản
Ảnh minh họa

Chủ đầu tư một dự án bất động sản (BĐS) ở Q.7, TP.HCM, cho biết công ty ông làm dự án có tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỉ đồng. Tính riêng chi phí đầu tư hệ thống điện, nước chiếm trên 1% tổng giá trị toàn công trình, tương đương 120 tỉ đồng. "Số tiền này không hề nhỏ với bất kỳ doanh nghiệp (DN) nào, nhất là trong bối cảnh hiện nay", vị này nói. Tương tự, chi phí làm điện, nước tại dự án Sunrise City (Q.7) cũng “ngốn” của công ty hơn 180 tỉ đồng. Ngay sát bên đó, dự án HimLam Kênh Tẻ cách đây mấy năm cũng phải bỏ ra 33 tỉ đồng chỉ để đầu tư hệ thống điện, chưa tính đến hệ thống cấp nước...

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, bất hợp lý lớn nhất hiện nay mà gần như 100% các DN BĐS đều gặp là họ phải bỏ chi phí đầu tư đấu nối toàn bộ hệ thống lưới điện trung thế, trạm biến thế, lưới điện hạ thế, nước sạch... đến tận từng căn hộ, sau đó bàn giao lại toàn bộ tài sản này cho các DN điện, nước địa phương mà không được bồi hoàn. Trong khi theo luật, phần đầu tư này là trách nhiệm của 2 ngành điện, nước.

Muốn “biếu” cũng phải chi !

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, bức xúc: “Theo luật Điện lực, ngành điện muốn bán điện thì phải gắn đến từng căn nhà. Sau lưng đồng hồ, DN mới phải đầu tư. Nhưng thực tế DN BĐS phải làm hết từ ngoài đường đến tận đồng hồ và cả sau lưng đồng hồ. Sau đó bàn giao lại cho điện lực, họ chỉ cần đến nhận tài sản này để đưa vào kinh doanh”. Lý giải thực tế này, ông Nghĩa nói: “Nếu chờ được mấy “ông” điện, nước xuống đầu tư thì không biết bao giờ dự án mới hoàn thành và giao nhà cho khách hàng được”.

Nhưng muốn "biếu không" tài sản cho ngành điện cũng không đơn giản, có lúc họ không thèm nhận. Vì nếu nhận, trong quá trình vận hành bị hư hỏng thì ngành điện phải sửa chữa; ngược lại nếu không bàn giao thì DN phải chịu trách nhiệm trong khi ngành điện vẫn bán điện và thu tiền. “Bàn giao bị làm khó làm dễ, phải chi tiền họ mới chịu nhận. Khi bàn giao phải làm dự toán tài sản như nhà nước đầu tư và ký biên bản bàn giao tài sản mà không yêu cầu bồi thường. Không chỉ điện, mà hiện nay đối với việc cấp nước các DN BĐS cũng phải đầu tư hết. Công ty cấp nước chỉ gắn đồng hồ tổng ở ngoài để thu tiền. Thất thoát nước bên trong dự án thì người dân hoặc chủ đầu tư chịu”, ông Nghĩa cho hay.

Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Thuduc House, cũng “tố”: “Điện lực mặc dù bán điện, thu tiền khách hàng nhưng không đầu tư mà bắt DN BĐS phải đầu tư là chưa hợp lý. Không những thế việc bàn giao cũng khó khăn chứ không phải dễ, thủ tục đủ thứ, sửa đi sửa lại theo ý của họ. Sau khi bàn giao thì bình điện hạ thế công ty điện có quyền “điều” đi nơi khác để sử dụng bất cứ lúc nào”.

Không trồng cây nhưng hái quả ngọt

Lãnh đạo một công ty BĐS đặt vấn đề, hệ thống điện, nước là tài sản của DN BĐS bàn giao miễn phí cho mấy “ông” điện nước, nhưng trên sổ sách lại được ghi nhận là tài sản của các công ty này. Vậy liệu số tiền này có bị các công ty điện lực lấy lại của nhà nước hay không? Mỗi năm điện lực báo cáo với Quốc hội là đầu tư nghìn tỉ này, nghìn tỉ kia, số tiền này lại được hạch toán vào giá điện, vào chi phí đầu tư để góp phần nói rằng giá điện tăng nhưng thực tế một phần không nhỏ là của các DN BĐS, như vậy có sòng phẳng hay không?

Theo ông Lê Hoàng Châu, toàn bộ chi phí làm điện nước, hạ tầng chủ đầu tư phân bổ vào giá bán nhà mà người mua nhà phải gánh chịu. Đây là bất hợp lý rất lớn kéo dài nhiều năm qua. Không những vậy, DN còn bị ép đủ thứ.

Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định đây là “hậu quả” từ cơ chế độc quyền của một số ngành đã được duy trì từ bao lâu nay. Các chủ đầu tư BĐS thường sốt ruột muốn đẩy nhanh tiến độ nhưng ngành điện, nước thì quá đủng đỉnh nên họ sẽ tự đầu tư và nếu đội chi phí lên so với thỏa thuận ban đầu, khó lấy lại khoản đầu tư đó. Lúc đó, đối tượng chịu thiệt chính là người mua nhà.

Giải pháp duy nhất, theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, là phải xóa độc quyền càng nhanh càng tốt. Chiếc áo độc quyền được khoác cho các ngành quan trọng như điện, nước, hàng không… nay đã quá chật. Riêng về điện, muốn giảm độc quyền, cần đa dạng hóa nguồn điện, phải có dự án điện mặt trời cho từng hộ gia đình, lúc đó, tình hình này sẽ khác. Đây là xu hướng của cả thế giới hiện đại đang hướng tới. Ngay tại châu Á, Singapore là quốc đảo có nhiều dự án tòa nhà cao ốc thì đa số các dự án đều phát triển điện mặt trời, tiết giảm tối đa việc phụ thuộc chỉ vào ngành điện truyền thống như hiện nay. "VN sẽ phải theo con đường đó bởi khi có nhiều lựa chọn chúng ta mới bảo đảm được tính cạnh tranh tốt, minh bạch và công bằng trong nền kinh tế thị trường được. Và thực tế, giảm độc quyền sẽ mang lại lợi ích cho chính những ngành điện, nước… bởi họ hiểu rằng, chiếc áo độc quyền họ được ưu ái khoác lâu nay đã quá chật", tiến sĩ Doanh nói và khuyên đại diện các hiệp hội, DN BĐS nên kiến nghị vấn đề này với Bộ Công thương để có hướng dẫn cách xử lý hợp lý.

Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, cho rằng đã có quy định đầu tư hạ tầng điện nước thuộc trách nhiệm hai ngành điện nước và tiền đầu tư cũng từ ngân sách nhà nước mà có. Việc không đầu tư nhưng đến “gặt hái” quả ngọt là điều phi lý và bất công trong nền kinh tế thị trường.

Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng luật đã quy định ngành điện, nước phải đầu tư hạ tầng đến từng căn hộ. Tuy nhiên, để được hai “ông” này bỏ tiền ra đầu tư cho các dự án BĐS là cả một hành trình gian nan và trên thực tế hầu như ngành điện, nước không bỏ tiền ra đầu tư hạ tầng cho dự án nào. "Ông bán điện, nước thu lời nhưng lại không đầu tư hệ thống hạ tầng là một điều vô lý; thậm chí là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến lợi ích của khách hàng vì chi phí này cũng được tính vào giá bán", luật sư Phượng nhấn mạnh và kiến nghị: “Đã đến lúc các công ty địa ốc không thể nhún nhường hai “ông” điện, nước vì họ cũng chỉ là 2 DN, cũng kinh doanh thu lời. Bộ Công thương, UBND các địa phương cần phải rà soát lại hoạt động của 2 ngành này, không để cho họ lợi dụng khe hở, sự nhún nhường của các DN BĐS để thu lời bất chính”.

Theo Thanh Niên


Ý kiến bạn đọc