Lộ thêm nhiều văn bản cấp "khống" tại Tổng cục thủy sản

14:43, 21/07/2016
|

(VnMedia) - Không chỉ phát hiện ra 3 văn bản bị làm giả mạo, phóng viên VnMedia còn tiếp tục phát hiện ra 3 công văn cấp lưu hành “khống” cho hàng trăm sản phẩm phục vụ ngành nuôi trồng thủy sản. 

Phát lộ nhiều văn bản ban hành trái pháp luật

Theo điều tra của PV, cùng với thủ đoạn tương tự là cắt, ghép, làm giả phụ lục và đóng dấu lưu hành của Tổng cục thủy sản, nhóm của ông Bùi Đức Quý không chỉ làm giả 3 văn bản mang số 758, 1789 và 1526 mà còn tiếp tục làm giả 3 công văn khác mang số hiệu 1382/TCTS-VP ngày 3/5/2013 và 663/TCTS-TTKN ngày 22/3/2013 và công căn 2545/TCTS-TTKN ngày 25/9/2013.

Theo kết quả xác minh của đoàn thanh tra Tổng cục Thủy sản, công văn 1382 có hai bản trùng 1 số công văn, trùng ngày cấp. Công văn 1382 được lưu bản gốc trong hệ thống quản lý văn bản của Văn thư Tổng cục có nội dung “về cấp phép nhập khẩu hàng hóa chuyên ngành thủy sản”.

Trong khi đó, công văn 1382 được phát hành mang nội dung “xác nhận các sản phẩm đáp ứng yêu cầu bổ sung vào danh mục được phép lưu hàng”. Kèm theo đó, là 1 bản phụ lục danh mục sản phẩm với 186 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản được đưa vào lưu hành trái pháp luật.

Tiếp tục, công văn 663 và 2545 cũng bị cắt ghép và nhồi thêm cả trăm sản phẩm kém chất lượng vào phụ lục để lưu hành.

Khai nhận với đoàn xác minh, ông Bùi Đức Quý (nguyên Giám đốc Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản) cho biết, sau khi ký nháy vào các trang phụ lục, ông Quý đưa cho bà Nguyễn Thị Hà là người tổng hợp phụ lục trình ký lãnh đạo Tổng cục và ông Lê Tuấn Anh (nguyên phó phòng hành chính) là người cấp số công văn và đóng dấu.

Vậy, bà Nguyễn Thị Hà đã mang công văn trình lãnh đạo nào của Tổng cục Thủy sản ký? Trong bản kết luận không thấy đề cập đến vấn đề này.

Tại buổi làm việc với phóng viên ngày 20/7, ông Dương Văn Cường - Chánh văn phòng Tổng cục Thủy sản khẳng định, Lãnh đạo Tổng cục không ký "tươi" vào các cặp công văn bị làm trùng này. Tất cả là do các đối tượng cắt ghép và đóng dấu “khống”.

Tuy nhiên, có 1 điều khó hiểu, nếu văn bản đã đóng dấu đỏ mà không có chữ ký tươi của lãnh đạo thì các đối tượng làm sao có thể dễ dàng cầm văn bản này để bán cho các doanh nghiệp với giá hàng tỷ đồng!?. Vậy, rất có thể các đối tượng đã "lừa" lãnh đạo Tổng cục ký vào các văn bản này.

Chính vì vậy, dư luận đang rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ.

Cắt chức cán bộ tham ô chuẩn bị nghỉ hưu

Trong bản kết luận của đoàn xác minh, các đối tượng khai trả công cho ông Bùi Đức Quý là 5 triệu đồng/sản phẩm. Với hơn 800 sản phẩm, khả năng ông Quý đã nhận khoảng hơn 4 tỷ đồng từ các đối tượng. Khoản tiền đút lót đã được các đối tượng chuyển khoản nhiểu lần vào tài khoản của ông Quý và bà Hà.

Theo thông tin từ ông Chánh văn phòng Tổng cục Thủy sản, các đối tượng này đã nộp lại khoản tiền là 1,2 tỷ đồng vào tài khoản của Thanh tra Tổng cục. Như vây, việc các đối tượng thu lợi bất chính hàng tỷ đồng, nhưng buộc khắc phục vài trăm triệu/người là quá ít. Việc xử lý của Tổng cục thủy sản đã quá nương nhẹ cho các đối tượng.

Hơn nữa, Tổng cục thủy sản đã ra quyết định cắt chức ông Bùi Đức Quý, khai trừ ông Quý ra khỏi Đảng. Song, theo tìm hiểu của PV, thời điểm cắt chức, ông Quý chỉ làm còn 2 tháng nữa là đến tuổi nghỉ hưu. Cùng với ông Quý, có 5 cán bộ công chức của Tổng cục và Trung tâm liên quan đến vụ việc cũng bị đuổi việc…

Tuy nhiên, dư luận cho rằng, hình thức xử lý như vậy là quá nhẹ so với hành vi mà các đối tượng gây ra. Với những chứng cứ đã được xác thực, lẽ ra Tổng cục thủy sản phải chuyển vụ việc cho cơ quan cảnh sát điều tra để khởi tố hình sự các đối tượng này và điều tra mở rộng thêm vụ án.

Khánh An


Ý kiến bạn đọc