Hình phạt nào cho cháu Chủ tịch xã dùng dao đâm chết người?

08:54, 31/07/2016
|

(VnMedia) - Theo luật sư, hành vi phạm tội của Trần Bá Triển đã có dấu hiệu phạm tội Giết người. Tội phạm và hình phạt được qui định tại điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS với tình tiết định khung có tính chất côn đồ.

Ngày 27/7, Công an huyện Chương Mỹ cho biết, đơn vị này đang phối hợp với các phòng chức năng CATP Hà Nội điều tra làm rõ vụ án mạng xảy ra chiều 26/7 tại thôn Thanh Nê, xã Thanh Bình, Chương Mỹ.

Theo thông tin ban đầu, nạn nhân là anh Nguyễn Văn Nam (SN 1993, trú tại thôn Thanh Nê), nghi phạm gây án là Trần Bá Chiển (SN 1977, cùng ở thôn Thanh Nê). Được biết, Chiển là cháu của Chủ tịch UBND xã Thanh Bình.

Hiện trường nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Phapluatplus
Hiện trường nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Phapluatplus

Ông Nguyễn Văn Vì, Trưởng thôn Thanh Nê, cho biết, chiều ngày 26/7, anh Nam đi sang nhà Chiển yêu cầu anh này sang xin lỗi gia đình mình vì trước đó Chiển đã đánh ông Nguyễn Văn Tranh (chú của anh Nam) bị thương.

Hai người xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Chiển vào nhà cầm 2 con dao đuổi chém anh Nam. Anh Nam bỏ chạy nhưng bị Chiển đuổi kịp, dùng dao (loại dao chọc tiết lợn) đâm trúng người. Sau khi gây án, Chiển cầm dao bỏ chạy đến nhà anh trai và đã bị cảnh sát bắt giữ sau đó.

Về phần nạn nhân, người dân biết việc xô xát chạy đến thì thấy anh Nam nằm dưới rãnh thoát nước ven đường. Mọi người đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng anh Nam đã tử vong. Quá bức xúc trước hành vi của Chiển, khoảng 16h cùng ngày 26/7, gia đình anh Nam đã mang thi thể nạn nhân đặt giữa nhà nghi phạm.

Nhận tin báo, chính quyền thôn, xã đã đến nhà Chiển, vận động gia đình anh Nam bình tĩnh, không nên kích động mà vi phạm pháp luật.

Về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: Xuất phát từ mâu thuẫn trong việc làm thuê nên Trần Văn Chiển đã dùng quốc đánh trọng thương Nguyễn Văn Chinh. Biết tin chú mình bị đánh nên Trần Văn Nam đã tới nhà của Chiển để yêu cầu xin lỗi vì đã đánh chú mình. Do Chiển không chấp nhận yêu cầu này nên hai bên xảy ra cãi vã. Trong lúc xô xát, Chiển cầm dao nhọn đuổi theo rồi đâm một nhát vào mạn sườn của Nam, khiến nạn nhân gục tại chỗ và tử vong trên đường đi cấp cứu. Hành vi phạm tội của đối tượng thể hiện sự côn đồ hung hãn, coi thường tính mạng người khác và cố tình thực hiện tội phạm đến cùng.

Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt mà đối tượng Chiển đã vào nhà dùng 02 con dao đuổi theo anh Nam. Anh Nam bỏ chạy nhưng bị Chiển đuổi kịp, dùng dao (loại dao chọc tiết lợn) đâm trúng người gây tử vong.

Điều 19, Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật” Quyền sống là một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Mọi hành vi tước đoạt quyền sống của con người trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo qui định của Pháp luật.

Về mặt chủ quan, lỗi của đối tượng là lỗi cố ý trực tiếp. Đối tượng nhận thức rõ hành vi dùng dao đâm vào anh Nam là nguy hiểm đến tính mạng. Hành vi phạm tội của đối tượng đã có dấu hiệu phạm tội Giết người. Tội phạm và hình phạt được qui định tại điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS với tình tiết định khung có tính chất côn đồ.

Luật sư Thơm cho biết thêm, ngoài hành vi đối tượng dùng dao đâm chết anh Nam thì cần thiết phải xem xét hành vi trước đó Trần Văn Chiển đã dùng cuốc gây thương tích cho anh Nguyễn Văn Chinh. Căn cứ vào vị trí và mức độ thương tích của anh Nguyễn Văn Chinh để làm cơ sở xử lý đối tượng.

Nếu đối tượng Trần Văn Chiển dùng quốc gây thương tích lớn ở vị trí trọng yếu mà nguy hiểm đến tính mạng cho anh Nguyễn Văn Chinh nếu không được cấp cứu kịp thời thì sẽ gây tử vong thì đối tượng sẽ bị xử lý về Tội giết người với hậu quả chưa đạt.

Nếu thương tích không nguy hiểm đến tính mạng thì cần thiết phải trưng cầu giám định tỷ lệ thương tật làm căn cứ xử lý đối tượng về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 104 Bộ luật hình sự.

Điều 93. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết nhiều người;

b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

c) Giết trẻ em;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

 


Ý kiến bạn đọc