Formosa: Khi con voi chui lọt lỗ kim!

16:58, 05/07/2016
|

(VnMedia) - Những hậu quả về môi trường do Formosa mang lại đang khiến các nhà lập pháp phải xem xét lại những quy định vè việc cấp phép cho các dự án đầu tư nước ngoài...

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Khoa học và Công nghệ diễn ra sáng nay (5/7), nhiều thông tin về quy trình, quy định thẩm định, cấp phép và những "lỗ hổng" trong Luật đầu tư đã được làm sáng tỏ.

- Xin cho biết, vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc thẩm định công nghệ và cấp phép cho Formosa hoạt động như thế nào?

Ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ: Trong quá trình xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có ý kiến thẩm định về công nghệ nhưng chỉ ở giai đoạn báo cáo đầu tư, có nghĩa là dự án tiền khả thi. Tuy nhiên, theo quy định thì dự án tiền khả thi chỉ nêu sơ bộ về lựa chọn phương án công nghệ, chưa có nội dung phân tích cụ thể về công nghệ.

Theo quy trình thẩm định công nghệ của Luật Đầu tư 2005 thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư không cấp giấy chứng nhận đầu tư mà UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, mà sau này là các Ban quản lý các khu công nghiệp, các khu chế xuất, các khu kinh tế người ta sẽ cấp. Đối với những dự án thuộc thẩm quyền xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư của Thủ tướng Chính phủ thì các cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư phải hỏi ý kiến Bộ, Ngành có liên quan. Vì vậy, khi xem xét cho Formosa, UBND tỉnh Hà Tĩnh có công văn gửi kèm theo báo cáo đầu tư (dự án tiền khả thi), và Bộ Khoa học và Công nghệ đã có công văn  ngày 27/5/2008 trả lời UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Sau bước này, đến phần thiết kế cơ sở thì Bộ Công Thương theo chức năng quản lý chuyên ngành sẽ duyệt thiết kế cơ sở và trong trường hợp đó, họ có thể mời hoặc không mời các cơ quan liên quan đóng góp ý kiến và họ là cơ quan chịu trách nhiệm. Còn việc xem xét cấp phép là thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

formosa
Ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ

- Vậy cụ thể nội dung ý kiến trả lời của Bộ Khoa học và Công nghệ đối với việc lựa chọn công nghệ của Formosa là gì, thưa ông?

Theo hồ sơ mà Formosa trình bày thì họ chỉ nêu công nghệ này là công nghệ lò cao truyền thống nên văn bản chúng tôi cũng chỉ trả lời rằng đây là công nghệ phổ biến đối với các nhà máy luyện thép trên thế giới, chứ không phải là công nghệ mới.

Một điều cần phải thông tin, đó là Luật Đầu tư 2005 quy định nhà đầu tư chịu trách nhiệm về công nghệ, trong khi trước đây, luật Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam quy định là trong hồ sơ phải có giải trình cụ thể về công nghệ. Khi hợp nhất Luật đầu tư trong nước và Luật Đầu tư nước ngoài, phần giải trình công nghệ đã được đơn giản hóa và phần nội dung công nghệ trong bước xin cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ là báo cáo tiền khả thi.

- Bộ Khoa học và Công nghệ khi trả lời rằng đây là một công nghệ phổ biến thì có khẳng định luôn quan điểm là nên hay không nên sử dụng công nghệ này vào vùng biển nhạy cảm đó hay không? Việc thay đổi Luật đầu tư hợp nhất này có phải là điểm yếu, là sự thụt lùi trong việc kiểm soát các công nghệ gây ô nhiễm môi trường hay không? 

Theo quy định, ở giai đoạn này, UBND tỉnh Hà Tĩnh là cơ quan cấp phép Giấy chứng nhận đầu tư, việc xem xét này được gửi cho các Bộ ngành, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ là báo cáo đầu tư, tức là dự án nghiên cứu tiền khả thi. Ở giai đoạn này, tất cả đều rất sơ bộ và chưa có những nội dung cụ thể, ngay cả về công nghệ cũng như vậy.

Về việc nhập  hai luật, Bộ Khoa học và Công nghệ đã từng có ý kiến rằng việc đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ và rút ngắn thời gian xem xét dự án đồng nghĩa với việc không có đủ thông tin để xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trên thực tế, với thông tin được cung cấp trong báo cáo đầu tư đối với dự án Formosa thì Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ có thể có ý kiến được như vậy.

Theo Luật đầu tư mới 2015, các dự án đầu tư tăng cường hậu kiểm, giảm bớt thủ tục tiền kiểm. Có nghĩa là các dự án phải thẩm định về mặt công nghệ chỉ còn là những dự án đầu tư công nghệ sản xuất thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, còn tất cả là người ta cấp đăng ký đầu tư hoặc thông báo đầu tư.

Như vậy, nhà đầu tư chỉ việc gửi hồ sơ và sau một thời hạn nhất định đương nhiên được phép đầu tư. Trong quá trình đóng góp sửa đổi Luật Đầu tư 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề nghị cần tăng cường công tác thẩm định công nghệ nhưng cho đến khi Luật được thông qua, chỉ những dự án sản xuất có sử dụng công nghệ thuộc diện hạn chế chuyển giao thì mới phải thẩm định ở giai đoạn cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Đó là sự bất cập trong việc xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư, vì khi người ta đã lựa chọn công nghệ, về nguyên  tắc bao giờ người ta cũng đưa ra những công nghệ khác nhau để lựa chọn công nghệ tối ưu, từ phương án tối ưu đó mới chọn thiết bị để lắp đặt xây dựng nhà máy. Nhưng nếu chỉ hậu kiểm, khi công nghệ đó không phù hợp, nhà máy đã xây dựng xong, đi vào vận hành mà có vấn đề thì việc sửa chữa, thay thế rất phức tạp.

Tuy nhiên, Luật đã được Quốc hội thông qua, chúng tôi phải chấp hành. Giống như trường hợp Formosa, nếu trước đây thực hiện theo Luật đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì hồ sơ rất đầy đủ, thậm chí cả danh mục các máy móc nhập khẩu vào đều phải thông qua vụ xuất nhập khẩu của Bộ Thương Mại (hiện là Bộ Công Thương). Những thủ tục như vậy hiện nay đều được bỏ qua, chúng tôi đã kiến nghị từ trước khi ban hành luật. Hiện nay chúng tôi chỉ được quyền xem xét theo đúng các quy định của Luật pháp.

Chúng tôi đã có ý kiến nhiều lần, rằng hiện nay các công nghệ vào Việt Nam hầu như không được kiểm soát nên về hồ sơ, chúng tôi chỉ biết như vậy, còn khi xảy ra vấn đề gì rồi, lúc đó người ta mới hỏi đến bộ Khoa học và Công nghệ. Đó là lỗ hổng trong hệ thống văn bản pháp lý hiện nay. Với công nghệ, khi anh đã xây dựng nhà máy rồi mà nó không phù hợp thì anh không thể bê nhà máy đi chỗ khác được.

PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện Phó viện hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Phó Chủ tịch hội đồng chuyên môn: Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất của dự án này liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường là phải xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án. Từng công nghệ khác nhau thì đánh giá ĐTM khác nhau.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc: Vấn đề quan trọng là kiểm soát khí ra, nước ra... như thế nào và tất cả các cấp phép đầu tư ĐTM là trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chọn là công nghệ là một chuyện, ĐTM mới khẳng định nó có gây ô nhiễm môi trường hay không.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc