Đề nghị thu thuế đất với hệ thống lưới điện quốc gia

07:32, 02/07/2016
|

(VnMedia) - Bí thư tỉnh ủy Hòa Bình đề nghị Chính phủ xem xét việc thu tiền sử dụng đất đối với tiền thuế đất đối với hệ thống lưới điện quốc gia.

đường dây tải điện
Bí thư tỉnh Hòa Bình đề nghị thu thuế đất đối với đường dây tải điện - ảnh minh họa

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ trực tuyến thường kỳ ngày 1/7 - phiên họp trực tuyến đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, Bí thư Tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh đề nghị Chính phủ xem xét việc thu tiền sử dụng đất đối với tiền thuế đất đối với hệ thống lưới điện quốc gia.

“Ví dụ riêng cột 4 chân thôi thì Hòa Bình đầy khắp các địa bàn. Chúng tôi có khi có gần 100 ha diện tích này. Để đảm bảo công bằng doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước, chúng tôi đề nghị bỏ quy định không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích chiếm đất hệ thống truyền tải điện, kể cả trạm biến áp.” - ông Bùi Văn Tỉnh nói. Bí thư Hòa Bình đề nghị Chính phủ nghiên cứu lại, bỏ chủ trương hỗ trợ bảo vệ đất lúa.

“Chúng tôi cho rằng đây là chính sách manh mún, cần đánh giá lại. Tôi cho rằng khả năng không hiệu quả vì cứ chia ra tất cả đều là bảo vệ đất lúa” - ông Bùi Văn Tỉnh nói. Bí thư tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng, Trung tâm phát triển quỹ đất và văn phòng đăng ký sử dụng đất hiện được bàn giao về cho các tỉnh quản lý là không hiệu quả.

“Ví dụ như chỉ cấp một cái bìa đỏ thì cấp lần đầu huyện cấp, cấp lại thì tỉnh cấp. Có mỗi việc đó mà chia thành 2 cấp giải quyết phải đi lại quá nhiều” - ông Tỉnh dẫn chứng.

Dự án có nguy cơ kéo dài... 80 năm

Nêu lên một thực trạng đáng chú ý, đó là dự án di dân lòng hồ sông Đà đã được thực hiện 40 năm vẫn chưa xong do đến nay vẫn chưa được cấp đủ vốn để thực hiện, Bí thư tỉnh ủy Hoà Bình Bùi Văn Tỉnh nói:

“Hiện nay chúng tôi đang làm đến giai đoạn 3 rồi mà 40 năm nay chưa xong. Chúng ta mắc nợ với dân ở chỗ này. Tổng số vốn Thủ tướng đã duyệt là 2.480 tỉ từ ngân sách nhà nước nhưng khả năng bố trí vốn có 1.000 tỷ thôi nên chắc phải kéo dài, có khi phải ngoài 40 năm nữa. Nếu không làm tốt cái này thì khó khăn quá.”- Bí thư tỉnh ủy Hòa Bình đau đáu nói.

Cũng liên quan đến công trình thủy điện Hòa Bình, Bí thư Bùi Văn Tĩnh đề nghị Thủ tướng nghiên cứu ưu tiên cổ phần hóa thủy điện.

“Chúng tôi muốn nói là cổ phần hóa loại thủy điện có vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước để tạo nguồn vốn tiếp tục đầu tư dự án khác. Cứ cách tính thuế thế này chúng tôi thấy không ổn. Hiện nay dự thảo nghị định của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành bổ sung một số điều luật thuế GTGT thì đang tính thu giá điện 60% giá điện thương phẩm bình quân năm trước để tính VAT. Trước đây 60%, giờ đề xuất 40%. Không nâng lên 100% thì thôi, giờ còn giảm là không hợp lý”- Bí thư tỉnh Hòa Bình nói.

Theo quy định hiện hành, thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ sở sản xuất thủy điện được Bộ Tài chính hướng dẫn tại Thông tư số 45/2009/TT-BTC ngày 11/3/2009.

Theo đó, các cơ sở sản xuất thủy điện xác định số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp khấu trừ quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Giá tính thuế GTGT được tính bằng 60% giá bán điện thương phẩm bình quân năm trước chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Các cơ sở này thực hiện kê khai thuế GTGT tại địa phương nơi đóng trụ sở chính và nộp thuế GTGT cho Kho bạc địa phương nơi có nhà máy sản xuất thủy điện. Trường hợp nhà máy sản xuất thủy điện nằm chung trên địa bàn hai tỉnh thì số thuế GTGT do cơ sở nộp sẽ được phân chia theo tỷ lệ 50% cho mỗi tỉnh.  

“Di dân mấy chục xã thế này, chưa biết giải quyết đất ở nhà ở cho cán bộ đã từng xây dựng thủy điện Hòa Bình bao nhiêu năm nay vẫn chưa xong.” Bí thư tỉnh Hòa Bình thẳng thắn nói và nhấn mạnh: “Đề nghị giữ nguyên 60% đó".

Mỹ Dung


Ý kiến bạn đọc