"Đất có thổ công, sông có hà bá", sao dân vẫn ai oán?

13:35, 25/07/2016
|

(VnMedia) - "Đất có thổ công, sông có hà bá. Chính quyền ở đâu cũng có bộ máy đầy đủ, cán bộ công chức đông đảo, nhưng hễ có việc gì xảy ra thì không biết, không thấy rõ khuyết điểm chính thuộc về ai, để dân ai oán" - đại biểu Quốc hội nêu thực trạng...

Vì sao Quốc hội chưa lên tiếng vụ Formosa?

Sáng nay (25/7), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017. Vấn đề Formosa và ô nhiễm môi trường được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. Hồ Chí Minh) nêu quan điểm, trong bốn chương trình giám sát mà Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề xuất ra Quốc hội xem xét (gồm: vệ sinh an toàn thực phẩm; dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT; cải cách hành chính; hỗ trợ ngư dân gắn liền phát triển kinh tế biển và an ninh quốc phòng), nhưng “tìm mãi không có cụm từ môi trường.”

Vì vậy, ông Nghĩa đề nghị Quốc hội bổ sung chuyên đề giám sát chính sách pháp luật về đầu tư trong nước, và nước ngoài liên quan đến việc phòng chống vi phạm pháp luật về về bảo vệ tài nguyên, môi trường.

“Khi đặt chuyên đề này ra, chúng ta sẽ chọn giám sát ở đâu? Trong đó có nhiều ý kiến cử tri kiến nghị là phải giám sát Formosa vì đây là thời điểm thuận lợi, dự án này chưa bắt đầu, cho nên việc xem xét xử lý có điểm thuận tiện nhất định”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Trương Trọng Nghĩa
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nêu: Cử tri hỏi tại sao Quốc hội chưa lên tiếng vụ Formosa?

Theo ông Nghĩa, Chính phủ đã có cố gắng lớn, nhập cuộc trong mấy tháng qua trong việc giải quyết hậu quả của vụ Formosa và kết quả ban đầu được nhân dân rất hoan nghênh. Tuy nhiên, đại biểu Nghĩa cho rằng, “Chính phủ cứ làm việc của Chính phủ, còn nhân dân cử tri mong muốn Quốc hội phải làm việc của Quốc hội”.

 “Cụm từ Formosa vừa qua được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Có thể nói sự cố môi trường, có người nói là thảm hoạ môi trường do Formosa gây ra làm cho bộ phận lớn cử tri, trong đó có nhiều người là cán bộ về hưu, trí thức... rất băn khoăn, bức xúc, mấy tháng qua “ăn không ngon, ngủ không yên”. Người ta đặt câu hỏi tại sao cho đến nay các đại biểu Quốc hội, Các Uỷ ban của Quốc hội chưa có ý kiến gì về vụ  Formosa? Chí ít phải có thông tin, dự kiến sẽ làm gì? Bởi đối với nhân dân và cử tri thì vấn đề này rất bức xúc, nó không phải bây giờ mà kéo dài tới 70 năm nữa. Tôi cho rằng sự nhập cuộc của Quốc hội chỉ tiếp thêm sức mạnh cho Chính phủ, phù hợp với đường lối của Đảng, sự phân công phối hợp của các cơ quan quyền lực nhà nước. Nếu điều chỉnh kịp thời thì đáp ứng được nguyện vọng tâm tư của cử tri, nhân dân cả nước”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị thành lập Ủy ban lâm thời hoặc đoàn giám sát liên ngành giữa các Ủy ban của Quốc hội về vấn đề Formosa để điều tra, xác minh, đưa ra giải pháp cho toàn bộ vấn đề Formosa để tránh tình trạng như vừa rồi.

Trong khi đó, đại biểu Bùi Sĩ Lợi cho rằng, phải rút kinh nghiệm trong giám sát và có thể giảm bớt giám sát để không gây khó khăn địa phương, bộ ngành, “nhưng đã giám sát thì phải có hiệu quả.”

“Tôi cảm thấy, khi đi giám sát thì chê nhiều, nhưng đến báo cáo gửi Quốc hội thì lại khen nhiều, chê ít. Nếu mà cứ khen nhiều, thì không rút ra được cái gì, thà gọi điện chúc mừng nhau còn tốt hơn lập đoàn thanh tra giám sát" - đại biểu Bùi Sĩ Lợi thẳng thắn nêu thực trạng.

Ông Bùi Sĩ Lợi cũng nói đến hiện tượng giám sát không tập trung vào những vấn đề bức xúc theo kiến nghị của cử tri, và những vấn đề có khả năng vi phạm. “Chỉ ra khuyết điểm thì rất ít, không chỉ ra sai phạm đó thuộc cơ quan nào, cá nhân nào. Đặc biệt là kết quả tiếp thu, xử lý  không đeo bám, không báo cáo lại xem đạt được đến đâu" - ông Lợi tiếp tục nêu lên những tồn tại trong giám sát.

Ông Bùi Sĩ Lợi đề nghị chuyên đề giám sát tình hình ban hành văn bản pháp luật bởi theo ông, số lượng văn bản còn tồn đọng quá nhiều.

Bùi Sĩ Lợi
Đại biểu Quốc hội Bùi Sĩ Lợi

Bộ máy chính quyền đủ cả, nhưng việc xảy ra không biết lỗi tại ai!

Không nêu những vấn đề cụ thể, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, 4 nội dung giám sát được trình ra Quốc hội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc rất kỹ, tuy nhiên nếu nhìn tổng thể tất cả những vấn đề bức xúc thì thấy đều có một điểm chung, một nguyên nhân chung, đó là sự vận hành của  bộ máy Nhà nước và sự thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức.

“Lâu nay chúng ta thấy vấn đề này nổi lên, vấn đề kia nổi lên, dư luận ồn ào, nhiều người kịp nhận ra bộ máy Nhà nước có vấn đề. Nhưng bộ máy Nhà nước tự thân họ không làm nên được điều gì mà được tạo nên từ hành động của đội ngũ cán bộ công chức viên chức. Chúng ta cũng nhận thấy, nếu có bộ máy tốt,  đội ngũ công chức viên chức biết đến trách nhiệm và bổn phận của mình thì sẽ không có một nền hành chính nhiều ách tắc phiền hà, không có đầu tư dàn trải, hàng tỷ, triệu đô la lãng phí mỗi năm được cộng vào.. nợ công cũng quá sức chịu đựng; không có việc xả thải làm ô nhiễm môi trường ở một số tỉnh miền Trung vừa qua, việc cấp khống giấy chứng nhận chất lượng thủy sản, thức ăn chăn nuôi làm nông dân khốn đốn... Nếu có bộ máy chính quyền địa phương vững mạnh thì không có tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, không có hàng chục vạn hộ dân nghèo khốn đốn về đa cấp...” - đại biểu Nguyễn Sĩ Cương tâm huyết nói.

Ông cũng dẫn chứng thêm: “Cách đây mấy tháng, khi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đích thân đi kiểm tra ở  một địa phương, khi đoàn kiểm tra đến chỉ kiểm tra một cơ sở thôi thì tất cả các cơ sở khác được mật báo, đóng cửa hết, án binh bất động chờ đoàn kiểm tra đi qua.”

“Tôi cứ phân vân tự hỏi, vai trò của địa phương ở đây là gì? chính quyền ở đâu cũng có bộ máy đầy đủ, cán bộ công chức đông đảo, nhưng hễ có việc gì xảy ra thì không biết, không thấy rõ khuyết điểm chính thuộc về ai, cái gì cũng đúng quy trình. Dường  như cán bộ  bây giờ họp quá nhiều, nhiều đến mức cứ khi có việc gì xảy ra, người dân kêu cứu, báo chí xin gặp đều từ chối.”- ông Nguyễn Sĩ Cương tiếp tục nêu thực trạng.

Đại biểu Cương cho biết đồng tình cao việc triển khai cải cách bộ máy hành chính nhà nước và đề nghị đi vào việc cụ thể giám sát, làm rõ các quy định của pháp luật, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức hành chính các cấp,trách nhiệm của cán bộ công chức viên chức; thực hiện giám sát ngay từ đầu nhiệm kỳ.

“Cuộc giám sát sẽ giúp ta đạt sự tăng trưởng, không phải tăng trưởng về kinh tế mà tăng trưởng về niềm tin...: - ông Nguyễn Sĩ Cương nhấn mạnh.

Đồng tình với đại biểu Cương, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) thẳng thắn nêu: "Nếu chúng ta có một bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, liêm chính thì chắc chắn không để xảy ra những  chuyện sai sót. Hiện nay bộ máy tổ chức Nhà nước của chúng ta là đầy đủ, chức năng  nhiệm vụ được quy định theo pháp luật là đầy đủ. Nói như các cụ  thì "đất có thủ công, sông có  hà bá",  tức là quản lý đủ hết, nhưng tại sao xảy ra nhiều chuyện để  người dân ai oán? Chúng ta để người dân ăn bẩn, ảnh hưởng đến sức khoẻ , để môi trường ô nhiễm... Cán bộ của chúng ta không làm tròn trách nhiệm. Chúng ta rất buồn khi báo chí nói "ăn không từ thứ gì", và bây giờ xuất hiện thêm "bán không từ thứ gì", bán từ giấy chứng nhận Vietgap, sản phẩmp lưu hành, bán cả con dấu đóng cho người giết mổ...”

“Có người nói năng lực kém, nhưng cử tri nói năng lực không hề kém, toàn bộ việc đó biết cả, nhưng đằng sau đó có lợi ích chi phối nên làm ngơ đi  để cho xả thải chất độc ra môi trường, cho hàng gian hàng giả lưu thông... Tôi cho rằng nếu tập trung đánh giá thực trạng bộ máy công chức giai đoạn  2011-2016, xem cái gì dẫn đến yếu kém, để dân ai oán, khắc phục được thì không có chuyện "bán không từ cái gì" và "ăn không từ thứ gì" - đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh lại.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc