Đại biểu Quốc hội phát biểu, ý kiến "biến đi đâu mất"

15:01, 26/07/2016
|

(VnMedia) -  Nói về việc phát biểu xây dựng luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương cho biết, tại kỳ họp, đại biểu có thời gian tương đối để phát biểu nhưng khâu tổng hợp thì rất yếu. “Qua hai khâu tổng hợp, rất nhiều ý kiến của đại biểu biến đi đâu mất...."

Đại biểu Quốc hội phát biểu, ý kiến "biến đi đâu mất"

Phát biểu thảo luận tại hội trường sáng 26/7 về sai sót của Bộ Luật hình sự năm 2015, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, cần phải xem xét rút kinh nghiệm trong xây dựng luật của Quốc hội.

"Làm luật tại Quốc hội phải làm sao huy động được trí tuệ tất cả đại biểu. Hiện nay, đại biểu nào không phải là Ủy viên của Ủy ban chủ trì thẩm tra luật đó thì rất ít có cơ hội tham gia ý kiến vì nhiều hoạt động có liên quan đến thẩm tra thì không được mời tham dự. Ngay đại biểu chuyên trách ở Trung ương cũng hiếm khi được mời để tham dự hoạt động này” - đại biểu Nguyễn Sĩ Cương nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương cũng nêu lên một thực tế, đó là cơ hội để các đại biểu tham gia đóng góp xây dựng luật hầu như chỉ ở trong kỳ họp và theo quy định, tài liệu được gửi cho đại biểu 20 ngày trước khi diễn ra kỳ họp. “Tuy nhiên, thường thì đến kỳ họp mới có tài liệu. Thậm chí, gần đến ngày thảo luận rồi mới có tài liệu. Như vậy, thời gian đâu để đại biểu tham gia ý kiến?” – đại biểu Nguyễn Sĩ Cương đặt câu hỏi.

Ngoài ra, theo đại biểu Cương, tại kỳ họp, đại biểu có thời gian tương đối để phát biểu nhưng khâu tổng hợp thì rất yếu.

“Qua hai khâu tổng hợp, rất nhiều ý kiến của đại biểu biến đi đâu mất. Phát biểu ở hội trường có giá trị nhất, được nhiều người chú ý, được ghi âm, được gỡ băng. Tuy nhiên, đăng ký phát biểu nhiều khi không đến lượt. Có đến lượt thì cũng chỉ có 7 phút nên trong nhiều vấn đề mình tâm huyết phải lựa chọn để phát biểu. Ý kiến dù có hay, có sâu sắc đến mấy thì cũng chỉ có ngần ấy thời gian" - đại biểu Cương nêu thực trạng.

Sau khi phân tích, đại biểu này đề nghị Quốc hội cần có sự cải tiến, điều hành linh hoạt trong thảo luận để làm sao huy động trí tuệ của gần 500 đại biểu bởi có như vậy, chất lượng dự án luật mới nâng lên được.

Trương Trọng Nghĩa
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại nghị trường

Cần phân biệt người yêu nước với kẻ lợi dụng biểu tình

Tại buổi thảo luận sáng nay, nhiều đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến về việc dự thảo Luật Biểu tình tiếp tục bị hoãn "vô thời hạn”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, biểu tình cần được hiểu theo nghĩa rộng theo đúng Hiến pháp 2013 và Công ước quốc tế, tức là tụ họp hoà bình, bao gồm tụ họp văn hoá thể thao du lịch, tang lễ, lễ hội, đáp ứng nhu cầu bày tỏ nguyện vọng chính kiến, tình cảm… Tính công khai và tính tập thể là hai đặc trưng lớn của quyền này.

Ông Nghĩa cũng phân tích: Biểu tình theo nghĩa này không nhất thiết phải hội họp ngoài đường phố, công viên và không được phép xâm phạm quyền, lợi ích của người khác, của xã hội, của đất nước. Theo Hiến pháp thì nhà nước phải có nghĩa vụ tôn trọng, công nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền này.

"Việc đưa luật biểu tình vào chương trình xây dựng luật khoá XIII là đúng đắn. Nhờ đó, đến nay, chúng ta đã nhận diện được nhiều vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân là phức tạp. Theo nguyên tắc nhà nước pháp quyền, quan hệ xã hội càng phức tạp càng phải giải quyết bằng luật. Chúng ta đã và đang quản lý bằng luật những quyền tự do ngôn luận, báo chí, đình công, bãi công, tôn giáo… Vậy không có lý do gì không thể và không sớm làm luật này. Do đó, tôi xin đề nghị đưa việc cho ý kiến dự thảo Luật Biểu tình vào kỳ họp thứ 4 khoá này, thông qua vào kỳ họp 5 hoặc 6, tức là vào năm 2018”- đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, với trình độ lập pháp của Chính phủ, Quốc hội Việt Nam, của đội ngũ chuyên gia pháp lý của Việt Nam hiện nay, hoàn toàn có cơ sở, khả năng “trả món nợ lập pháp” này đối với nhân dân.

“Trong lúc chờ đợi, tôi đề nghị có sự phân biệt rõ kẻ lợi dụng biểu tình hay người biểu tình chống phá nhà nước gây mất an toàn an ninh cho quốc gia, xã hội với đa số người dân yêu nước thực hiện quyền hiến định của mình. Cần có chính sách minh bạch nhất quán bảo vệ công dân tốt trong việc quản lý biểu tình" - đại biểu Nghĩa nêu.

 Đồng tình với những phân tích của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) nêu thêm quan điểm, nếu giao cho Bộ Công an trực tiếp chủ trì soạn thảo dự thảo Luật này thì có thể làm khó cho Bộ Công an vì đây là Bộ trực tiếp tham mưu, giúp việc cho Chính phủ về an ninh trật tự lại trực tiếp soạn thảoo đạo luật. Đại biểu Xuyền đề nghị Chính phủ có thể giao cho Bộ Tư pháp trực tiếp chủ trì soạn thảo, Bộ công an là cơ quan thẩm định. Như vậy tiến độ xây dựng luật sẽ đạt hiệu quả.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc