Cuộc đời đau khổ của hung thủ giết người nguyện vọng hiến xác cho y học

14:43, 22/07/2016
|
(VnMedia)- Ngày 26/7/2016, TAND Thành phố Hà Nội sẽ đưa ra xét xử theo trình tự sơ thẩm đối với Bị cáo Nguyễn Văn Kỳ (SN 1970, Trú tại: Thôn 3, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội) bị Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội truy tố về Tội Giết người và Tội cướp tài sản. Tội danh và hình phạt được qui định tại điểm a, n, g, p khoản 1 Điều 93 BLHS và điểm c khoản 2 Điều 133 Bộ Luật Hình sự.
 
Thăng trầm cuộc đời bị cáo giết người
 
Bị cáo Nguyễn Văn Kỳ sinh ra và lớn lên tại thôn 3 xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội (trước thuộc tỉnh Hà Tây) với nghề truyền thống làm đồ gỗ. Người dân làng Hương Ngải nổi tiếng là khéo tay trong việc xây nhà. Trong các làng nghề làm nhà gỗ cổ nổi tiếng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, chắc hẳn ít nơi nào sánh kịp đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của những người thợ nơi đây.
 
Nguyễn Văn Kỳ.
Nguyễn Văn Kỳ.
 
Gia đình Nguyễn Văn Kỳ có 3 anh em trai và 01 chị gái cả. Kỳ là con út trong gia đình. Anh cả của Nguyễn Văn Kỳ bị bệnh gan điều trị ở nhà nhưng do sơ suất khi đun bếp đã bị đống rơm trên gác bếp rơi xuống cháy nhà và tử vong vào năm 1999. Người anh thứ hai bị tai nạn xe máy thảm khốc năm 2007. Sau khi điều trị tại Bệnh viện Việt Đức về nhà thì bị liệt từ đó đến nay. Người chị cả đang bị ung thư đã hơn 10 năm nay nên sức khỏe rất yếu. Kỳ đã rất lo lắng không biết chị gái có biết vụ việc Kỳ gây ra hay chưa vì sẽ làm chị lo lắng ảnh hưởng đến sức khỏe những ngày cuối đời.
 
Năm 1990 khi đến tuổi trưởng thành cũng như bao thanh niên khác trong làng, Kỳ đã tiếp nối truyền thống của dân làng, tự mình đứng ra mở xưởng mộc làm ăn kinh doanh. Với sự năng động và khéo léo của đôi bàn tay, Kỳ đã có nhiều mối hàng ở Hà Nội và các Tỉnh khác để cung cấp các sản phẩm đồ gỗ nên được coi là là người thành đạt từ rất sớm trong làng. Với ham muốn làm giàu và tham vọng của tuổi trẻ, Kỳ không muốn dừng lại chỉ làm nghề đồ gỗ mà còn đi theo sự lôi kéo của bạn bè lên Sơn La đào vàng. Sức khỏe và sự chịu khó đã mang lại rất nhiều tiền bạc cho Kỳ sau mỗi chuyến đi đào vàng.
 
Thời gian Kỳ đi đào vàng diễn ra từ năm 1990 đến năm 1996. Có những năm Kỳ đi biền biệt cả năm. Nhưng có những năm chỉ đi một vài lần đào vàng vì còn phụ thuộc theo mùa nước cạn. Nếu mùa nước lên thì Kỳ lại ở nhà làm nghề đồ gỗ. Vừa đi làm nghề đào vàng vừa lại có sẵn nghề làm đồ gỗ nên Kỳ thuộc thành phần “đại gia” có tiếng ở quê nhà dù tuổi còn trẻ. Khi có điều kiện kinh tế, Kỳ không tiếc tiền để giúp đỡ gia đình, bạn bè và được nhiều người nể trọng.
 
Năm 1990, Kỳ lấy vợ khi mới 20 tuổi. Người vợ đầu tiên này đã sinh cho Kỳ một cậu con trai vào năm 1991. Ngay sau khi lấy vợ, hai vợ chồng đã bất đồng về quan điểm sống chỉ vì việc Kỳ không chấp nhận chịu về ở rể nhà bố mẹ vợ, dù nhà bố mẹ vợ chỉ ở cách nhà kỳ khoảng 01 km. Nhà Kỳ ở Xóm 3 còn nhà vợ Kỳ ở Xóm 9 cùng xã Hương Ngải. Lý do mà vợ Kỳ muốn Kỳ về nhà ở rể cũng dễ hiểu vì nhà bố mẹ vợ sinh được 03 người con gái. Hai cô chị đã đi lấy chồng xa nên chỉ còn vợ Kỳ ở quê nhà chăm sóc bố mẹ nên mới yêu cầu Kỳ về ở chung.
 
Thời gian sau khi cưới, vợ Kỳ đã không ở nhà Kỳ mà về nhà bố mẹ để ở. Kỳ cũng chỉ thi thoảng đến để gặp vợ con. Có lần Kỳ đến ở rể nhà bố mẹ vợ mấy tháng liền nhưng bị anh em bạn bè, bà con làng xóm rèm pha, châm chọc nên vì tự ái cá nhân Kỳ đã về nhà mình ở. Chỉ vì bất đồng về nơi ở mà hai vợ chồng đã làm đơn ly hôn ra Tòa giải quyết theo qui định của pháp luật. Khi ra Tòa xin ly hôn vì điều đó đã làm rất nhiều người ngạc nhiên và khuyên giải nhưng không thành. Quan hệ hôn nhân với người vợ thứ nhất đã chấm dứt vào năm 1994. Vợ Kỳ là người nuôi con trai. Khi ly hôn, vợ không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con nhưng với trách nhiệm của người cha thì khi có điều kiện Kỳ vẫn đưa tiền bạc cho vợ để cùng nuôi dưỡng con.
 
Cũng vào năm 1994 khi vừa ly hôn xong, Kỳ đã kết hôn với người vợ thứ hai là Đỗ Thị Liên sinh năm 1974 (quê ở Phùng Xá, Thạch Thất). Kỳ đã làm thủ tục đăng ký kết hôn tại quê của vợ Kỳ tại Phùng Xá, Thạch Thất. Do bị nghiện ma túy, sức khỏe yếu nên hai người không có con. Bước sa ngã của Kỳ bắt nguồn từ khi đi đào vàng ở Sơn La. Sống trong môi trường rất phức tạp và sự rủ rê lôi kéo của bạn bè trong những lần xa gia đình lên miền sơn cước đào vàng, Kỳ đã dính vào ma túy và bị mắc nghiện vào năm 1996. Bao nhiêu công sức đào đãi được vàng thì Kỳ đều nướng vào ma túy. Sức khỏe suy yếu và mắc nghiện, Kỳ đã bỏ nghề đào vàng về quê nhà sinh sống.
 
Trong thời gian sinh sống với người vợ thứ hai này, những cơn nghiện ma túy đã làm tiêu tan hết những tài sản mà Kỳ đã có. Nghề làm mộc cũng bỏ vì không còn sức khỏe và minh mẫn do ảnh hưởng của ma túy.
 
Tội chồng tội
 
Cùng năm 1996, Kỳ đã bị Cơ quan Công an bắt giữ về hành vi Tổ chức sử dụng chất ma túy. Ngày 20/3/1997, Tòa phúc thẩm – TAND Tỉnh Hà Tây (cũ) đã xử phạt Kỳ 36 tháng tù về Tội tổ chức dùng chất ma túy.
 
Năm 1999, Kỳ chấp hành xong hình phạt được ra tù trở về địa phương. Khi về nhà, Kỳ được bố mẹ cho một miếng đất để làm ăn. Để có tiền chi tiêu, Kỳ đã bán miếng đất này để tìm mua đất chỗ khác rẻ hơn. Nhưng do vẫn lao vào con đường ma túy nên Kỳ tiếp tục bị Cơ quan Công an bắt giữ về hành vi tàng trữ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
 
Khi Kỳ bị bắt giữ, toàn bộ số tiền bán đất bố mẹ cho chưa kịp mua đất khác đã được người vợ quản lý. Ngày 21/7/2000, TAND Tỉnh Hà Tây (cũ) xử phạt Kỳ 05 năm tù về Tội tàng trữ và Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Trong thời gian Kỳ bị bắt, người vợ đã dùng toàn bộ số tiền của Kỳ bán đất này vào việc đi buôn bán ma túy. Người vợ này đã lao vào con đường mua bán ma túy sau khi kết hôn với Kỳ và biết được việc mua bán ma túy sẽ mang lại nhiều lợi nhuận lớn. Năm 2001, Đỗ Thị Liên đã bị bắt chấp hành hình phạt về Tội mua bán trái phép chất ma túy. Kể từ đó đến nay Kỳ đã không gặp lại người vợ này do đang bị thi hành án phạt tù.
 
Tiếp nối sai lầm này đến sai lầm khác do bị mắc nghiện nên Kỳ đã liên tiếp phạm tội về ma túy. Sau khi chấp hành xong hình phạt bản án trước về địa phương không nhà cửa, tài sản và bị mọi người xa lánh, kỳ thị, Kỳ lại tiếp tục phạm tội hình sự mà gốc rễ đều từ ma túy.
 
Cụ thể như sau: Ngày 13/5/2005, TAND Huyện Thạch Thất, Hà Nội xử phạt Kỳ 24 tháng tù về Tội trộm cắp tài sản Ngày 26/11/2008, TAND Huyện Thạch Thất, Hà Nội xử phạt Kỳ 07 năm tù về Tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Tháng 5/2015, Kỳ chấp hành xong hình phạt và trở về địa phương. Không nhà của, không gia đình, Kỳ sống tạm bợ trong một lán nhỏ ở khu đất trống tại thôn 3, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất. Do không có tiền chi tiêu và mắc nghiện ma túy nên hàng ngày Kỳ lang thang khắp các ngóc ngách trên địa bàn các xã Hương Ngải, Canh Nậu để tìm mục tiêu đột nhập trộm cắp tài sản thỏa mãn cơn nghiện. Dù Kỳ vẫn còn anh em họ hàng và đặc biệt là người con trai của mình đang làm nghề mộc nhưng cũng không ai còn quan tâm đến Kỳ nữa. Cậu con trai thì thi thoảng gặp bố it phút trên đường sau khi cho bố vài trăm chi tiêu rồi lại đi ngay. Sau khi xảy ra vụ án, khi việc với Kỳ tại cơ quan điều tra và theo ý nguyện của Bị can, Luật sư Thơm đã về quê Bị can tìm gặp người con trai duy nhất đang ở với mẹ để thực hiện ý nguyện của Kỳ. Nhưng có lẽ sau khi sự việc Kỳ đã gây ra thì đã không ai muốn liên quan gì đến Kỳ nữa,… Dù cho Luật sư cũng đã hết lòng hết sức truyền đạt lại mong muốn của Kỳ trên cơ sở tình người nhưng đã quá muộn màng.
 
Chiều ngày 20/7/2016, Luật sư Nguyễn Anh Thơm là người bào chữa cho Bị cáo Nguyễn Văn Kỳ đã có buổi làm việc với Bị cáo Nguyễn Văn Kỳ tại Trại tạm giam Công an TP. Hà Nội. Tại cuộc làm việc này, tâm sự với luật sư, trong suốt quá trình tạm giam đến nay, không một ai còn quan tâm gửi đồ tiếp tế đến Kỳ. Kỳ biết điều đó và không dám trách bất kỳ ai vì hiểu rằng mọi người không muốn liên quan gì đến Kỳ khi đã gây ra tội quá lớn. Khi nhắc đến cậu con trai của mình, ánh mắt Kỳ trùng xuống như muốn khóc.
 
'Vẻ mặt trai sạm và từng trải của người đàn ông đã không dấu được nỗi buồn nhớ khi nghĩ đến cậu con trai duy nhất… Kỳ đã trách bản thân mình phạm quá nhiều sai lầm, tội lỗi mình gây ra là quá lớn Khi tiếp xúc với Luật sư, ánh mắt Kỳ như lóe lên niềm hy vọng về sự mong manh của cuộc đời mình. Kỳ cũng đã hiểu rằng, cơ hội sống của mình là rất khó… Kỳ đã nói mạng người là điều đáng quý nhất cuộc đời nên việc gây ra cái chết cho nhiều người là điều thực tâm Kỳ không bao giờ mong muốn. Kỳ rất hối hận và qua Luật sư gửi lời xin lỗi đến gia đình người Bị hại và mong muốn được bồi thường khắc phục hậu quả do mình gây ra nhưng thật quá khó trong điều kiện hoàn cảnh của mình bây giờ,… ", luật sư Nguyễn Văn Thơm kể với phóng viên.
 
Cũng trong buổi làm việc này, theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, thông qua luật sư, Kỳ có mong muốn qua phiên xét xử nếu như không còn cơ hội được sống thì Kỳ sẽ hiến toàn bộ cơ thể mình cho y học.
 
"Đây là điều cuối cùng Kỳ có thể làm được để sám hỗi những tội lỗi của mình đã gây ra cho xã hội. Kỳ hy vọng các bộ phận cơ thể mình sẽ phục vụ cho y học để cứu giúp được nhiều người khác có cơ hội được sống", luật sư Nguyễn Anh Thơm nói.
 
Hành vi phạm tội giết người và cướp tài sản
 
Khi Kỳ chấp hành xong hình phạt của bản án trước và được ra tù về địa phương vào tháng 5/2016, trong điều kiện hoàn cảnh không có nhà cửa, mắc nghiện và bị mọi người xa lánh, Kỳ đã phải ở một cái lán nhỏ tạm bợ đầu làng sống qua ngày. Kỳ đã đi lang thang sang các Xã lân cận để trộm cắp sống qua ngày và để có tiền mua ma túy sử dụng. Kỳ lý giải việc mang dao nhỏ bên người khi đi ăn trộm với mục đích dùng để cạy cửa và làm công cụ thực hiện việc phạm tội cũng như nhiều người đi ăn trộm khác phải mang theo các công cụ, dụng cụ thì mới đi trộm được tài sản khi đột nhập vào nhà. Lý giải hành vi tại sao lại đâm chết 02 người và đâm bị thương 04 người khác trong gia đình thì Bị cáo cho rằng không mong muốn hậu quả giết chết người. Bởi vì Bị cáo chỉ có mục đích duy nhất là đi lấy cắp tài sản rồi nhanh chóng tẩu thoát.
 
Khi bị cáo trèo tường vào trong sân, thấy cửa vào phòng ở tầng 1 không đóng nên Kỳ đi vào tìm tài sản nhưng không lấy được gì. Sau đó, Kỳ tiếp tục lên tầng vào phòng ngủ anh của Nguyễn Lương Chỉnh lén lút lấy 02 điện thoại Sony M2 và Nokia 105 (cả 02 điện thoại định giá tổng giá trị là 950.000 đồng). Khi đang đi xuống cầu thang thì bị anh Chỉnh phát hiện hô “Trộm” đồng thời đuổi theo. Kỳ hoảng sợ chạy xuống sân rồi nhảy trèo qua tường (cao khoảng 3 m) nhưng bị anh Chỉnh tóm được chân kéo lại khi Kỳ đang trèo qua tường và hô to “bố ơi, trộm trộm, bắt được kẻ trộm rồi”.
 
Tiếp đến toàn bộ gia đình ông Chuân xông ra bắt giữ Kỳ. Do trời tối, mắt lại kém, Kỳ không nhìn rõ có những ai xông vào vừa giữ Kỳ và vừa đánh. Dù đã có đến 03 lần Kỳ thoát ra khỏ sự bắt giữ của mọi người và chạy nhảy lên bờ tường nhưng đều bị kéo lại. Do hoảng sợ cố chạy thoát nhưng không được và bị đánh đau nên Kỳ đã dùng tay phải rút dao trong túi quần đâm liên tiếp vào những người đang cố bắt giữ ở xung quanh mình. Hậu quả là đã có 02 người bị tử vong và 02 người bị thương tích không chết. Bị cáo cho rằng mình chỉ có ý định vào nhà trộm cắp tài sản. Việc gây ra cái chết cho nhiều người là do bị đánh quá đau và do hoảng sợ. Nếu Bị cáo đã có mong muốn giết người thì đã ra tay ngay sau khi bị phát hiện. Nhưng Bị cáo đã cố bỏ chạy nhiều lần nhưng không được. Cứ mỗi khi vùng thoát được nhảy lên tường bám vào thì lại bị kéo xuống. Đến lần thứ 3 vùng lên nhưng lại bị kéo lại và mọi người thay nhau đánh nên quá hoảng loạn mới rút dao đâm loạn xạ vào những người đang lao vào. Bị cáo đều thừa nhận hành vi gây ra cái chết cho nhiều người là phạm tội giết người nhưng hành vi đó được thực hiện trong điều kiện hoàn cảnh do hoảng sợ và bị đánh quá đau.
 
Điều 93. Tội giết người
 
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết nhiều người; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; n) Có tính chất côn đồ; p) Tái phạm nguy hiểm;
 
Điều 133. Tội cướp tài sản
 
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
 
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: c) Tái phạm nguy hiểm;

Đức Giang


Ý kiến bạn đọc