Từ 1/7, chính thức tính thêm chi phí lương vào viện phí

19:20, 03/06/2016
|

(VnMedia) - Sau khi tăng giá gần 1.900 dịch vụ khi tính thêm chi phí phẫu thuật, thủ thuật (từ 1/3) thì tới đây, từ ngày 1/7, sẽ tính thêm chi phí tiền lương vào dịch vụ y tế. Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết tại Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân.

viện phí
Viện phí sẽ tăng giá từ 1/7 do tính cả chi phí lương

Ngày 3/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương trên toàn quốc bàn các giải pháp đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân.

Báo cáo với Thủ tướng về chất lượng khám chữa bệnh thực hiện BHYT, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, từ ngày 1/3 vừa qua, đối với các bệnh nhân có thẻ BHYT, liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã thống nhất điều chỉnh giá gần 1.900 dịch vụ khi tính thêm chi phí phẫu thuật, thủ thuật và từ ngày 1/7 sẽ tính thêm chi phí tiền lương. Theo đó giảm dần việc cấp ngân sách nhà nước cho các cơ sở y tế và chuyển phần tiền đó sang hỗ trợ người dân mua BHYT.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần phải nâng tỉ lệ người dân tham gia BHYT để mọi người dân đều được hưởng phúc lợi xã hội quan trọng này, đặc biệt là đối tượng khó khăn, người nghèo... Cụ thể, Thủ tướng đặt chỉ tiêu đến năm 2020, hơn 90% dân số có BHYT.

Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc mở rộng tỉ lệ bao phủ BHYT, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức triển khai phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành về những giải pháp, cơ chế, chính sách liên quan đến việc mở rộng tỉ lệ bao phủ BHYT và tổ chức triển khai thực hiện. Tổ chức hệ thống mạng lưới đại lý thu theo cơ chế dịch vụ công tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia BHYT.

Thủ tướng cho phép ngay trong năm 2016, sử dụng nguồn kinh phí kết dư của BHXH Việt Nam để thực hiện hỗ trợ theo các nhóm đối tượng tham gia BHYT. BHXH Việt Nam kết nối liên thông toàn bộ hệ thống khám chữa bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh để tạo điều kiện thanh toán cũng như khám chữa bệnh thuận lợi hơn.

Cam kết trước Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, trước 30/6 tới, hệ thống tin học hoá giám định thanh toán chi trả BHYT tại 14.000 cơ sở khám chữa bệnh toàn quốc sẽ được liên thông đồng bộ.

Không phân biệt người khám bảo hiểm với khám dịch vụ

Thủ tướng giao nhiệm vụ Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; không phân biệt đối với người bệnh được khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh BHYT, tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT khám, chữa bệnh và giảm chi từ tiền túi của người bệnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện của các bệnh viện; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan báo chí, truyền thông giám sát.

Đối với các tỉnh, thành phố, trong kết luận Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu đưa tỉ lệ tham gia BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội hằng năm và giai đoạn 5 năm của địa phương và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện chỉ tiêu này; bố trí ngân sách địa phương, huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT, trong đó tập trung hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, bảo đảm 100% người dân thuộc hộ cận nghèo được tham gia BHYT; hỗ trợ tối thiểu 20% mức đóng BHYT còn lại cho các hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên thuộc các hộ gia đình có đông con, gặp nhiều khó khăn về kinh tế.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan thông tin, báo chí làm tốt công tác thông tin, truyền thông. “Muốn xã hội nhận thức đúng về quyền lợi, trách nhiệm tham gia BHYT phải từ chính đội ngũ làm công tác truyền thông”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể tiếp tục vận động hội viên, đoàn viên, vận động các tổ chức, người có điều kiện hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội giám sát việc vận động, thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế.

Ý kiến các địa phương như TPHCM, Hải Phòng, Hà Nội, Đồng Nai… đều cho rằng, để thu hút người dân tham gia BHYT, điều quan trọng đầu tiên là phải nâng cao chất lượng khám chữa BHYT. Ngoài ra, Hà Nội đưa ra một số đề xuất, như nâng mức hỗ trợ cho học sinh, sinh viên thêm 20% (hiện mới hỗ trợ 30%), hỗ trợ các đối tượng tham gia theo hộ gia đình thêm 10%. Một số ý kiến đồng tình nhà nước tiếp tục hỗ trợ dân mua BHYT, tuy nhiên cũng cần tính đến mặt trái là nhiều người dân tâm lý ỷ lại, trông chờ hỗ trợ...


Ý kiến bạn đọc