Những tên trùm du đãng khét tiếng Sài Gòn trước năm 1975

08:40, 12/06/2016
|

Bút ký này thực hiện theo lời kể qua nhiều thời gian của anh Võ Tấn Thành (người đội trưởng Săn bắt cướp (SBC) đầu tiên), anh Huỳnh Bá Thành (nguyên TBT Báo Công an TP.HCM), nhà văn Đam San, nhà văn Nguyễn Thụy Long (tác giả Loan Mắt Nhung) và nhiều sĩ quan công an…

Kỳ 1: Cuộc chạm trán giữa 2 trùm giang hồ không qua được ải mỹ nhân

Sự tàn bạo, tinh quái, mối quan hệ của các băng nhóm giang hồ và cảnh sát chế độ cũ cho thấy sự nguy hiểm của cái gọi là giang hồ, không giống như những gì mà một số nhà văn trước 1975 viết về thế giới đó. Một Sài Gòn hoa lệ nhưng cũng đầy bí ẩn và tội ác, với sự cấu kết của thế giới ngầm và nhà cầm quyền…

Sơn “đảo” - tên du đãng “quý tộc”

Theo các hồ sơ thu thập được, Sơn “đảo” tên thật là Vũ Đình Khánh, sinh năm 1944, tại Hà Nội, năm 1955 cùng gia đình di cư vào vùng Hố Nai, Biên Hòa, rồi về quận Tân Bình, Sài Gòn. Khánh sớm bỏ học, đi bụi, rồi trở thành du đãng nhóc. Với chút vốn liếng chữ nghĩa, cộng máu giang hồ có sẵn trong người, Khánh sớm trở thành thủ lĩnh của đám trẻ bụi đời ở quận Tân Bình, trở thành nỗi ám ảnh của người dân lương thiện nơi đây. Thực hiện chủ trương “vãn hồi trật tự” ở Sài Gòn của Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan lập ra đội quân đặc nhiệm bài trừ du đãng. Vũ Đình Khánh bị bắt trong một lần cướp giật, lãnh án 5 năm tù và bị đày ra Côn Đảo năm 1966 cùng hàng trăm du đãng cộm cán khác.

Tại nhà tù Côn Đảo, Vũ Đình Khánh đã gặp và “thọ giáo” một tướng cướp - nhà văn lừng danh tên là Sơn Vương, người năm 1934 bị thực dân Pháp xử… 79 năm tù (khi gặp Vũ Đình Khánh vẫn còn thụ án). Khánh đổi tên thành Sơn “đảo” - chữ Sơn theo tên của ông thầy Sơn Vương, gắn thêm “đảo” để nhớ về cuộc gặp gỡ ở Côn Đảo.

Với bản án 5 năm lưu đày Côn Đảo, khi trở về Sài Gòn vào năm 1971, Sơn “đảo” nghiễm nhiên trở thành “đàn anh”, được các băng đảng khác kiêng nể. Sơn “đảo” hùng cứ một phương ở khu vực quận Tân Bình. Ban đầu, Sơn “đảo” đứng ra bảo kê cho các sòng bạc. Ai chịu đóng “bảo kê” cho Sơn thì được làm ăn yên ổn, ai không chịu đóng thì trước sau cũng bị cảnh sát Tân Bình hốt gọn. Tiến thêm một bước, Sơn “đảo” mua lại một sòng bạc đang có nguy cơ phá sản, rồi bằng mối quan hệ “ngầm” của mình mà lôi kéo các con bạc về, nhanh chóng đưa sòng bạc phát triển với quy mô ngày càng lớn.

Sơn “đảo” rất thích thể dục thể hình, y trang bị cho mình cả một phòng tập thể hình thuộc loại hiện đại nhất Sài Gòn thời ấy. Nhờ chịu khó luyện tập, Sơn “đảo” có một cơ thể thật đẹp, ngực nở phồng, hai cánh tay đồ sộ không thể khép sát vào nách. Với một chút năng khiếu văn chương, lại là một lực sĩ có thân hình rất đẹp, Sơn “đảo” được xem là du đãng “quý tộc”, nhiều người đẹp mê mẩn. Cũng chính vì được xem là du đãng quý tộc mà Sơn “đảo” giao du, kết thân với giới quân đội Sài Gòn, dựa vào họ mà nâng cao thanh thế. Đó là điều mà thế giới giang hồ Sài Gòn không thể chấp nhận, vì vậy, Sơn “đảo” đã đứng đối lập với thế giới ngầm Sài Gòn.

 

Tướng Nguyễn Cao Kỳ và tướng Nguyễn Ngọc Loan chịu thua trước việc thế giới ngầm và cấu kết với chính quyền Sài Gòn. 

Phan Bá Y - tên giang hồ si tình vũ nữ

Thật ra, Phan Bá Y (Y “cà lết” là biệt danh vì một cái chân bị tật) có lai lịch đặc biệt và y cố che giấu nó cũng như thực lực của băng nhóm.

Là con nhà quyền quý, giàu có, học trường Tây, mơ làm 007 và Lệnh Hồ Xung…, gã học trò khờ Phan Bá Y đã toại nguyện trong một lần về thăm ngoại ở Tây Ninh. Sau khi trả tiền ăn cho một thương phế binh ăn xin trong quán ăn, Phan Bá Y được giới thiệu với nhóm thương phế binh gốc Campuchia, đi cướp xe đò liên tỉnh, trốn sang Nam Vang (Campuchia). Quay về nhà thì bị ghẻ lạnh, Phan Bá Y bỏ lên Sài Gòn bán xì ke, tụ tập băng nhóm. Gia tài của hắn là khẩu P38 được mấy thương phế binh tặng làm kỷ niệm.

Y được trung tá Quang - Trưởng ty cảnh sát quận 3 - đỡ đầu để bán xì ke và tổ chức nhiều sòng bài nhỏ lẻ, kiếm ăn ngon nhưng ít phô trương như các băng khác.

Hôm chuẩn bị sinh nhật lần thứ 33, Phan Bá Y gọi sang vũ trường Maxim’s, đòi gặp Thùy Trang - vũ nữ nổi tiếng nhất Sài Gòn, bạn gái của Sơn “đảo”. Vẫn phong cách nhỏ nhẹ như cậu học trò tú tài, cái lưỡi rắn của Phan Bá Y chỉ phun nọc lúc cần thiết. Tiếng nói như tiếng thở dài của cô gái gốc Bắc di cư làm Y điếng hồn, mấy giây sau mới lấy lại bình tĩnh: “Anh gọi em không sợ Sơn “đảo” ghen sao?”. “Sơn “đảo” ghen , anh cũng ghen. Chỉ là chuyện làm ăn thôi. Sinh nhật anh cần mấy cô để chiêu đãi khách quý, em chọn giùm 10 vũ nữ. Chi phí không phải là điều phải suy nghĩ…”.

Khi Thùy Trang và dàn vũ nữ đến, phòng tiệc bừng sáng vì sắc đẹp. Phan Bá Y tập tễnh ra sàn nhảy cặp với Thùy Trang, quái lạ hắn nhảy tuyệt vời… Đèn tắt chuyển qua điệu slow, cặp đôi sát vào nhau, Phan Bá Y nhỏ nhẹ thổi từng lời: “Về với anh, hãy từ bỏ Sơn “đảo”, từ bỏ vũ trường, anh sẽ cho em cuộc sống như một bà hoàng. Bà hoàng thật sự chứ không phải là bà hoàng sexy show như hiện nay!”. “Em ổn mà, em thích cuộc sống như vậy. Tình yêu, mái ấm gia đình? Thùy Trang không thuộc về những cái đó! Em chỉ thuộc về bà chủ bóng đêm. Muốn có được em, anh phải còn cố gắng nhiều…”, cô đáp.

Phan Bá Y cảm thấy hụt hẫng, tuy là sống trong thế giới du đãng nhưng Y lại có quan niệm lãng mạn về tình yêu, hệt như những mối tình trong truyện chưởng mà Y từng đọc ngấu nghiến hồi còn con nít. Y thích làm Trương Vô Kỵ, Lệnh Hồ Xung…

“Tàn tiệc, anh sang Quốc tế, em sẽ đến, nhưng chỉ uống rượu thôi nhé!”.

Thời gian còn lại, Phan Bá Y quay về với những bàn tiệc, cười cười nói nói nhưng hồn y đã bị ai hốt đi mất, y chỉ mong khách về hết.

 Vũ nữ Sài Gòn trước 1975.

Cuộc chạm trán tại nhà hàng Quốc tế

Đêm dần khuya, nhà hàng Quốc tế đông nghẹt, Phan Bá Y tấp tểnh len lỏi leo lên quầy bar gọi rượu.

Bàn ngay sau lưng có mấy anh lính đang chơi trò bóp cò tử thần. 4 người, 2 chai rượu, xô đá, cây súng rouleau (Ru-lô) và 3 viên đạn xếp hàng ngang. Mỗi người móc ra 100 USD, anh lính dù móc ra 300 USD rồi nhét viên đạn vào trái khế, bặp vào súng, xoay trái khế quay vòng. Anh ta nốc vội ngụm rượu, rồi kê súng lên thái dương bóp cò: “Cạch”. Kim hỏa đập vào ổ không có đạn. Anh lính dù không chết và có 300 USD.

Đến lượt anh lính bộ binh, anh lính dù và 2 người kia bỏ ra mỗi người 100 USD, anh lính bộ binh chừng như là lính địa phương quân nhét viên đạn vào ổ, quay vòng trái khế, kê súng lên thái dương bóp cò: “Pằng”. Máu văng tung tóe, người này ụp xuống bàn rồi oặt ngược người té xuống đất. Máu văng đầy mặt Phan Bá Y nhưng hắn vẫn để nguyên xem như không có việc gì xảy ra.

Quá quen cảnh này, chủ nhà hàng cho gọi quân cảnh, khiêng xác anh địa phương quân xuống đất rồi dọn dẹp, kê lại bàn như cũ. Vẫn 3 người khách cũ. Súng đặt tiếp lên bàn, chỉ còn 1 viên đạn, nhưng hình như họ sợ, nốc rượu mà không chơi tiếp.

Một vòng tay nồng ấm quàng ngang bụng Phan Bá Y, Y quay lại tìm một nụ hôn. Thùy Trang đến: “Vội gì, em sẽ hôn anh theo kiểu lửa băng”. Ly rượu cognac đầy đá đặt lên quầy, gần 10 phút, khi đủ lạnh, Thùy Trang dùng ống hút uống hai ngụm, ngậm thật lâu trong miệng và quay sang hôn môi Phan Bá Y. Hắn điếng người với bờ môi thật nóng và lưỡi thì thật lạnh của nữ hoàng bóng đêm. Thùy Trang dùng khăn lau sạch máu trên mặt Y.

Kịch tính tiếp tục ở bàn mấy anh lính. Một đại úy dù xuất hiện đặt lên bàn 4 viên đạn: 500 USD. Ba anh lính, cũng là bảo kê cho mấy động hút, gan rất to nhưng vụ này thì không dám, tỉ lệ chết là 5/6 (ổ đạn có 6 viên). Họ móc ra mỗi người 500 USD đặt lên bàn. Đại úy dù tháo lon đặt lên xấp tiền, ý nghĩa quyết đấu. Hắn lần lượt nạp 5 viên đạn vào ổ, quay trái khế rồi kê lên thái dương bóp cò: “Cạch”. Ổ đạn trống.

“Vận may luôn thuộc về Sơn “đảo””. Đúng, đó là Sơn “đảo” chứ ai, võ sĩ, đại úy dù, trùm du đãng khu Tân Bình, Ông Tạ… Hai tiếng Sơn “đảo” như sấm đánh vào tai gã tình si trong cơn mê tình ái, Phan Bá Y chưa kịp hoàn hồn thì thấy mình đang nằm dưới đất, máu me đầy miệng, Sơn “đảo” tát Y.

Phan Bá Y rút ra khẩu P38 chĩa thẳng vào người Sơn “đảo”…

- Bóp cò đi, lính dù và quân cảnh đầy ở tầng dưới. Hãy chứng tỏ mình là đàn ông đi Y “cà lết”!

Phan Bá Y không ngu, hắn đã trải qua nhiều trận thua nhục nhã, phải giả dại qua ải, lần này cũng vậy, hắn cất súng:

- Coi như Phan Bá Y này thua Sơn “đảo”! Mà có anh hùng nào ở Sài Gòn này hơn Sơn “đảo” đâu?

Trước câu nói khéo, Sơn “đảo” cũng thấy mình quá đáng nên quơ ly rượu trên bàn của mấy anh lính nốc sạch rồi bỏ qua cho Phan Bá Y.

Khi Thùy Trang dìu Phan Bá Y đứng lên được, Sơn “đảo” biến mất, quỷ dị như lúc hắn xuất hiện.

(còn tiếp)

Theo Hoàng Linh (Lao động)


Ý kiến bạn đọc