Lãnh đạo Hà Nội tiếp cận "nguồn tài sản vô cùng quý giá"

13:41, 19/06/2016
|

(VnMedia) - Trong buổi gặp mặt với lãnh đạo các trường đại học để lắng nghe ý kiến đóng góp cho Thành phố, Bí thư Hoàng Trung Hải đã chân thành bày tỏ rằng, Hà Nội có nhiều trường đại học hàng đầu cả nước, là nơi có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, hội tụ đông đảo đội ngũ trí thức, chuyên gia đầu ngành... và đây chính là “nguồn lực, tài sản vô cùng quý giá...”

Hoàng Trung Hải
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi đối thoại

Sáng 18/6, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc, đối thoại với hơn 100 đại biểu là Bí thư, Hiệu trưởng các trường Đại học, Cao đẳng (ĐH-CĐ) trên địa bàn thành phố để nghe đóng góp ý kiến, đề xuất với lãnh đạo Thành phố.

Dự và chủ trì buổi làm việc có Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung.

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Với vị trí Thủ đô của đất nước, Hà Nội là nơi tập trung đông nhất các Học viện, Trường Đại học, Trường Cao đẳng, trong đó, có nhiều trường đào tạo hàng đầu cả nước; nơi có nguồn nhân lực dồi dào, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, hội tụ đông đảo đội ngũ trí thức, nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực.

Bí thư khẳng định, Thành phố Hà Nội luôn coi đây là nguồn lực, tài sản vô cùng quý giá, đã, đang và sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển toàn diện của Thủ đô. 

“Với tinh thần thực sự cầu thị, vì mục tiêu phát triển Thủ đô bền vững, lãnh đạo Thành phố xin trân trọng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đồng chí Bí thư, Hiệu trưởng các Học viện, Trường Đại học, Cao đẳng, nhất là về những sáng kiến, giải pháp sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của Thủ đô trên các lĩnh vực: phát triển kinh tế tri thức, hình thành thị trường khoa học - công nghệ; phát triển các vườn ươm công nghệ để ứng dụng và phát triển khoa học kỹ thuật vào thực tiễn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế Thủ đô; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn Thủ đô (du lịch, dịch vụ, công nghệ cao, nông nghiệp sạch,…); cải cách hành chính; quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị, bảo vệ môi trường (làm sống lại các con sông, giải quyết ô nhiễm các hồ, xử lý rác thải,…); vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp; việc ươm mầm khởi nghiệp từ trong các nhà trường; cơ chế phối hợp, gắn kết giữa các Học viện, Trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn với Thành phố…” – đồng chí Bí thư Hoàng Trung Hải nêu rõ.

lãnh đạo các trường ĐH
PGS. TS Phạm Duy Hoà, Bí thư, Hiệu trưởng ĐH Xây dựng phát biểu đóng góp ý kiến

Bí thư Thành ủy cũng bày tỏ mong muốn sẽ thường xuyên nhận được sự quan tâm đóng góp, tham gia ý kiến chân tình, thẳng thắn của lãnh đạo các Viện, Trường để công tác lãnh đạo, chỉ đạo trên mỗi lĩnh vực công tác của Thành phố có tính khả thi, thiết thực và đạt hiệu quả cao nhất.

“Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Thành phố rất mong muốn và tin tưởng, đội ngũ trí thức, lãnh đạo các viện, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thủ đô sẽ có nhiều sáng tạo, đóng góp thiết thực, hiệu quả hơn các giải pháp, góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc trong xã hội, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô trong thời gian tới”.- Bí thư Hoàng Trung Hải nói.

Cũng với tinh thần hết sức cầu thị, phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “Hà Nội xác định đội ngũ các nhà khoa học, các trường, các viện nghiên cứu là nguồn nhân lực chất lượng, tài sản vô giá để phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa Thủ đô.”

Tuy nhiên, người đứng đầu UBND Thành phố thừa nhận “Thời gian qua, nguồn lực này chưa được tận dụng nhiều.”

Đánh giá về nguyên nhân, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, đó là do chưa có sự kết nối giữa nhà trường với nhu cầu các doanh nghiệp, các dự án trên địa bàn; thông tin giữa hai phía chưa được kết nối, khơi thông; chưa có trung tâm, viện nghiên cứu nào nắm bắt được thông tin về các dự án, các đề án của Thành phố để thông qua đó các trường, các nhà khoa học có thể tiếp cận. Mặt khác, toàn bộ nguồn lực chất xám của các viện, các trường chưa được chính các viện, các trường quan tâm biến thành thị trường chất xám, thị trường công nghệ để những người có nhu cầu tự tìm đến, cũng như người quản lý tìm đến đặt hàng.

Ngoài ra, Chủ tịch Thành phố cũng thừa nhận Thành phố chưa tạo được “sân chơi”, khu vực để các trường, sinh viên, đội ngũ trí thức cùng tham gia sáng tạo, qua đó kết nối với thị trường, với doanh nghiệp...

“Thành phố mong muốn các trường nghiên cứu, xây dựng cho Hà Nội một chương trình đào tạo để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ.” – người đứng đầu Thành phố bày tỏ.

Trước sự cởi mở, thực sự cầu thị của lãnh đạo Thành phố, với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, các đại biểu đã phát biểu những ý kiến đóng góp thẳng thắn, mang tính xây dựng cao.

PGS.TS Phạm Duy Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng thẳng thắn chỉ ra một loạt bất cập trong quy hoạch và phát triển đô thị của Thành phố và cho rằng, phải thay đổi căn bản tư duy về quy hoạch đô thị mới có thể giải quyết được những bất cập như cứ mưa to lại ngập mà chủ yếu ngập ở các khu đô thị mới và các vùng mở rộng...

TS Phạm Duy Hòa đề xuất giúp Thành phố xây dựng 3 nhóm đề án: Nghiên cứu các giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về hạ tầng đô thị; nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật phục vụ công tác quy hoạch, thiết kế, thi công, vận hành cơ sở hạ tầng Thủ đô; nghiên cứu áp dụng triển khai dự án điểm mô hình đô thị nhỏ gọn kết hợp với xây dựng nhà ở xã hội, mô hình đô thị nhỏ gọn kết hợp xây dựng lại chung cư cũ ở Hà Nội…

Về giao thông, PGS.TS Đào Văn Đông, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải cũng góp nhiều ý kiến về cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông đô thị ở Thủ đô;  kết nối hệ thống giao thông công cộng; quản lý, sử dụng hiệu quả vỉa hè, lòng đường…

Về giáo dục, đào tạo, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, bản thân các nhà khoa học của Việt Nam có khả năng nhưng chưa có đất dụng võ; Giáo dục Thủ đô chưa có các hình mẫu mang tính tiên phong để lan tỏa ra cả hệ thống...

 GS.TS Nguyễn Văn Minh kiến nghị Thành phố cần xây dựng một số mô hình trường học tương đương quốc tế, chất lượng cao theo đúng nghĩa, đồng thời, tạo cơ chế thông thoáng cho dạng trường này kết hợp với tăng cường xã hội hóa; Tiếp tục quan tâm đầu tư cho giáo dục phổ thông để thu hẹp khoảng cách giữa nội thành và ngoại thành, cùng với đó là nghiên cứu các giải pháp để phân luồng học sinh phổ thông, chú trọng các trường dạy nghề.

Đặc biệt, GS.TS Nguyễn Văn Minh cho rằng, Hà Nội có trên 500 nghìn sinh viên về học tập, sinh sống, chính vì thế, bên cạnh việc quan tâm giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch cho học sinh, cần chú trọng cả đến sinh viên với những giải pháp và hình thức phù hợp..

Còn theo PGS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV – ĐH Quốc gia Hà Nội, đã đến lúc phải chú ý đến vấn đề quốc tế hóa các trường ĐH, CĐ của Hà Nội...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải khẳng định Thành phố sẽ quyết liệt cùng các đồng chí lãnh đạo các trường ĐH, CĐ trên địa bàn Hà Nội nâng cao mối liên kết giữa các trường ĐH, CĐ với các doanh nghiệp của Thành phố và các doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn. Bí thư cũng đề nghị các trường tiếp tục thực hiện tốt việc cải cách, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo cũng như năng lực cạnh tranh; Phối hợp với Thành phố trong công tác quản lý sinh viên. 


Ý kiến bạn đọc