Cô gái trẻ bị đánh ghen dã man: Cấu thành 3 tội danh

09:02, 17/06/2016
|

(VnMedia) - Liên quan đến vụ cô gái trẻ bị đánh ghen dã man tại siêu thị Big C Hà Đông, Hà Nội, luật sư cho rằng, hành vi đánh ghen của các đối tượng đủ cấu thành 3 tội danh được quy định trong bộ luật hình sự.

Theo điều tra ban đầu, chiều ngày 15/6, Hoàng Thị Anh (27 tuổi) và Vũ Thị Vân Anh (22 tuổi) và hai người phụ nữ khác rủ nhau đi tìm chị M. T. A. (19 tuổi, quê Vĩnh Phúc) để đánh ghen vì cho rằng chị A. có quan hệ bất chính với chồng Vân Anh.

Cô gái trẻ bị đánh ghen dã man. Hình ảnh được cắt từ clip
Cô gái trẻ bị đánh ghen dã man. Hình ảnh được cắt từ clip

Các đối tượng đến siêu thị Big C Hà Đông (thuộc phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) vì lúc này A đang mua đồ trong siêu thị. Lúc này, các đối tượng đã kéo chị này ra ngoài và đánh đập, giật tóc, xé áo của nạn nhân.

Lúc đó, nhiều người dân trong siêu thị có can ngăn nhưng các đối tượng vẫn tiếp tục đánh chị A khiến nạn nhân bị thương ở đầu gối, xây xát ở tay và có thâm tím nhiều vết thâm tím trên mặt.

Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, hành vi của các đối tượng có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104 BLHS); Tội làm nhục người khác (Điều 121 BLHS); Tội gây rối trật tự công cộng (Điều 245 BLHS)

Điều 20  Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 qui định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Để đảm bảo thực hiện các nguyên tắc được Hiến pháp 2013 ghi nhận, Bộ luật hình sự 1999 và Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 đã qui định những hành vi xâm phạm đến quyền được bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người là phạm tội và qui định hình phạt áp dụng đối với người có hành vi phạm tội.

Qua sự việc xảy ra vào chiều 15/6/2016 ở siêu thị Big C Hà Đông, 4 phụ nữ đánh ghen dã man một cô gái gây chảy máu mồm, thâm tím chân tay và túm tóc, lột áo gây náo loạn trên đường phố.

Hành vi của 4 đối tượng nữ đã cùng một lúc xâm phạm đến 03 khách thể được Bộ luật hình sự bảo vệ đó là quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe; Danh dự, nhân phẩm của công dân; Xâm phạm đến trật tự công cộng, nếp sống văn minh, quy tắc sống xã hội chủ nghĩa.

Hành vi phạm tội của các đối tượng có dấu hiệu phạm các Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104 BLHS); Tội làm nhục người khác (Điều 121 BLHS); Tội gây rối trật tự công cộng (Điều 245 BLHS)

Về nguyên tắc, khi các cơ quan pháp luật định tội danh phải xác định khách thể xâm hại cao nhất. Cụ thể trong vụ việc này phải là tính mạng, sức khỏe và danh dự nhân phẩm con người.

Chỉ vì nghi ngờ chồng ngoại tình với người bị hại (Chồng không thừa nhận và người bị hại thừa nhận có quan hệ tình cảm) mà người vợ đã cùng các đối tượng đánh đập dã man gây thương tích cho người bị hại. Không những vậy, các đối tượng còn làm nhục người bị hại bằng thủ đoạn xé quần áo bêu rếu trước mặt mọi người. Hành vi đó đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm danh dự và gây mất an ninh trật tự nơi công cộng. Hành vi phạm tội của các đối tượng thể hiện sự côn đồ, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng sức khỏe và nhân phẩm người khác được pháp luật bảo vệ.

Luật sư Thơm cho biết thêm, căn cứ Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người Bị hại thì để xử lý các đối tượng về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104 BLHS); Tội làm nhục người khác (Điều 121 BLHS) thì cần phải có đơn yêu cầu của người bị hại

Nếu người bị hại trong vụ việc này từ chối yêu cầu khởi tố các đối tượng và không giám định thương tích để làm căn cứ xử lý thì cơ quan điều tra vẫn có căn cứ để xử lý các đối tượng về Tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 BLHS.

Để có căn cứ xử lý các đối tượng về Tội gây rối trật tự công cộng thì cơ quan điều tra chỉ cần xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi của các đối tượng đã gây ra trên cơ sở Báo cáo của Công an Phường sở tại về hành của các đối tượng đã gây hậu quả là làm mất trật tự trị an, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của mọi người nơi công cộng…

Luật sư Thơm khẳng định: nếu người bị hại có yêu cầu xử lý thì các đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104 BLHS); Tội làm nhục người khác (Điều 121 BLHS). Nếu kết quả giám định tỷ lệ thương tích dưới 11% thì các đối tượng vẫn có thể bị xử lý theo khoản 1 Điều 104 BLHS với tình tiết định khung “có tính chất côn đồ”.

Từ vụ việc trên, luật sư Thơm khuyến cáo với những người phụ nữ chọn cách bảo vệ hạnh phúc bằng cách đánh ghen, làm nhục người khác rằng: Trong xã hội hiện nay, tình trạng vợ, chồng ngoại tình đã và đang diễn ra rất phổ biến với các hình thức và mức độ khác nhau như qua quan hệ công việc, bạn bè, mạng xã hội..

Pháp luật nghiêm cấm hành vi dùng vũ lực để giải quyết bất kỳ mâu thuẫn nào phát sinh, không chỉ trong quan hệ hôn nhân gia đình.

Nếu người vợ phát hiện chồng mình có hành vi ngoại tình, vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình thì hoàn toàn có thể làm đơn trình báo đến chính quyền địa phương hoặc cơ quan công an giải quyết, xử lý theo pháp luật. Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016 đã có những qui định cụ thể hơn về việc xử lý Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng nhằm mục đích răn đe, phòng chống các vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân gia đình.

Mặt khác, hành vi đánh ghen, làm nhục người khác cũng không phải là một giải pháp để níu kéo hạnh phúc gia đình. Nhiều khi nó còn làm trầm trọng hơn quan hệ vợ chồng. Chúng ta sống trong một xã hội văn minh và hoạt động của con người đều phải dựa trên các chuẩn mực về pháp luật, đạo đức xã hội. Xét thấy quan hệ hôn nhân trầm trọng, vợ chồng không còn tình cảm, tôn trọng nhau thì có thể giải quyết ly hôn theo qui định của pháp luật.


Ý kiến bạn đọc